Nội dung bài viết
Quản lý sâu bệnh hại trên cây cam Xoàn
1. Phòng trừ sâu hại trên cây cam Xoàn
1.1. Bù lạch (Bọ trĩ Scirtothrips dorsalis Hood)
Cả ấu trùng và thành trùng đều gây hại trên lá non, hoa và trái non. Trên trái bù lạch tấn công khi trái non còn rất nhỏ (vừa rụng cánh hoa đến khi trái có đường kính khoảng 4 cm) tạo ra những mảng xám hoặc những phần lồi màu bạc trên vỏ trái nằm ngoài tán lá. Trên trái non, bù lạch tấn công làm lá biến màu, cong queo. Gây hại quan trọng trong mùa nắng.
Biện pháp phòng trị: Tưới nước tạo độ ẩm lên tán cây. Phun thuốc đặc trị côn trùng chích hút kết hợp với dầu khoáng khi cây ra lá non, trái non.
1.2. Rầy chổng cánh (Diapphorina citri)
Ấu trùng và thành trùng chích hút dinh dưỡng của lá và đọt non làm cho đạt non lụi dần, sần sùi, lá non bị hại phiến lá nhỏ và xoăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và sự ra trái. Tuy nhiên, sự gây hại quan trọng nhất là truyền vi khuẩn Liberrobacter asiaticum gây bệnh vàng lá gân xanh.
Biện pháp phòng trị:
– Tỉa cành và bón phân thích hợp để điều khiển đọt non ra tập trung. Trồng cây chắn gió.
– Không nên trồng các loại cây kiểng như Cần thăng, Nguyệt quới, Kim quýt trong vườn.
– Bảo vệ và tạo điều kiện cho loài thiên địch (kiến vàng, bọ rùa, bọ cánh cứng, nhện bắt mồi…) trong vườn phát triển.
– Khi mật độ cao có thể phun một trong các loại thuốc như: Eagle 5EC, Spinki 25SC, Trebon 10EC, Actara 25WG,… để trừ rầy.
1.3. Sâu vẽ bùa (Phyllocnistic citrella Stainton)
Sâu đục dưới lớp biểu bì thành lá thành những đường ngoằn ngoèo. Giai đoạn nhộng được hoàn thành ở cuối đường đục. Sự phá hoại của sâu làm cho lá co cúm, quăn queo, hạn chế quang hợp. Ngoài ra, các vết thương do sâu tạo ra trên lá sẽ tạo điều kiến cho bệnh loét phát triển.
Biện pháp phòng trị:
– Tỉa cành bón phân hợp lý, điều khiển sự ra chồi sao cho đồng loạt để hạn chế sự lây nhiễm liên tục trong năm.
– Ngắt bỏ và tiêu hủy các lá bị sâu hại.
– Nuôi kiến vàng Oecophylla smaragdina.
1.4. Nhóm nhện (nhện đỏ, trắng, vàng):
Gây hại trên nhiều bộ phận của cây như: lá trưởng thành, lá non. Khi bị gây hại lá non bị biến dạng, trái bị hư lớp biểu bì, gây hiện tượng da lu, da cám.
Biện pháp phòng trị:
– Tưới nước đầy đủ trong mùa nắng để tăng độ ẩm vườn.
– Phun một trong các loại thuốc trừ nhện khi cần thiết: Kyodo 25SC, Nissorun 5EC, Comite 73 EC… Phòng trừ nhện và bọ trĩ nên kết hợp phun dầu khoáng DS 98.8 EC, SK 99 và nước sẽ có hiệu quả cao hơn.
2. Phòng trừ bệnh hại trên cây cam Xoàn
2.1. Bệnh vàng lá gân xanh (vàng bạc, Greening)
Đầu tiên trên cây có một số nhánh lá non chuyển sang màu vàng, trong khi gân lá vẫn còn xanh và nổi rõ lên, rễ bị thối và trái nhỏ, tâm bị lệch, hột thui.
Biện pháp phòng trị:
– Trồng cây sạch bệnh và nên cách ly với vùng nhiễm bệnh, vườn trồng phải có cây chắn gió. Phun thuốc trừ rầy chổng cánh.
– Nhổ bỏ và tiêu hủy cây đã nhiễm bệnh.(Nếu trồng cây sạch bệnh thì có thể cắt bỏ cành bệnh, cho mọc lại cành khác).
2.2. Bệnh loét (Vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. Citri).
Vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng ướt, xanh đậm (xanh tối) sau đó biến thành màu nâu nhạt nhô lên trên mặt lá hay vỏ trái tạo nên các mụn ghẻ loét, sần sùi.
Biện pháp phòng trị:
– Trồng cây con sạch bệnh
– Không tưới phân lên lá khi vườn có dấu hiệu nhiễm bệnh, không tưới nước lúc chiều mát, tạo ẩm độ cao, dễ bộc phát bệnh.
– Phun các loại thuốc như: Avalon 8 WP. Kata 2 Sl, Saipan 2 SL, Starner 20 WP… giai đoạn lá non và sau khi đậu trái.
2.3. Bệnh vàng lá – thối rễ (nấm Fusarium solani)
Cây bệnh vàng lá bị vàng và bị rụng đi khi có gió. Lúc đầu có thể chỉ trên một vài nhánh, nhưng về sau cả cây sẽ bị dụng lá, sau đó cây chết hẳn. Đào rễ lên thấy rễ bị thối, chạy sọc nâu đen từ chóp rễ lan dần vào, Bệnh thường gây hại nặng vào cuối mùa mưa làm cây chết hàng loạt, do nấm sống trong đất cao, đất không thoát nước tốt.
Biện pháp phòng trị:
– Tạo điều kiện cho đất tới xốp và thoáng khí, bón phân hữu cơ cho cây ( 5-10 kg/ gốc)
– Bón vôi để cải thiện độ chua của đất, bón phân lân cho cây bệnh nhẹ để giúp rễ phục hồi.
– Nếu phát hiện sớm có thể cắt bỏ phần rễ bệnh. Sử dụng cá loại chế phẩm sinh học: TRICÔ – ĐHCT 108 bào tử/ g, Vi – ĐK 109 bào tử/g.