Nội dung bài viết
Phòng trị bệnh sán lá gan trên trâu bò và giun đũa trên bê nghé
I. Phòng trị bệnh sán lá gan trên trâu bò
1. Xác định nguyên nhân gây bệnh
1.1. Nhận biết đặc điểm bệnh
Bệnh sán lá gan trâu, bò là bệnh ký sinh trùng do loài sán lá ký sinh trong ống mật ở gan gây ra. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi. Trâu, bò mắc bệnh gầy yếu, da thô, lông xù, ỉa chảy… Giảm sức sản xuất, gây thiệt hại về mặt kinh tế trong chăn nuôi. Vì vậy, việc phòng, chống bệnh sán lá gan là biện pháp kỹ thuật cần thiết trong chăn nuôi trâu, bò.
1.2. Nhận biết ký sinh trùng gây bệnh
Do hai loài sán lá Fasciola hepatica và F. gigantica ký sinh trong ống dẫn mật ở gan trâu,bò gây ra. Sán trưởng thành hình lá, đẻ trứng theo ống dẫn mật vào ruột và ra ngoài cùng với phân. Gặp điều kiện thuận lợi trứng nở thành ấu trùng non bơi tự do trong nước, nếu gặp ốc không vẩy sẽ chui vào cơ thể ốc phát triển thành ấu trùng gây nhiễm. Ấu trùng này theo đường tiêu hóa của ốc ra ngoài môi trường nước bám vào cây cỏ thuỷ sinh. Trâu, bò ăn phải ấu trùng vào ruột, tại đây ấu trùng di hành theo máu đến gan phát triển thành sán trưởng thành.
2.Nhận biết triệu chứng bệnh
2.1. Triệu chứng cục bộ
Thuỷ thũng xuất hiện ở các vùng thấp của cơ thể như dưới hàm, yếm ngực.
2.2. Triệu chứng toàn thân
Con vật suy nhược, niêm mạc nhợt nhạt, lông xù, dễ rụng, chướng bụng nhẹ, ỉa chảy, gầy yếu, lao tác kém. Trâu, bò cho sữa bị bệnh thì lượng sữa giảm tới 20-50%. Vật có thể chết do kiệt sức.
3. Chẩn đoán bệnh
3.1. Chẩn đoán lâm sàng
– Dựa vào triệu chứng điển hình: xác gầy, lông xù, da thô, ỉa chảy… để chẩn đoán.
– Dựa vào dịch tễ để chẩn đoán.
Xem thêm: Đặc tính sinh vật học của cây đậu tương
– Mổ khám gia súc tìm sán trưởng thành.
3.2. Kiểm tra phân để tìm trứng sán: bằng phương pháp lắng cặn (Benedek).
4. Phòng và trị bệnh sán lá gan
4.1. Phòng bệnh
Định kỳ tẩy sán 2 lần/năm vào các tháng 3 hoặc 4 và 8 hoặc 9. Ủ phân trâu, bò theo phương pháp nhiệt sinh học để diệt trứng sán. Diệt ký chủ trung gian (ốc không vảy) bằng cách tháo cạn nước, rắc vôi bột, nuôi vịt… Luân canh tăng vụ cây trồng nhằm tạo điều kiện bất lợi đối với sự phát triển của ốc ký chủ trung gian. Vệ sinh thức ăn, nước uống…
4.2. Trị bệnh sán lá gan
Dùng một trong các loại thuốc sau:
– Fasiozanida: 15mg/kg P – cho uống hoặc trộn vào thức ăn.
– Fasinex: 12mg/kg P – cho uống hoặc trộn vào thức ăn.
– Okazan: 10mg/kg P – cho uống hoặc trộn vào thức ăn.
Xem thêm: Bệnh hại trên nấm rơm và cách phòng trừ
– Han- Dertil-B: 1 viên/40-60 kg/ thể trọng
II. Phòng trừ giun đũa trên bê nghé
1. Xác định nguyên nhân gây bệnh
1.1. Nhận biết đặc điểm bệnh
Là bệnh ký sinh trùng do giun đũa ký sinh ở đường tiêu hoá bê, nghé gây ra, bệnh thường gặp ở bê, nghé dưới 2 tháng tuổi. Bê, nghé mắc bệnh còi cọc, chậm lớn, sức đề kháng yếu dễ mắc các bệnh khác. Vì vậy, phòng và trị bệnh giun đũa là biện pháp kỹ thuật cần thiết trong chăn nuôi trâu, bò.
1.2. Nhận biết ký sinh trùng gây bệnh
Do giun đũa ký sinh trong đường tiêu hoá bê, nghé gây nên. Thân hình giun đũa thon hai đầu màu vàng nhạt, con đực dài 13 – 15cm, con cái dài 19 – 26cm.
2. Nhận biết triệu chứng bệnh
2.1. Triệu chứng cục bộ: Bụng sôi, lông xù, mắt lờ đờ, niêm mạc nhợt, mũi khô.
2.2. Triệu chứng toàn thân
Dáng đi lù đù, đầu cúi, lưng cong, đuôi cụp, lúc đầu còn chậm chạp theo mẹ. Khi nặng thì bỏ ăn, nằm một chỗ, thở yếu, bụng đau, nằm ngửa dãy giụa, đạp chân lên bụng. Phân màu trắng, hôi thối, nghé gầy sút rất nhanh. Triệu chứng ở bê nhẹ hơn và tỷ lệ chết thấp hơn. Bê, nghé ở lứa tuổi từ một tuần đến trên dưới ba tháng tuổi hay mắc bệnh (Ở miền núi người ta thường gọi tên bệnh là khì khao tức là nghé phân trắng.
3. Chẩn đoán bệnh
3.1. Chẩn đoán lâm sàng
Dựa vào triệu chứng lâm sàng, dịch tễ học để chẩn đoán:
– Dáng đi lù đù, đầu cúi, lưng cong, đuôi cụp, lúc đầu còn chậm chạp theo mẹ.
– Nằm một chỗ, thở yếu, bụng đau, nằm ngửa dãy giụa, đạp chân lên bụng. Phân màu trắng, hôi thối.
3.2. Kiểm tra phân
Để tìm trứng giun đũa bằng phương pháp phù nổi (Fulleborn).
4. Phòng và trị bệnh
4.1. Phòng bệnh
Chăm sóc tốt bê, nghé sơ sinh.
Xem thêm: Phòng trị bệnh nhiệt thán trên trâu bò
Bồi dưỡng trâu, bò mẹ khi có chửa, phân ủ theo phương pháp nhiệt sinh học.
4.2. Trị bệnh
– Piperazin 0,3 – 0,5g/kg P – cho uống.
– Phenothyazin 0,05g/kg P – 2lần/ngày, 2 ngày liền.
– Mebenvet 130 – 150mg/kg P – cho uống.
– Levamisol 1ml/9 – 10kg P, tiêm bắp.