Nội dung bài viết
Đặc điểm sinh học và nguyên tắc chung nuôi cá diêu hồng đảm bảo an toàn sinh học
1. Đặc điểm sinh học của cá diêu hồng
1.1. Nguồn gốc và phân bố của cá Diêu Hồng
Cá điêu hồng, còn gọi là cá diêu hồng hoặc cá rô phi đỏ, có xuất xứ từ Đài Loan. Năm 1990, chúng được nhập từ Học viện Công nghệ châu Á (AIT) về Việt Nam và được nuôi thử nghiệm. Từ năm 1997, đã bắt đầu nuôi thương phẩm cá điêu hồng và hiện nay nhiều địa phương đã nuôi thâm canh trong ao, trong lồng hoặc nuôi quảng canh đối tượng có giá trị kinh tế này.
1.2. Đặc điểm về hình thái của cá Diêu Hồng
Toàn thân phủ vẩy màu đỏ hồng hoặc màu vàng đậm, màu vàng nhạt. Cũng có những cá thể trên thân có màu hồng xen lẫn những đám vẩy màu đen.
1.3. Tập tính sống của cá Diêu Hồng
Cá sống chủ yếu trong nước ngọt, nước lợ và cả ở vùng nước có độ mặn từ 5 – 12‰, nhiệt độ thích hợp từ 25 – 35oC. Cá có thể sống trong mọi tầng nước, chịu đựng được ở vùng nước có hàm lượng ôxy hoà tan thấp và pH từ 5 – 11, thích hợp nhất là 6,5 – 7,5. Tuy nhiên, cá kém chịu đựng với nhiệt độ thấp. Khi nhiệt độ nước dưới 18oC, cá ăn kém dần, chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Khi nhiệt độ nước 11 – 12 oC và kéo dài nhiều ngày, cá sẽ chết vì rét.
1.4. Thức ăn của cá Diêu Hồng
Cá điêu hồng là loài ăn tạp, thức ăn thiên về nguồn gốc thực vật. Ngoài ra, chúng cũng ăn ấu trùng các loại côn trùng, động vật thủy sinh, các phế phụ phẩm khác và thức ăn công nghiệp dạng viên.
Do ăn tạp nên việc nuôi thâm canh cá điêu hồng đạt năng suất cao khá thuận lợi vì có thể tận dụng phế phụ phẩm của các nhà máy chế biến thủy sản hoặc lò giêt mổ gia súc để chế biến thành thức ăn nuôi cá. Tuy nhiên, do nuôi mật độ cao trong lồng nên cần cho cá ăn thức ăn dạng viên nổi để dễ dàng theo dõi cá ăn, kiểm soát lượng thức ăn thừa, hạn chế thất thoát thức ăn và quản lý chất lượng môi trường nuôi. Thức ăn dạng viên nổi cho cá
1.5. Đặc điểm sinh trưởng của cá Diêu Hồng
Cá lớn nhanh, tốc độ lớn phụ thuộc vào môi trường nước, thức ăn, mật độ nuôi, chăm sóc. Khi nuôi trong lồng cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, cá sinh trưởng nhanh hơn, tỷ lệ hao hụt thấp, đạt cỡ thương phẩm (400 – 500g trở lên) chỉ sau 5 – 6 tháng nuôi.
1.6. Đặc điểm sinh sản của cá Diêu Hồng
Cá đẻ nhiều lần trong năm. Ở các tỉnh miền Bắc, cá ngừng đẻ khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Đặc điểm sinh sản của cá giống như các loài cá rô phi khác. Khi cá cái đẻ, cá đực tiết sẹ thụ tinh cho trứng và cá cái ngậm ấp trứng trong miệng. Ở nhiệt độ 30 oC, trứng cá nở sau 4 – 6 ngày ấp. Thời gian ngậm cá con có thể từ 3 – 4 ngày, sau đó cá con chui ra khỏi miệng cá mẹ. Khi hết cá con trong miệng, cá mẹ mới đi kiếm ăn và tham gia vào đợt đẻ mới.
Bảng 1: Đặc điểm phân biệt cá rô phi đực – cái dựa trên hình thái ngoài và lỗ huyệt
Ðặc điểm | Cá đực | Cá cái |
Ðầu | To và nhô cao | Nhỏ, hàm dưới trễ do ngậm trứng và con |
Màu sắc | Vây lưng và vây đuôi sặc sỡ có màu hồng hặc hơi đỏ. | Màu nhạt hơn |
Huyệt | Có 2 lỗ: lỗ niệu sinh dục và lỗ hậu môn. | Có 3 lỗ: lỗ niệu, lỗ sinh dục và lỗ hậu môn |
Hình dạng | Ðầu thoát lỗ niệu sinh dục dạng lồi, hình nón dài và nhọn
|
Dạng tròn, hơi lồi và không nhọn như ở cá đực |
2. Nguyên tắc chung nuôi cá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
– Địa điểm và công trình nuôi: Địa điểm nuôi phải nằm trong vùng được quy hoạch cho nuôi thủy sản của địa phương hoặc được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Nơi đặt lồng, bè phải thoáng, không bị ô nhiễm, có chất lượng nước phù hợp và có độ sâu ít nhất 3 mét, có dòng chảy thẳng và liên tục, xa nơi tập trung đông dân và nhiều tàu thuyền qua lại, xa bến cảng, nơi sóng gió lớn, có nhiều rong và cây cỏ thủy sinh.
– Thức ăn: Đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng giai đoạn nuôi, không bị nhiễm mốc, không trộn hoá chất, kháng sinh bị cấm. Khuyến khích sử dụng thức ăn công nghiệp nhưng phải được phép lưu hành tại Việt Nam, còn hạn sử dụng và có nhãn bao bì rõ ràng, được bảo quản tốt để không bị ẩm mốc. Đảm bảo cho cá ăn theo 4 định: định lượng, định thời gian, định địa điểm và định số lần cho ăn.
– Chất lượng nước nuôi: Phải đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm, kiểm soát được các nguồn lây nhiễm. Các khu vệ sinh, công trình phụ đặt xa lồng nuôi và phải xử lý tốt để tránh gây nhiễm bẩn lồng nuôi.
– Chăm sóc cá nuôi: Thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng và sức khoẻ cá nuôi. Tiến hành các biện pháp phòng bệnh cho cá. Khi xuất hiện bệnh phải tham khảo ý kiến của cán bộ chuyên môn để xử lý kịp thời. Sử dụng hoá chất, kháng sinh phòng trị bệnh theo đúng quy định. Các dụng cụ, thiết bị phục vụ việc nuôi cá phải được làm bằng vật liệu không độc hại, dễ làm vệ sinh khử trùng sạch sẽ và phải bảo quản tốt sau khi dùng.