Nội dung bài viết
- Kỹ thuật chăm sóc cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao
- 1. Che tủ gốc cho cây cà phê:
- 2. Trồng dặm:
- 3. Làm cỏ, tủ gốc:
- 4. Trồng xen trong vườn cà phê ở thời kỳ kiến thiết cơ bản:
- 5. Cây che bóng và đai rừng chắn gió
- 6. Bón phân thúc cho cây cà phê
- 7. Biện pháp chống hạn, chống rét cho cây cà phê:
- 8. Tạo hình, tỉa cành:
- 9. Cưa đốn phục hồi vườn cây cà phê:
- 10. Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê:
Kỹ thuật chăm sóc cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao
Các biện pháp chăm sóc cây cà phê cần được thực hiện từ ngay sau khi trồng và trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây để tối ưu hiệu quả kinh tế:
1. Che tủ gốc cho cây cà phê:
Ngay sau khi trồng cần: đánh bồn, che tủ gốc bằng rơm rác, cỏ khô, cây phân xanh,…độ dày dày 10 – 15 cm, cách gốc 5-10cm và Phun Confidor 100SL để chống mối. Ngoài ra, cần che túp tránh nắng, gió nóng, chống hạn, rét,..nếu vào mùa mưa thì không cần che túp.
2. Trồng dặm:
Đối với cà phê trồng mới, sau khi trồng 15-20 ngày phải kiểm tra, loại bỏ những cây chết và còi cọc chậm phát triển; Đào hố trồng mới lại các cây đã loại bỏ . Công tác trồng dặm bổ sung cần kết thúc trước khi kết thúc mùa mưa 1,5-2 tháng.
Xem thêm: Phòng trừ sâu đục trái gây hại trên cây ăn quả có múi
3. Làm cỏ, tủ gốc:
Cần thực hiện trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cà phê, đặc biệt là trong giai đoạn kiến thiết cơ bản khi mà cỏ có thể phát triển lấn át ảnh hưởng mạnh tới sự sinh trưởng cà phát triển của cây cà phê. Đồng thời che phủ gốc để ngăn cỏ dại phát triển, giữ ẩm, giảm thất thoát dinh dưỡng, đảm bảo độ tơi xốp đất, điều hòa nhiệt độ…
4. Trồng xen trong vườn cà phê ở thời kỳ kiến thiết cơ bản:
Trong giai đoạn này tán cây cà phê còn nhỏ cần trồng xen một số cây trồng ngắn ngày khác với mục đích: tối ưu hiệu quả kinh tế trên diện tích đất khi cây cà phê chưa cho thu hoạch; che phủ mặt đất hạn chế sự phát triển của cỏ dại; cải tạo đất tăng độ tơi xốp, bổ sung dinh dưỡng cho đất ( các cây họ đậu), lấy nguyên liệu làm phân xanh; che tủ gốc cây cà phê.
5. Cây che bóng và đai rừng chắn gió
– Cây che bóng tạm thời: Trồng xen giữa 2 gốc cây cà phê hoặc trồng giữa 2 hàng cà phê thành băng các cây phân xanh ngắn ngày có thân đứng cao như cốt khí, muồng hoa vàng, đậu săng…
– Cây che bóng lâu dài: Thường là cây keo dậu, ban đầu trồng dày với khoảng cách 5 x 6m, sau đó tỉa dần giữ ở mật độ cố định là: 10 x 12m.
Chú ý: cây bóng mát trồng giữa 2 cây cà phê, thì trong thời kỳ cà phê cho thu hoạch thì bộ tán của cây trồng che bóng phải cao hơn bộ tán cây cà phê từ 2,5-3m.
– Đai rừng chắn gió: cần trồng các đai rừng chắn gió bao quanh vùng trồng cây cà phê. Đai rừng trồng thẳng gốc với hướng gió chính hoặc chếch 1 góc 60 độ. Thiết kế đai rừng rộng 9 m, khu vực ở giữa trồng 3 hàng muồng đen, hàng cách hàng 1m và cây cách cây 3m. Hai bên mép của đai rừng trồng thêm các loại cây ăn quả như: mít, nhãn, vải, xoài…
6. Bón phân thúc cho cây cà phê
– Phân hữu cơ: Bón phân hữu cơ một lần mỗi năm cà phê tại thời điểm sau khi thu hoạch quả với liều lượng khoảng từ: 5-10kg/cây kết hợp với lần bón cuối cùng trong năm phân lân và phân vô cơ cho cây cà phê. Cách bón: soi tán và đào rãnh sâu 20cm, rộng 20cm xung quanh mép tán, rải đều phân hữu cơ và các tàn dư thực vật xung quanh, rồi lấp lại.
– Phân vô cơ:
Tùy thuộc vào tuổi cây, tuổi cây lớn ta sẽ tăng dần lượng bón, có thể tham khảo liều lượng bón sau:Lượng phân nguyên chất đối với phân đơn N, P2O5, K2O , năm 1: 120, 90, 90; Năm 2: 180, 120, 180; Năm 3: 250, 160, 300. Đối với phân đạm và kali có thể bón 3lần/năm vào tháng 2-3, 6-7, 11-12. Làm cỏ sạch dại trước khi bón phân, trộn các loại phân với nhau, soi tán, bón phân đều theo mép tán và lấp kĩ đất .Riêng đối với năm trồng mới, sau khi trồng 1-2 tháng, bón 25- 30g phân Urê và 25-30g phân kali cho 1hố.
7. Biện pháp chống hạn, chống rét cho cây cà phê:
Khi thời tiết xấu nắng hạn hoặc rét, đặc biệt là nếu có sương muối, khi các loại cây cho bóng chưa phát huy được tác dụng thì cần che túp ngay cho cây cà phê. cần che túp cho cà phê. Túp che phải che kín được hướng gió đông-bắc, để hở 1/4 phía tây-nam, dựng chắc chắn, cao cách đỉnh cà phê10-15cm không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê.
8. Tạo hình, tỉa cành:
Đây là biện pháp quan trọng có ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng quả cà phê . Cây cà phê cần có bộ tán cân đối, cành quả phân bố đều tối ưu hóa không gian, hạn chế sâu bệnh hại, thuận lợi cho công tác chăm sóc, thu hái.
– Đối với việc tạo hình cơ bản: hiện nay xu hướng thường là tạo hình đơn thân tức là mỗi hố chỉ để 1 thân chính. Vì vậy cần theo dõi và tỉa kịp thời các cành mọc từ gốc, nách lá trên thân chính.
– Đối với việc tạo hình nuôi quả: Tỉa bỏ các cành quá sát mặt đất các cành phải cách mặt đất từ 20 – 25cm để cây thoáng đãng thuận tiện chăm sóc , bón phân làm cỏ, thu hái. Tỉa bớt một số cành cơ bản nhỏ, cành cỗi, chồi vượt, cành thứ cấp mọc sát thân chính, cành tăm nhớt, bị sâu bệnh, cành chùm, khô, cành sinh trưởng kém và cành không có khả năng ra cành thứ cấp để tập trung dinh dưỡng, ánh sáng cho một số lượng cành tơ nhất định.
-Tạo hình đau: Đối với vườn cà phê đã qua nhiều năm thu hoạch, năng suất có dấu hiệu giảm chủ yếu là do các cành thứ cấp đã già cỗi và mọc quá xa với thân trục chính nên cần cắt tỉa nhiều để tái tạo lại tán mới cho cây, cần cắt tất cả các cành ở đoạn cách xa thân chính từ 15-20cm theo chiều ngắn dần từ dưới gốc lên đỉnh tán. Sau đó cần xới xáo, bón phân để cây nhanh chóng phát triển phục hồi.
9. Cưa đốn phục hồi vườn cây cà phê:
Đối với các vườn cây cà phê đã cho thu hoạch nhiều năm, già cỗi, kém phát triển cần cưa đốn để tái tạo lại vườn. Thời điểm có thể cưa đốn phục hồi là tháng 2-3 hàng năm. Cưa thân cách mặt đất 25-30cm nhẵn, không dập nát theo mặt phẳng nghiêng 45 độ, loại bỏ các gốc không thể phục hồi và trồng dặm cây mới. Khi chồi mọc cần phải tỉa định chồi qua 2 lần: lần 1 khi chồi cao 10-15cm để lại 4-5 chồi/gốc, lần 2 khi chồi cao 20-30cm để lại 2chồi/gốc.
10. Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê:
Cây cà phê là loài cây có tương đối nhiều các loại sâu bênh hại để phòng trừ cần áp dụng tổng hợp các biện pháp: thường xuyên làm cỏ xới xáo, bón phân đầy đủ cân đối, tỉa cành tạo tán giữ mật độ ổn định hợp lí, theo dõi quan sát thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu mầm mống sâu bệnh hại, loại bỏ và tiêu hủy mầm mống sâu bệnh, nuôi dưỡng tạo điều kiện cho thiên địch phát triển, sử dụng biện pháp hóa học khi cần thiết,….