Sâu bệnh hại chính trên cây đậu tương và biện pháp phòng trừ

Sâu bệnh hại chính trên cây đậu tương và biện pháp phòng trừ

1. Các loại sâu hại chính trên cây đậu tương

1.1. Sâu xám:

Thường gây hại trong giai đoạn cây đậu tương con. Sâu cắn ngang thân làm cây gãy, đổ và chết.

Phòng trừ bằng cách làm đất kỹ để diệt nhộng và sâu non, có thể dùng thuốc hoá học trừ diệt sâu non, bắt vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát nếu mật độ thấp. Mật độ cao sử dụng các loại thuốc như: Sugadan 30G, Vifuran 3G,… theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Sâu đục quả đậu tương
Sâu đục quả đậu tương

1.2. Ruồi đục thân:

Trong vụ Đông, sâu non (dòi) phá hại nặng trên cây con vào tháng 10, 11. Con trưởng thành (ruồi nhỏ) phá hại ở các bộ phận lá và thân cây.

Phòng trừ bằng cách phun các loại thuốc có hiệu lực cao như: Angun 5ME, Golnitor 50WDG, Soka 25EC… khi đến ngưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

1.3. Sâu đục quả:

Sâu tập trung phá hại khi cây ra quả non, hạt mới hình thành bị sâu đục, không phát triển nữa. Sâu non gặm vỏ quả, đục vào trong ăn hạt đậu tương làm cho hạt bị khuyết từng phần hoặc bị rỗng bên trong, làm giảm năng suất và hạt không dùng làm giống được. Ngoài ra, sâu còn đục phá thân cây, làm cây sinh trưởng chậm hoặc chết khô. Sâu đục quả gây hại mạnh cả đậu tương Xuân Hè và Hè Thu. Sâu non phân bố và gây hại trong ruộng đậu tương ở xung quanh bờ nhiều hơn ở giữa ruộng. Đậu tương càng gieo trồng muộn càng bị hại nặng.

Xem thêm: Quản lý sâu bệnh hại trên cây cam Xoàn

Trừ sâu đục quả bằng cách phun thuốc trừ sâu non như Surpacide 40ND, Dipterex, Fastas 5EC, Fortac 5EC… Dùng Detect 50WP liều lượng 2 lít/ha, pha 0,15 – 0,2 lít với bình 10 lít phun 2 – 3 bình/1000 m2.

1.4. Sâu cuốn lá:

Sâu cuốn lá đậu tương phát sinh quanh năm trên đồng ruộng. Mật độ của sâu tăng nhanh và gây hại lớn nhất vào thời kỳ cây 4 – 6 lá kép và quả đang phát triển. Khi trưởng thành, sâu hoạt động mạnh vào chiều tối, thích ánh sáng đèn; thông thường đẻ trứng ở mặt dưới lá non.

Phòng trừ: Luân canh đậu tương với lúa hoặc các cây họ hòa thảo, bông… có tác dụng hạn chế sâu hại rõ rệt. Bảo vệ và tăng cường hoạt động của thiên địch bằng cách trồng xen đậu tương với cây trồng khác. Thời kỳ sâu thường gây hại nặng là khi cây có từ 3 – 4 là kép đến lúc quả non. Khi cần thiết dùng các loại thuốc có hiệu quả diệt sâu cao như Bulldock 25 EC (Beta – Cyflutlirin) 0,8 – 1 lít/ha, Forvin 85 WP (Carbaryl) 0,75 – 1 kg/ha, Karate 25 EC (Lambda – Cyhalothrin) 0,3 – 0,5 lít/ha; Baythroid 50 EC. 5 SL (Cyfluthrin) 0,6 – 0,8 lít/ha.

1.5. Rệp hại đậu tương:

Rệp trưởng thành và rệp non tụ tập châm chích, hút chất dịch ở lá non, ngọn cây, nụ hoa và quả. Sau khi bị hại thì lá teo quắt, khô chết; ngọn cây, hoa, quả héo rũ thui chết không được thu hoạch. Rệp còn là môi giới truyền vi rút.

Phòng trừ: Tiến hành chăm sóc, làm cỏ kịp thời tạo điều kiện thông thoáng trong ruộng đậu. Tiêu diệt trứng qua đông và vệ sinh đồng ruộng khi gieo trồng đậu tương. Luân canh đậu tương với lúa nước và lúa nương. Dùng các loại thuốc hóa học như Bestox 5 EC (0,4 – 0,7 lít/ha), Fastac 5 EC (0,4 – 0,7 lít/ha), Confidor 100 SL (0,6 – 0,8 lít/ha). Ngoài ra, còn có các đối tượng sâu hại lá (sâu xanh, sâu khoang), bọ xít xanh chích hút lá, quả. Các đối tượng này làm lá sinh trưởng kém, quả lép, không chín được.

Phòng trừ: Dùng thuốc hoá học như BiAn 40EC, BiAn 50EC, Sherpa, Polytin, Oncol, Padan 95SP, Dipterex… theo đối tượng. Liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

2. Bệnh hại chính trên cây đậu tương

2.1. Bệnh lở cổ rễ:

Bệnh gây hại nặng nhất ở giai đoạn cây con, đặc biệt phát sinh mạnh nhất trong điều kiện làm đất không kỹ, độ ẩm cao. Cây bị bệnh ở cổ rễ có lớp sợi trắng, cây bị vàng úa và bị chết.

Xem thêm: Kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cam

Phòng trừ: Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng các loại thuốc trừ nấm. Dùng các loại thuốc hoá học như Anvil 5SC, Score 250EC, Cavil 50SC… phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

2.2. Bệnh gỉ sắt:

Ở nhiệt độ 22 – 24 oC và ẩm độ không khí cao, bệnh phát sinh mạnh nhất. Cây bị bệnh xuất hiện đốm nâu ở mặt dưới lá, đốm có dạng tròn hoặc dạng có góc cạnh hoặc bất dạng, có màu nâu vàng hoặc nâu đỏ như màu rỉ sắt hoặc nâu đen. Bào tử nấm phát triển trong vết bệnh, làm giảm diện tích quang hợp của lá làm lá bị vàng, mất khả năng quang hợp, rụng sớm, làm giảm số lượng và trọng lượng hạt.

Bệnh gỉ sắt ở cây đậu tương
Bệnh gỉ sắt ở cây đậu tương

Phòng trừ bằng cách chọn giống chống chịu bệnh và bố trí thời vụ thích hợp. Sử dụng các loại thuốc như: Callihex 5SC, Cavil 50SC,… theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

2.3. Bệnh sương mai (đốm nâu):

Bệnh gây hại trong vụ Đông Xuân nhiều hơn; hại các bộ phận như lá, thân, quả, nhưng chủ yếu là lá. Vết bệnh rải rác trên lá nhưng thường ở dọc các gân lá. Lúc đầu xuất hiện những chấm nhỏ màu xanh vàng xám dần; vết bệnh mở rộng hình thành đa giác, hình không cố định, cuối cùng vết bệnh có màu nâu vàng, khô cháy. Mặt dưới vết bệnh có lớp mốc trắng xám, hơi xốp, đó là các cành bào tử của nấm gây bệnh. Bóc quả bị bệnh thấy bên trong cũng có lớp nấm mốc trắng xám, hạt lép.

Bệnh thán thư trên cây đậu tương
Bệnh sương mai trên cây đậu tương

Phòng trừ bằng cách dùng hạt giống ở các ruộng không bị bệnh để gieo. Sau khi thu hoạch dọn sạch tàn dư trên đồng ruộng. Luân canh một vài vụ với lúa nước hoặc một vài loại rau trồng nước khác để cắt nguồn bệnh. Trong thời kỳ cây sinh trưởng có thể phun trừ bằng Ridomil Gold 68 BHN (2 – 3 kg/ha); Ridomil MZ72 BHN (2,5 – 3 kg/ha); Ridomil 5G (10 – 14 kg/ha), Zithane Z 80WP, Goldsai 350WP, Vilaxyl 35BTN.

2.4. Bệnh thán thư:

Bệnh hại từ giai đoạn cây con đến giai đoạn có hoa, quả và gây hại nặng nhất trong điều kiện ẩm độ không khí cao và nhiệt độ thấp; độ ẩm dưới 80% bệnh có thể ngừng phát triển. Trên lá, vết bệnh hình tròn, màu nâu đen, hơi lõm. Trên thân cây con, vết bệnh kéo dài, màu nâu vàng, hơi lõm xuống và nứt nẻ. Bệnh nặng, nhiều vết hợp thành vệt dài làm cây con khô chết, đổ rạp xuống.

Phòng trừ: Xử lý hạt giống trước khi gieo trồng. Khi bệnh chớm xuất hiện phải xử lý bằng các loại thuốc như Somec 2SL, Diboxylin 2L,… theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Xem thêm: Kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch bưởi diễn

2.5. Bệnh khảm lá:

Khi bị bệnh lá cây có những phần xanh nhạt, đậm và biến vàng xen kẽ, cây chậm phát triển. Lá non ở ngọn bị khảm lá mạnh và biến dạng; quả thường lép. Cây bị bệnh đọt non xoăn lại, các đốt thân co ngắn, cây chùn lại, phát triển chậm, quả ít và biến dạng, sần sùi, có vị đắng.

Biện pháp phòng trừ: Trồng cách ly ruộng làm giống với ruộng đậu thương phẩm. Nhổ bỏ những cây bị bệnh trên ruộng, tránh lây lan từ cây bệnh sang cây khỏe. Diệt trừ côn trùng truyền bệnh (rệp, bọ trĩ) bằng các loại thuốc hoá học.

Bệnh do vi rút gây nên, chưa có thuốc trị. Ngoài ra, cần quan tâm và phòng trừ kịp thời một số bệnh hại khác như bệnh phấn trắng, héo gốc, héo vàng, thối thân, héo xanh vi khuẩn…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *