Nội dung bài viết
Phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh tai xanh (bệnh sinh sản hô hấp – PRRS) trên heo (lợn)
Bệnh Tai xanh hay có tên gọi của Hội chứng rối loạn sinh sản hô hấp (PRRS) trên lợn. Là nỗi ám ảnh ngay từ khi xuất hiện đối với người chăn nuôi lợn vì đây là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do virut gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh và gây tỷ lệ chết cao khi ghép hoặc kế phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn,… Vì vậy người chăn nuôi cần hiểu và nắm rõ được các phương pháp phòng và trị bệnh.
1. Điều trị bệnh:
Hiện nay, vẫn chưa có chương trình nào điều trị một cách hiệu qủa bệnh sinh sản hô hấp ở heo (PRRS) cấp tính. Giảm sốt bằng cách sử dụng thuốc kháng viêm hoặc thuốc kích thích ngon miệng (vit.B) dường như đem lại hiệu qủa thấp. Sử dụng kháng sinh để giảm ảnh hưởng của các bệnh cơ hội, thường là bệnh hô hấp và nhiễm trùng huyết. Do đó, có thể áp dụng một số biện pháp sau để ngăn ngừa bệnh kế phát:
– Đối với heo con ở 3,7,14 ngày tuổi: tiêm kháng sinh Amicin với liều 0,5cc/con liên tục trong 3 ngày cho mỗi đợt. Đàn heo cần được cung cấp thêm chất điện giải và bù nước do heo bị tiêu chảy bằng Vime C-Electrolyte
– Đối với heo nái và heo đực giống: khi phát hiện trong đàn có cá thể biểu hiện triệu chứng bệnh, cần tiêm kháng sinh Ceftifi suspension với liều 1cc/15kg thể trọng, tiêm liên tục 3 – 4 ngày. Sau đó, trộn Ampiseptry vào thức ăn hoặc pha nước cho heo uống liên tục 3-4 tuần với liều 3g/10kg thể trọng. Việc điều trị bằng kháng sinh kịp thời sẽ làm giảm sảy thai, đẻ non, heo con chết ngay khi sinh do nhiễm khuẩn kế phát Ngoài ra việc giảm đàn và cải thiện điều kiện nuôi dưỡng, vệ sinh sát trùng chuồng trại, tăng cường các loại vitamin A,C,E,D, acid hữu cơ, betaglucan và mannan oligosaccaride giúp khôi phục hệ miễn dịch, góp phần khống chế bệnh nhanh chóng.
2. Phòng bệnh
2.1. Vệ sinh phòng bệnh:
Chủ động phòng bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như sau:
2.1.1. Giữ đàn heo trong điều kiện tốt
Đàn heo cần được nuôi dưỡng tốt với các yêu cầu như: Có nguồn thức ăn tốt để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho đầu heo hợp lý sẽ nâng cao sức đề kháng với bệnh tốt. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi thời gian qua ở nước ta có nhiều biến động phức tạp, dịch cúm gia cầm chưa hết lại đến dịch lở mồm long móng. Người chăn nuôi phải đối mặt với muôn vạn khó khăn trong quá trình sản xuất, giá thức ăn tăng cao, giá heo thịt giảm cao từ 20-30%. Trong tỷ lệ giảm giá heo thịt, có nguyên nhân do bệnh tật, nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng người tiêu dùng được thông tin về tác hại của chất tồn dư kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trên thịt heo, do đó sức tiêu thụ giảm rõ rệt.
2.1.2.Giữ đàn heo trong môi trường được bảo vệ
– Phải có hàng rào để ngăn chặn sự tiếp xúc heo với bên ngoài trại. Đây cũng là hàng rào để giới hạn sự xâm nhập của người và động vật khác.
– Nhân viên của trại cần phải tắm và thay trang phục khi vào trại. Các trang phục mặc trong trại không được mặc ra khỏi trại. Điều này cũng áp dụng cho các nhân viên quản lý trại.
– Các nhân viên thú y không được phép mang dụng cụ từ ngoài vào trong trại. Mỗi đơn vị trại heo phải có sẳn dụng cụ cho nhân viên thú y sử dụng.
– Cần có một khu cách ly để nuôi thú mới nhập về trại và áp dụng qui trình cách ly hiệu qủa cho các thú này.
– Không cho phép xe cộ ra vào trại nuôi: Các phương tiện vận chuyển thức ăn chỉ được đến gần khu vực nuôi mà thôi, xe chở heo phải dừng lại bên ngoài hàng rào ngăn cách từng khu nuôi, các dụng cụ đã dùng trong trại không được đưa ra khỏi trại.
– Xử lý phân, nước thải: Khu xử lý chất thải bố trí ở phía cuối, nơi thấp nhất của khu chăn nuôi, phân phải được ủ trước khi mang ra bón ngoài đồng ruộng, nước thải phải được thu gom và xử lý, đối với các hộ nuôi với qui mô 10 con trở lên có thể lắp đặt hệ thống biogas.
2.1.3. Khu vực chăn nuôi phải được kiểm soát
a) Chương trình sức khỏe đàn heo
– Cần thực hiện “Cùng vào-Cùng ra” trong dãy chuồng heo nái đẻ, heo con và heo nuôi thịt.
– Chuồng heo nái đẻ lý tưởng nhất là đầy chuồng trong vòng một tuần để giảm sự lan truyền mầm bệnh từ các heo con đẻ trước sang những heo con còn non trong cùng dãy chuồng đẻ. Các heo con sơ sinh có hệ vi sinh vật đường ruột khác với heo con trên một tuần tuổi.
– Các chuồng heo con cai sữa cần được nhập heo từ cùng một dãy chuồng đẻ. Tuy nhiên, nhà chăn nuôi cũng có thể nhập từ hai dãy chuồng đẻ nếu các heo con này không chênh lệch qúa một tuần tuổi.
– Nếu được thì chuồng nuôi thịt cũng phải được nhập heo từ cùng một chuồng heo con. Cũng có thể nhập heo từ chuồng heo con khác nếu các heo này không chênh lệch qúa hai tuần tuổi.
– Cần phải cách biệt dãy chuồng đẻ với dãy chuồng heo con cai sữa và cũng tách chuồng nuôi heo thịt với các dãy chuồng khác. Khoảng cách giữa các dãy chuồng của ba khu vực này tối thiểu phải là 40 mét.
– Chuồng nuôi heo thịt thường là nơi có mật độ vi sinh vật gây bệnh cao nhất vì vậy đặt các chuồng này dưới gió so với khu chuồng heo nái và khu chuồng heo đẻ sẽ rất tốt.
b) Chế độ tiêm phòng
– Phải tiêm phòng đạt tỷ lệ 100% đối với các bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả, Tụ huyết trùng là các bệnh thuộc danh mục các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc.
– Ngoài các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo qui định, căn cứ vào tình hình dịch bệnh của cơ sở đề ra lịch và tổ chức tiêm phòng các bệnh cần thiết khác cho đàn heo.
c) Xây dựng và duy trì sức khỏe đàn heo
– Nếu một trường hợp bệnh nào ảnh hưởng đến sản xuất và giá thành sản xuất thì việc giảm đàn và tăng đàn trở lại với heo khỏe mạnh là chọn lựa tốt nhất.
– Khi khởi sự nuôi một đàn heo mới, luôn luôn sử dụng những heo khỏe nhất có được để bắt đầu đàn heo.
– Thực hiện kiểm tra huyết thanh trên bất cứ đàn heo nào để biết liệu có các mầm bệnh đang hiện diện.
– Chỉ mua heo thay đàn từ những đàn heo đã được kiểm tra âm tính với tất cả các bệnh không có trên đàn heo.
2.1.4.Quy trình tẩy uế chuồng trại Đối với khu chăn nuôi, tẩy uế chuồng được áp dụng vào cuối đợt nuôi heo. Mục đích nhằm ngăn cản vật mang trùng, bảo đảm mỗi lứa heo được sạch sẽ khi bắt đầu nuôi. Tẩy uế chuồng bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuyển dụng cụ và làm sạch khô
– Giai đoạn đầu tiên dọn sạch những chất thải có mức độ lây lan cao
– Chuyển máng ăn ( thiết bị di chuyển được)
Bước 2: Vệ sinh hệ thống nước
Tất cả hệ thống nước đều chứa những yếu tố lây nhiễm về vi khuẩn và virus, đặc biệt những hố chứa đầu nguồn, kể cả những đường ống nước và những núm uống. Việc nhiễm này có thể gây ra bệnh sẽ truyền từ lứa heo này sang lứa heo kế tiếp.
Bước 3: Tẩy uế
– Đơn giản là sử dụng nước để rửa với máy phun xịt rửa chuồng áp suất 2kg/cm2, nhờ vào áp lực cao tránh được nguy cơ ẩm ướt heo đồng thời trách nguy cơ lây truyền vi sinh vật cho heo khác. Sau khi ráo nước, tiếp tục phun xịt bằng nước sôi, đặc biệt là ở những góc cạnh của chuồng để diệt trứng ký sinh trùng và vi khuẩn.
– Khi khô chuồng có thể phun thuốc tẩy trùng một trong các thuốc sau:
+ MULTCIDE 15O (nồng độ pha loãng 1:150) cứ 100ml dung dịch pha loãng phun trên 1m2 nền và vách chuồng nhẵn và 300ml đối với nền chuồng gồ ghề.
+ Vimekon pha nồng độ 1/200 (100gVimekon + 20lít nước) phun sát trùng chuồng.
– Một ngày sau, quét vôi chung quanh vách và nền chuồng, điều quan trọng là phải đảm bảo tất cả bề mặt phải làm ướt kỹ với nước vôi, khi nước vôi khô rải lên nền một lớp mỏng vôi khô nhằm cắt đứt dây chuyền lây nhiễm cho các lứa heo kế tiếp.
Bước 4: Phun sương và tẩy uế không khí Khi trại nuôi heo đã được rửa và tẩy uế sạch sẽ, người công nhân chuyển lại trang thiết bị (máng ăn, dụng cụ úm …) như cũ, sau đó trại được phun sương bởi chất diệt khuẩn Pacoma. Chất Pacoma được hoà tan từ 500 – 2000 lần có tác dụng ngăn ngừa sự tái nhiễm vi sinh vật. Dung dịch pha loãng được phun vào các khe vách, những nơi khó tiếp xúc cũng như cả trên trần chuồng nhằm kiểm soát bất kỳ sự lây nhiễm nào. sau khi phun sương có thể chuyển heo vào chuồng nuôi.
– Khi bước vào khu chăn nuôi, phải nhúng ủng qua hố sát trùng.
– Nếu có sử dụng xe đạp nội bộ, xe phải được để tập trung ở phía bên trong khu vực chăn nuôi và xe chỉ được di chuyển trong khu vực chăn nuôi.
– Khi bước vào hoặc ra khỏi dãy chuồng, phải nhúng ủng vào khay sát trùng đặt ở đầu dãy chuồng. Khay sát trùng chứa dung dịch saựt truứng phải được thay mới thường xuyên bằng Bioxide 1% hoặc Multicide 1/150.
Định kỳ diệt động vật hoang dã có hại, loài gặm nhấm (thuốc diệt chuột: Racumin), ruồi nhặng ( thuốc diệt ruồi: quicBayt R )
Chú ý: Trong trường hợp cần thiết khi có dịch, phải sử dụng Virkon 1%, TH4, Vimekon, VimeIodine phun xịt trực tiếp trên heo sống trong chuồng nuôi định kỳ hàng tuần sẽ không ảnh hưởng đến hô hấp khi heo hít phải.
2.2.Vaccine phòng bệnh:
Vaccine phòng bệnh là biện pháp quản lý để hỗ trợ trong việc phát triển hệ miễn dịch trong đàn heo. Mục đích việc tiêm phòng vaccine là tạo ra một sự miễn dịch ổn định bằng cách tiêm vào đàn heo một lượng virus đã giảm độc lực. Điều này sẽ tạo được miễn dịch có hiệu qủa cho toàn đàn.
Biện pháp tiêm phòng vaccine rất có hiệu quả cao khi:
– (i) heo hậu bị thay đàn kết hợp với nuôi cách ly tốt
– (ii) sử dụng cho heo nái trước khi phối giống
Tiêm phòng vaccine cho heo con có tác dụng tạo nên miễn dịch phòng hộ cho heo cai sữa và heo đang phát triển Tiêm chủng vaccine diện rộng là thích hợp nhất cho heo giai đoạn nuôi thịt. Đàn heo không bị nhiễm từ môi trường được tạo ra bằng cách tiêm chủng vaccine cho những con heo đang tồn tại ở trại 2 lần, khoảng cách 30 ngày/lần Có 3 loại vaccine phòng bệnh là: Porcilis PRRS của Intervet-Hà Lan; BSL-PS 100 của BestaSingapore; Amervac PRRS của Hipra-Tây Ban Nha. Tuy nhiên, giá vaccine tương đối cao, khoảng 10.000đ/liều. Trong điều kiện Trung Quốc cũng như Việt Nam do virus đã tạo ra nhiều biến chủng (chủng đã được phân lập từ virus biến chủng Protein 2 đã mất đi 30 amino acid không liên tục) với các độc lực khác nhau, cho nên việc tiêm phòng vaccine trong giai đoạn hiện nay chưa hẳn đã có tác dụng. Biện pháp tốt nhất là phải tăng cường an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh thú y, tăng cường công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ Việt Nam đã gia nhập WTO và đang dần dần hoà nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh những thời cơ và vận hội mới vẫn còn không ít những thách thức “tiềm ẩn”. Có thể trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những căn bệnh lạ đe dọa đàn gia súc, gia cầm cũng như sức khỏe cộng đồng. Để dự báo và thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh hiệu qủa, nghành thú y phải được đầu tư và nâng cấp đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
3. Kiểm soát PRRS bằng biện pháp phân nhóm đàn heo
PRRS đã làm phiền con người rất nhiều bởi vì chúng ta phải làm việc cực lực mới hiểu được bệnh này, mới kiểm soát những trận dịch PRRS cấp tính và loại bỏ virus ra khỏi đàn gia súc trên thế giới. Với thời gian, con người đã đưa ra kiểm soát PRRS một cách có hệ thống từ chẩn đoán, hiểu biết sự lây truyền, luân chuyển virus bên trong đàn thú đến phân loại đàn dựa vào kiểu gây nhiễm cũng như phát triển và ứng dụng chiến lược can thiệp.
3.1. Phân nhóm đàn heo:
Chiến lược kiểm soát PRRS một cách tốt nhất dựa vào kiểu luân chuyển của virus và biểu hiện lâm sàn ở mỗi đàn thú. Đàn thú được chia làm 5 nhóm:
– Đàn âm tính (N): đàn không bị nhiễm PRRS
– Đàn bất hoạt, ổn định (SI): đàn heo giống bị nhiễm bệnh trước đó nhưng đàn heo này đã trở lại mức sinh sản như trước khi bị nhiễm và khi chẩn đoán cho thấy không có sự luân chuyển của virus PRRS. Heo cai sữa có mang kháng thể PRRS từ heo mẹ nhưng âm tính về huyết thanh hoặc ở mức bảo hộ cơ thể rất thấp khi heo được cai sữa. Không có sự khác nhau về sản xuất.
– Đàn có kiểm soát, ổn định (SC): tương tợ như đàn thú bất hoạt, ổn định. Ngoại trừ con heo đó biến đổi hình thái virus PRRS sau cai sữa. Trường hợp này ảnh hưởng đến sản xuất và dấu hiệu lâm sàn không thể quan sát được hoặc đo lường được.
– Đàn có hoạt động ổn định (SA): tương tợ như đàn có kiểm soát ổn định. Trường hợp này vừa có ảnh hưởng đến sản xuất vừa biểu hiện triệu chứng lâm sàn.
– Đàn hoạt động không ổn định (UA): có sự luân chuyển của virus, có những thay đổi về: lâm sàn, sản xuất trên heo để giống và heo đang tăng trưởng. Đây là nhóm heo đặc biệt chú ý vì có thể đang bị nhiễm PRRS cấp tính hoặc mãn tính.
3.2. Chiến lược kiểm soát:
Khi đàn heo phân loại dựa vào các tiêu chí trên thì bước tiếp theo là phải có những chiến lược kiểm soát PRRS một cách thích hợp nhất. Chiến lược kiểm soát bao gồm:
– Quản lý đàn heo hậu bị
– Phân chia quần thể heo thành nhiều nhóm nhỏ
– Thực hiện “Cùng vào – Cùng ra”
Xem thêm: Phương pháp khai thác và kỹ thuật vận chuyển tôm hùm giống
– Làm giảm sự tiếp xúc đối với vi khuẩn nhằm loại bỏ sự thất thoát, hao hụt (Kỹ thuật McRebel)
– Tiêm phòng vaccine
3.2.1. Quản lý (thay đàn) heo hậu bị:
Khi đàn heo hậu bị được quản lý tốt đó là một chiến lược đơn lẻ cho việc kiểm soát PRRS một cách hiệu quả trong thời gian dài. Kiểm soát PRRS ở đàn heo hậu bị giống là điều tiên quyết để kiểm soát PRRS ở đàn thú tăng trưởng và cai sữa. Chiến lược phân nhỏ đàn heo và tiêm chủng vaccine cho heo con là không hiệu quả nếu như đàn thú giống đã bị nhiễm PRRS trước đó và việc đưa vaccine vào cho heo con sẽ làm sự tái nhiễm của virus trước đây phát triển mạnh hơn. Việc thay đàn là nguồn chính để đưa virus PRRS (hoặc virus PRRS đang tồn tại) vào đàn thú giống. Khuyến khích nên hình thành và duy trì những đàn thú nhỏ. Những đàn thú nhỏ này được sinh ra từ những nhóm heo nái bị nhiễm PRRS, chúng duy trì sự truyền virus từ đàn thú mẹ và trong những chuồng heo đẻ mà nó sản xuất ra những thế hệ heo con bị nhiễm trước khi cai sữa. Cụ thể: trại chia ra 3 nhóm heo nái đã bị nhiễm PRRS, mỗi nhóm heo nái có 3 con và đời con của 3 heo mẹ này cũng sẽ tạo thành trong cùng một nhóm thú nhỏ Việc bổ sung heo cho đàn hậu bị giúp cho việc ngăn cản sự phát triển virus ở những đàn thú nhỏ bao gồm:
– Ngừng lại việc đưa thú thay đàn trong vòng 4 tháng
– Bắt đầu chọn lọc những thú thay đàn từ những con hậu bị
– Đưa những con heo hậu bị cứ 4 tháng vào đàn Heo hậu bị được mua hoặc chọn lọc từ nhóm 2-5 tháng tuổi, chúng được nuôi trong những chuồng riêng biệt và được chuẩn bị tốt theo chương trình nuôi cách ly và nuôi tân đáo. Chương trình này phải phù hợp từ việc bảo vệ đàn thú tiếp nhận đến việc thay đàn phải đưa vào khoảng thời gian nào để bảo đảm cho việc quan sát trước khi đàn thú thay đàn đi vào đàn thú tiếp nhận
3.2.2. Phân chia quần thể heo thành nhiều nhóm nhỏ:
Việc phân chia quần thể ra thành những nhóm nhỏ được áp dụng cho những quần thể bị nhiễm PRRS mãn tính. Chiến lược này thích hợp cho những đàn heo bất hoạt-ổn định (SI) và cũng áp dụng cho đàn có kiểm soát-ổn định (SC) mặc dù đàn này ít khi cần thiết. Qui trình phân chia quần thể bao gồm:
– Xác định lý lịch đàn thú
– Hoàn thành việc phân chia nhỏ đàn thú con. Heo con được chuyển ra khỏi nơi từng được nuôi và nó không bao giời trở lại “Cùng vào-Cùng ra”
– Rửa và tẩy trùng tất cả những chuồng nuôi heo con cai sữa 3 lần với những thuốc tẩy trùng khác nhau như: Phenol, Formaldehyde, Sút…và cả nước nóng 900C. Chuồng để trống 2 ngày, sau đó cho heo cai sữa vào chuồng
3.2.3. Cùng vào-Cùng ra:
Là một chiến lược sử dụng bổ sung cho phương thức chăn nuôi liên tục và dẫn đến giảm sự truyền lây ngang của những bệnh do vi khuẩn giữa những nhóm heo có tuổi liên tiếp nhau. Nó không trực tiếp kiểm soát sự lây lan nhưng nó cải thiện được năng suất bằng cách giảm nhiễm trùng thứ cấp
3.2.4. Thay đổi quản lý
Thay đổi quản lý để làm giảm sự tiếp xúc đối với vi khuẩn nhằm loại bỏ sự thất thoát, hao hụt (McRebel: Management Changes to Reduce Exposure to Bacteria to Eliminate Losses):
Chiến lược này thích hợp nhất để làm giảm sự lan truyền của virus PRRS giữa những con heo theo mẹ trong suốt qúa trình xảy ra dịch cấp tính này hoặc khi sự luân chuyển của virus xảy ra một cách liên tục ở khu vực nuôi heo nái đẻ. Kỷ thuật McRebel là:
– Ghép bày chéo chỉ trong vòng 24 giờ sau khi heo được sinh ra
– Không chuyển heo và heo nái giữa các chuồng
– Những con nái nghi ngờ nhiễm PRRS thì không nên sử dụng
– Giết những con heo bệnh hoặc heo yếu không có khả năng phục hồi
– Hạn chế việc tiêm chích cho heo con theo mẹ và thay đổi kim tiêm thường xuyên để tránh sự lay lan virus qua đường máu
Xem thêm: Tổng quan về bệnh tai xanh – Căn bệnh bí hiểm trên heo (lợn)
– Không nên cho heo khác ăn nhau của heo bệnh và heo bình thường
– Áp dụng “Cùng vào-Cùng ra” ở chuồng heo nái đẻ và heo cai sữa
4. Xử lý ổ dịch đối với địa phương mới xảy ra dịch
Bà con nên tự giác trình báo với trạm thú y, với chính quyền địa phương. Khoanh vùng dịch: ấp, xã có dịch được xác định là vùng dịch trong phạm vi bán kính 3km Không nên vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, phân rác thải chăn nuôi ra vào vùng dịch và vùng giám sát trong thời gian có dịch. Lập các trạm, chốt kiểm dịch ở các trục giao thông chính xung quanh vùng dịch và vùng giám sát với nòng cốt là cán bộ thú y cơ sở và có sự tham gia của ban ngành liên quan tại địa phương như: công an, quản lý thị trường, thanh niên…đặt biển báo nơi có dịch gia súc Tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch nhằm phát hiện các trường hợp gia súc bị bệnh, lập danh sách các hộ chăn nuôi và các hộ có gia súc bệnh. Tiến hành tiêu hủy ngay ngay số heo mắc bệnh và hỗ trợ cho người chăn nuôi, không chờ kết qủa xét nghiệm, không chữa trị. Việc tiêu hủy, chôn gia súc bệnh cần được thực hiện thân trọng theo các hướng dẫn sau:
– Đối với gia súc tiêu hủy: Người tham gia hủy gia súc phải sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân như: quần áo, găng tay, khẩu trang, kính… Phải làm chết gia súc trước bằng cách đập bằng búa gỗ.
– Sau khi làm gia súc chết, cho gia súc vào bao ny lông hoặc bao tải và buộc chặt miệng bao, tập trung lại một chỗ, dùng chlorin để phun sát trùng.
– Chọn vị trí chôn lấp với các yêu cầu như: nơi chôn lấp nằm ngay trong vùng dịch, có đủ diện tích, hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi từ 30-50m, nên chọn nơi chôn trong vườn cây ăn qủa hoặc cây lấy gỗ.
– Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với số gia súc, chất thải cần chôn, thí dụ nếu cần chôn 1 tấn gia súc (15-30 con heo) thì hố chôn cần có kích thước như sau: chiều dài: 1,5-2 m, chiều rộng: 1,52m, chiều sâu: 1,5-2m.
– Trình tự chôn gia súc: Sau khi đào hố, rải một lớp vôi bột xuống đáy hố (1kg/m2), đổ bao chứa xác gia súc xuống hố, phun sát trùng bằng chlorin hoặc rắc vôi bột lên trên, lấp đất, phải bảo đảm rằng lớp đất phủ lên xác heo phải dày ít nhất là 1 m. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy Hạn chế người ra vào vùng có dịch, những người tham gia chống dịch, cán bộ thú điều trị gia súc trước khi ra khỏi vùng dịch phải sát trùng cá nhân, tránh làm lây lan dịch bệnh. Phun thuốc sát trùng các phương tiện ra vào vùng có dịch Tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, lối ra vào.