Một số bệnh thường gặp trên tôm sú và phương pháp phòng trị bệnh

Một số bệnh thường gặp trên tôm sú và phương pháp phòng trị bệnh

1. Hội chứng gây tôm sú chết sớm

Hội chứng tôm súchết sớm – Early Mortality Syndrome (EMS) là một dạng bệnh mới của tôm sú đã được phát hiện ở các trang trại nuôi tôm sú ở Châu Á. Bệnh xuất hiện trong vòng 30 ngày sau khi thả và gây ra các triệu chứng như lờ đờ, vỏ mềm sậm lại và đầu ngực bị đốm vằn. Các tác động sinh lý học của bệnh EMS xuất hiện giới hạn ở gan tụy. Ở giai đoạn cuối của bệnh gây chết cao, sự nhiễm khuẩn phái sinh tiếp tục gây tổn thương gan tụy.

– Giai đoạn nhiễm bệnh: Trong suốt quá trình nuôi, tập trung nhiều ở giai đoạn từ 10 đến 45 ngày sau khi thả nuôi.

– Triệu chứng: Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng. tôm chậm lớn, lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé và chết ở đáy ao nuôi. Ở giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, màu sắc cơ thể biến đổi, gan tụy mềm nhũn, sưng to hoặc bị teo lại.

Tôm sú
Tôm sú

– Dấu hiệu bệnh:  Ở giai đoạn cuối của hội chứng hoại từ gan tụy cấp tính có sự tập hợp của tế bào máu ở giữa ống gan tụy và nhiễm khuẩn thứ cấp.

– Biện pháp phòng bệnh: Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp đối với bệnh hoại tử gan tụy trên tôm sú như sau:

+ Trong các trại sản xuất tôm giống:

Chọn đàn tôm mẹ sạch bệnh để ngăn cản quá trình lây nhiễm bệnh từ tôm sú mẹ sang tôm con. Không nên nhốt chung tôm sú mẹ từ các nguồn khác nhau vào một dụng cụ để tránh sự lây lan mầm bệnh từ con này sang con khác. Nước và dụng cụ cần được khử trùng kỹ trước khi dùng, không nên dùng chung dụng cụ giữa các bể ấp. Không nên ương ấp mật độ quá dày. Rửa nauplius (ấu trùng tôm), hay rửa trứng bằng Formol 100 – 200ppm trong 30 giây đến 1 phút hoặc Iodine 1 – 2ppm trong 1 – 2 phút. Nguồn nước nên được sát trùng bằng các phương pháp khác nhau như: phương pháp cơ học (lọc), phương pháp hóa học (xử lý bằng thuốc sát trùng), phương pháp lí học (sát trùng bằng đèn cực tím), phương pháp sinh học, sinh thái để tiêu diệt và kìm hãm tác nhân gây bệnh.

+ Trong nuôi tôm thịt (tôm sú thương phẩm)

Cải tạo ao nuôi thật kỹ sau vụ nuôi. Không nên nuôi tôm sú với mật độ quá cao. Sử dụng thức ăn không mang mầm bệnh. Làm tăng hệ miễn dịch tự nhiên của tôm bằng cách quản lý môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định; đồng thời bổ sung một số sản phẩm như vitamin C, Glucan… Ngăn chặn sự có mặt của các nhân tố gây độc cho gan tụy tôm như các ion kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật… có trong nước của bể ấp và ao nuôi. Có thể dùng EDTA để tạo phức kết tủa và tách các ion kim loại nặng ra khỏi nguồn nước cần sử dụng. Khi bệnh đã xảy ra, trước khi xả bỏ tôm sú bệnh, cần dùng thuốc diệt khuẩn (Chlorine, formol) để sát trùng nước.

2. Bệnh do virus ở tôm sú

 Các bệnh do virus hiện nay chưa có thuốc đặc trị do đó chỉ áp dụng các phương pháp phòng bệnh là chính.

2.1. MBV (bệnh còi)

– Tác nhân gây bệnh: là loài virus MBV (Monodon Baculovirus) chúng chủ yếu ký sinh ở phần gan tụy hay ở trước ruột giữa của tôm.

– Giai đoạn cảm nhiễm: hầu hết các giai đoạn phát triển của tôm sú.

Xem thêm: Kỹ thuật nuôi tôm sú mang lại hiệu quả kinh tế cao

– Triệu chứng: tôm sú có màu sẫm tối, vỏ có nhiều sinh vật bám. Gan tụy teo, hoại tử. Rất mẫn cảm với sự biến động của các yếu tố môi trường, chậm lớn.

– Tác hại: có thể gây chết tôm 70 -100%.

– Biện pháp phòng bệnh:

Sử dụng tôm sú mẹ không nhiễm MBV Kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi thả. Nuôi tôm với mật độ vừa phải và tránh gây sốc cho tôm trong quá trình nuôi. Hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi.

2.2 Bệnh đầu vàng ở tôm sú (Yellow head disease)

– Tác nhân gây bệnh: Do virus HYV gây ra.

– Giai đoạn cảm nhiễm: thường gặp ở tôm sú 50 – 70 ngày tuổi.

– Triệu chứng: tôm sú lờ đờ, màu sắc nhợt nhạt. Phần đầu ngực bị phồng có màu vàng, rõ nhất là phần gan tụy sưng lên và có màu vàng, mang tích dịch và có mùi hôi. tôm đột nhiên ăn nhiều hơn so với bình thường trong vài ngày, sau đó ngừng ăn và chết dần.

– Tác hại: có thể gây chết 100% trong vòng 3 – 5 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu bệnh đầu tiên.

– Biện pháp phòng bệnh:

Tôm bị bệnh đầu vàng hiện nay chưa có thuốc chữa. Biện pháp chủ yếu là phòng ngừa và ngăn chặn bằng cách chọn tôm sú giống sạch bệnh (qua kiểm tra PCR), diệt khuẩn và diệt vật chủ mang mầm bệnh trong ao và nước. Không nuôi mật độ quá cao. Luôn cung cấp đủ oxy cho ao nuôi. Giữ môi trường ổn định.

2.3. Bệnh đốm trắng (SEMBV, WSSV)

– Tác nhân gây bệnh: do virus SEMBV hoặc WSSV

– Giai đoạn cảm nhiễm: mọi giai đoạn

– Triệu chứng: Trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, tôm ăn nhiều một cách không bình thường. tôm sú yếu, dạt bờ, bơi trên mặt nước. Thân tôm xuất hiện các đốm trắng tròn to nhỏ khác nhau nằm dưới lớp vỏ kitin, nhiều nhất là trên giáp đầu ngực và đốt thân cuối. Màu sắc tôm chuyển sang hồng tối hay nhợt nhạt. tôm sú giảm ăn, đa số tôm dạt bờ bị rỗng ruột.

Bệnh đốm trắng ở tôm sú
Bệnh đốm trắng ở tôm sú

– Tác hại: tôm sú chết khá nhanh từ rải rác đến đồng loạt trong vòng 5 – 7 ngày, nhất là sau thời điểm vừa lột xác.

– Biện pháp phòng bệnh

Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho tôm sú từ trại sản xuất đến nuôi thương phẩm.

– Xử lý ao tôm sú phát bệnh virus:

Nguyên nhân làm bộc phát các bệnh do virus trong ao nuôi chủ yếu là do các yếu tố môi trường trong ao nuôi bất lợi, điều kiện dinh dưỡng kém cộng với bản thân tôm sú có mang mầm bệnh. Do đó, để phòng tránh hiệu quả, người nuôi cần phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng và kiểm soát môi trường ao nuôi thật tốt ngay từ đầu.

Khi phát hiện bệnh cần báo cho mọi người xung quanh biết để phòng ngừa. Tuyệt đối không xả thải nước ra môi trường công cộng khi chưa xử lý nước bằng hóa chất. Xử lý theo 1 trong 2 hướng: Thứ nhất: nếu tôm sú đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu họach. Thứ hai: nếu tôm sú còn nhỏ không thu hoạch được tiêu hủy bằng hóa chất và giữ lại sau một tuần trước khi xả thải ra ngoài.

3. Bệnh do vi khuẩn ở tôm sú

3.1. Bệnh phát sáng

– Tác nhân gây bệnh: do nhóm vi khuẩn Vibrio gây ra. Nhóm vi khuẩn này phát triển mạnh ở nước biển có nồng độ muối 20 – 30‰, trong môi trường có nhiều mùn bã hữu cơ, đặc biệt trong ao nuôi có nền đáy bị ô nhiễm.

– Giai đoạn cảm nhiễm: chủ yếu cho tôm ở giai đoạn Zoea, Post, tôm giống

– Triệu chứng: tôm sú phát sáng trong không gian tối có màu sáng xanh

Xem thêm: Một số đặc điểm sinh học và kỹ thuật chọn, thả giống cá Song

– Tác hại: tôm sú nhỏ nhiễm nặng sẽ chết nhanh trong 1 ngày sau đó. Khi chết chìm xuống ao tạo thành thảm sáng. Trong vòng 2 ngày có thể chết 100%.

– Biện pháp phòng, trị bệnh:

Phòng bệnh: Chọn giống không nhiễm bệnh phát sáng. Sử dụng vi sinh vào môi trường nuôi để ức chế sự phát triển của vi khuẩn phát sáng.

Trị bệnh: Sử dụng các loại kháng sinh được phép sử dụng kết hợp với Vitamin C cho ăn liên tục 5 – 7 ngày. Thay nước, diệt khuẩn bằng hóa chất có chứa gốc Iodine, sau đó xử lý bằng chế phẩm sinh học.

3.2. Bệnh đốm nâu – đốm đen, hoại tử phụ bộ

– Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn Vibrio, Aeromonas sp, Pseudomonas sp.

– Giai đoạn cảm nhiễm: chủ yếu ở tôm sú thịt.

Bệnh đốm đen hoại tử ở tôm sú
Bệnh đốm nâu – đốm đen, hoại tử phụ bộ

– Triệu chứng: Trên cơ thể có nhiều đốm nâu và đốm đen. Phần chủy, râu, đuôi hay các chân bò, chân bơi có vết bị ăn mòn màu nâu đen.

– Tác hại: gây tổn thương trên vỏ tôm sú, tôm lột xác có thể bị trở ngại nếu lớp cơ bên dưới bị tổn thương, đôi khi làm thay đổi màu cơ thể tôm.

– Biện pháp phòng, trị bệnh:

Phòng bệnh: Quản lý môi trường tốt đặc biệt nền đáy.

Trị bệnh: Cải thiện môi trường nước bằng cách thay hoặc cấp nước kết hợp với việc xử lý nước bằng hóa chất diệt khuẩn, sau đó xử lý nền đáy bằng chế phẩm sinh học. Kích thích tôm sú lột xác.

3.3. Bệnh do nhiều sinh vật gây ra (đóng rong, đen mang,…)

– Tác nhân gây bệnh: do một số giống loài vi khuẩn, tảo hay nguyên sinh động vật.

– Giai đoạn cảm nhiễm: tôm giống và tôm trưởng thành.

– Triệu chứng: Các sinh vật nêu trên bám phủ thành lớp trên vỏ, mang, giáp đầu ngực, phụ bộ, nhất là trên các vòng đốt của phụ bộ. Mang, phụ bộ và cơ thể tôm sú bị thay đổi sang màu nâu, xanh hay vàng nhạt.

Xem thêm: Một số đặc điểm sinh học và kỹ thuật chọn, thả giống cá Song

– Tác hại: làm tôm sú khó di động, chậm lột xác, kém ăn và khó hô hấp và có thể chết khi hàm lượng ôxy hòa tan thấp.

– Biện pháp phòng, trị bệnh:

Phòng bệnh: Quản lý môi trường tốt. Diệt khuẩn định kỳ.

Trị bệnh: thay nước, xử lý nước bằng hóa chất diệt khuẩn, sau đó xử lý nền đáy.

4. Bệnh phân trắng ở tôm sú

– Tác nhân gây bệnh:

Tảo độc (thường tảo đỏ có roi, hoặc tảo lam dạng sợi) tiết ra độc tố làm phá hủy bộ phận gan tụy và đường ruột tôm. Tôm bị nhiễm khuẩn trên đường ruột. Do nhiễm nguyên sinh động vật (Gregarine). Do nhiễm độc tố thức ăn (Afl atoxin).

Bệnh phân trắng ở tôm sú
Bệnh phân trắng ở tôm sú

– Giai đoạn bị bệnh: thường gặp ở tôm sú trưởng thành

– Triệu chứng: Xuất hiện nhiều phân tôm màu trắng trên sàn ăn, hoặc một số sợi phân màu trắng nổi trên mặt nước góc cuối gió hay dọc bờ ao. tôm giảm ăn, chậm lớn, hao hụt cao. Bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao hoặc ở các ao nuôi mật độ cao.

– Tác hại: Làm tôm sú yếu và hao hụt dần do tôm bỏ ăn. Gây ốp tôm, làm giảm giá trị thương phẩm.

– Biện pháp phòng, trị bệnh:

Phòng bệnh: Làm tốt công tác cải tạo, đặc biệt là phải phơi khô đáy ao. Khi tảo lam phát triển nhiều phải tiến hành diệt tảo. Không cho tôm ăn thức ăn kém chất lượng, bị ẩm mốc hay quá hạn sử dụng. Trộn tỏi 10 – 20g/kg thức ăn phối hợp với men vi sinh có các dòng vi khuẩn Bacillus sp và Lactobacillus sp vào khẩu phần thức ăn 5 – 7 ngày. Không trộn nhiều chất béo vào thức ăn tôm sú.

Trị bệnh: Việc trị bệnh phân trắng hiện nay thường kém hiệu quả do khó xác định nguyên nhân gây bệnh. Khi phát hiện có phân trắng xử lý bằng cách: ngưng trộn các chất, tăng gấp đôi liều men tiêu hóa cho ăn tôm ăn liên tục trong 5 – 7 ngày, kết hợp với việc thay nước, diệt khuẩn và xử lý nền đáy bằng chế phẩm sinh học.

5. Bệnh do môi trường và dinh dưỡng ở tôm sú

5.1. Bệnh mềm vỏ kinh niên

– Nguyên nhân gây bệnh: Do điều kiện dinh dưỡng kém, thiếu chất khoáng hay một số Vitamin (nhất là Vitamin D) hoặc do tỉ lệ Canxi/Phospho được cung cấp không cân bằng. Môi trường nước có độ mặn thấp, có dư lượng của thuốc trừ sâu hay thiếu ôxy hoặc pH thấp kéo dài.

– Giai đoạn bị bệnh: tôm sú giống và tôm trưởng thành

– Triệu chứng: sau khi lột xác, vỏ tôm không cứng lại được, rất mỏng và nhăn nheo, gợn sóng, tình trạng vỏ mềm kéo dài trong vài tuần.

– Tác hại: Giảm tỉ lệ sống do tôm dễ bị con khác ăn thịt. tôm sú dễ bị các vi sinh vật gây bệnh tấn công.

– Biện pháp phòng, trị bệnh:

Phòng bệnh: Thường xuyên bổ sung Vitamin và khoáng chất cho tôm. Duy trì các yếu tố môi trường ổn định.

Trị bệnh: Kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chỉnh về khoảng thích hợp. Bổ sung thức ăn giàu canxi và phospho cho tôm sú.

5.2. Bệnh cong thân

– Nguyên nhân gây bệnh: do tôm bị thay đổi nhiệt độ đột ngột hay do dinh dưỡng kém.

– Giai đoạn bị bệnh: tôm sú giống đến tôm trưởng thành.

– Triệu chứng: cơ thể bị co hay phần bụng (đốt thân thứ 2 và 3) của tôm bị cong cứng lại.

Xem thêm: Kỹ thuật nuôi cá diêu hồng trong lồng

– Tác hại: gây chết nhiều

– Biện pháp phòng, trị: Cho tôm sú ăn đầy đủ chất lượng tốt và định kỳ bổ sung vitamin C. Thường xuyên đảo nước tránh nhiệt độ phân tầng trong ao. Duy trì mực nước hợp lý, tránh đánh bắt tôm sú vào lúc nắng nóng. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.

5.3. Bệnh phồng nắp mang

– Nguyên nhân gây bệnh: Nước ao bị nhiễm bẩn bởi các kim loại nặng như: sắt, đồng, kẽm và bạc. Đáy ao có nhiều khí độc như NH3, H2S.

– Giai đoạn bị bệnh: chủ yếu ở tôm sú trưởng thành

– Triệu chứng: mang tôm sú bị phồng lên dần dần. Nếu như bị vi khuẩn tấn công vào thì sẽ biến chứng thành các bệnh khác như đen mang, đỏ mang.

– Tác hại: làm tôm sú mất khả năng linh hoạt và chậm lớn.

– Biện pháp phòng, trị bệnh:

Phòng bệnh: Làm tốt công tác cải tạo ao. Quản lý môi trường tốt.

Trị bệnh: Thay nước nhiều lần. Dùng hóa chất có tác dụng lắng tụ kim loại nặng hoặc các chế phẩm hấp thu khí độc có bán trên thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *