Kỹ thuật nuôi tôm sú mang lại hiệu quả kinh tế cao

Kỹ thuật nuôi tôm sú mang lại hiệu quả kinh tế cao

1. Mùa vụ

Với điều kiện tự nhiên của mô hình luân canh tôm – lúa chỉ nên thả nuôi tôm sú 1vụ/năm. Đối với thời vụ nuôi tôm, để đảm bảo hiệu quả cao phù hợp với tình hình diễn biến cụ thể của thời tiết hàng năm chúng ta nên thả giống đúng theo lịch thời vụ khuyến cáo của Ngành Nông nghiệp địa.

Tôm sú
Tôm sú

2. Chọn địa điểm nuôi

2.1. Địa điểm nuôi

Nằm trong khu qui hoạch của nhà nước. Nên chọn nơi giao thông thuận tiện; chủ động nguồn nước cấp, thoát; điều kiện an ninh tốt… Không nên chọn địa điểm nuôi tôm ở những nơi có nhiều mùn bã hữu cơ, đất cát hay đất bị nhiễm phèn nặng. Không chọn nơi gần nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm cao như: bệnh viện, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt,…

2.2. Xây dựng ao nuôi

Có hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng biệt. Công trình cần đảm bảo các yếu tố sau:

2.2.1. Ao lắng:

Chiếm 15 – 20% diện tích ao nuôi nhằm lắng tụ phù sa, chứa nước để xử lý mầm bệnh trước khi cấp vào vuông nuôi, chủ động được nguồn nước.

Xem thêm: Kỹ thuật nuôi cá diêu hồng trong lồng

2.2.2. Ao ương:

Chiếm khoảng 15-20% diện tích nuôi nhằm giúp chăm sóc tôm ở giai đoạn từ 30-45 ngày giúp tôm thích nghi tốt với môi trường nước vuông tôm, tăng tỷ lệ sống trước khi thả ra ao nuôi lớn.

2.2.3. Ao (ruộng) nuôi

Diện tích mương bao: Khoảng 25 – 30% diện tích ao nuôi. Bờ ao cần được gia cố kỹ để tránh ngấm nước và sạt lở khi mưa bão.

Độ sâu mực nước: Trên trảng lớn hơn 0,7 m, dưới kênh 1,2 – 1,5m. Có cống cấp thoát nước: 1 – 2 cống đảm bảo cấp, thoát nước kịp thời.

3. Chuẩn bị ao nuôi

3.1. Cải tạo đất:

Sau khi thu hoạch vụ lúa xong, tiến hành cắt bỏ gốc rạ trên ruộng, gom lại đem lên bờ. Phơi ruộng từ 5-7 ngày cho đất nứt chân chim để giải phóng một số khí độc ở nền đáy. Vệ sinh và dọn sạch rong, cỏ và gia cố bờ bao, cống, bọng. Sên vét lớp bùn ở đáy mương bao. Rửa vuông 2-3 lần, bằng cách lấy nước vô vuông ngâm từ 2-3 ngày, sau đó xổ ra để thải bỏ tạp chất.

Ao nuôi tôm sú
Ao nuôi tôm sú

Bón vôi: Khi mặt đất còn ướt, tùy theo pH đất mà lượng vôi cần bón như sau:

Bảng 1: Lượng vôi bón phù hợp theo PH của đất

Độ pH của đất Lượng vôi CaCO3 Lượng vôi CaO 
> 6 0,8 – 1 tấn/ ha 0,4 – 0,5 tấn/ ha
5 – 6 1,5 – 2 tấn/ ha 0,7 – 1 tấn/ha
< 5 2 – 3 tấn/ ha 1 – 1,5 tấn/ ha

 

* Lưu ý: đối với những vùng đất bị nhiễm phèn pH < 5 không nên phơi khô mà chỉ được rửa vuông nuôi.

3.2. Lấy nước:

Nước được cấp từ ao lắng vào ao nuôi qua túi lọc bằng vải katê 2 lớp,  mực nước 1,2-1,5 m. Sau 3 – 4 ngày tiến hành xử lý nước.

3.3. Diệt khuẩn nước

Chủ yếu áp dụng biện pháp lấy nước qua túi lọc vào ao lắng sau đó để lắng 3 – 4 ngày tiến hành diệt khuẩn bằng: BKC, Iodine… rồi mới cấp vào ao nuôi.

Xem thêm: Một số đặc điểm sinh học và kỹ thuật chọn, thả giống cá Song

3.4. Diệt cá tạp (nếu còn cá):

Độ mặn ao nuôi dưới 10‰: Nên dùng rễ dây thuốc cá 10-15kg/1.000m3.

Độ mặn ao nuôi trên 10‰: dùng Saponin 10 – 15kg/1.000m3.

3.5. Bón phân gây màu nước:

Tiến hành sau 2 – 3 ngày diệt cá tạp hoặc 3 – 5 ngày cấp nước vào ao nuôi. Mục đích:

Gây nuôi thức ăn tự nhiên cho tôm khi mới thả. Ngăn cản sự phát triển của rong đáy. Tạo hệ đệm giúp các yếu tố môi trường ổn định. Dùng một trong các cách sau: Hỗn hợp cám mịn – bột đậu nành nấu ngâm ủ qua đêm  liều dùng 3 – 5 kg (tỉ lệ 1:1) cho 1.000m3   Phân vô cơ: urê, NPK, DAP với liều 1-3 kg/1.000m3 (tốt nhất dùng phối hợp 2 phần phân NPK hoặc DAP với 1 phần phân urê). Các sản phẩm gây màu có bán trên thị trường.

Cách gây màu: hòa tan phân (vô cơ) tạt vào lúc 8 – 10 giờ sáng. Sau 2 – 3 ngày kiểm tra độ trong nếu chưa đạt thì tạt lặp lại phân nửa liều như trên đến khi màu nước đạt yêu cầu. Có thể bổ sung thêm vôi Dolomite 10 – 15 kg/1.000m3 để hỗ trợ cho việc gây màu nhanh hơn. Đối với những ao khó gây màu nên bổ sung thêm phân có hàm lượng lân với liều từ 10 – 15 kg/1.000m3.

Lưu ý: Để hạn chế sự phát triển của rong đáy cần: Thực hiện tốt khâu cải tạo đất. Lấy đủ nước 0,8 m trở lên (tính từ mặt trảng). Nhanh chóng bón phân gây màu sau khi lấy nước.

3.6. Kiểm tra các yếu tố môi trường trước khi thả giống

Độ mặn: từ 5‰ trở lên. Màu nước: xanh vỏ đậu, màu trà nhạt. Độ trong: 30 – 35 cm.

pH = 7,5-8,5.

Độ kiềm: 80 – 120 mg/lít.

3.7. Chọn giống

Hiện nay tình trạng tôm sú giống kém chất lượng do nguồn giống tôm sú bố mẹ khan hiếm và chất lượng ngày càng giảm gây khó khăn cho sản xuất. Thời tiết khí hậu thay đổi đột ngột, môi trường nước ô nhiễm, tỷ lệ nhiễm bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV), bệnh còi MBV tương đối cao. Do đó để chọn con giống đạt chất lượng tốt thả nuôi cần chọn những trại giống lớn và có uy tín và nên thực hiện chọn giống bằng các phương pháp sau:

a./ Chọn giống bằng cảm quan:

Kích cỡ đồng đều trên 95% Chiều dài thân tôm sú từ 1,2 – 1,5 cm. Thân thon dài, đuôi xoè khi bơi. Ruột đầy thức ăn, liên tục. Màu sắc tươi sáng, đồng màu. Phản xạ nhanh với tiếng động và ánh sáng. Khuấy nhẹ dòng nước tôm sú bơi ngược dòng và không  gom vào giữa thau.

 b./ Chọn giống bằng phương pháp xét nghiệm mô học, PCR:

Đây là phương pháp giúp phát hiện sớm nhất tôm sú nhiễm bệnh do virus gây ra như thân đỏ đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi  (MBV) ở dạng tế bào. Từ đó giúp người nuôi chọn được đàn giống không mang mầm bệnh.

Cách thu mẫu: để mẫu thu mang tính đại diện, nên lấy mẫu ở nhiều điểm trong bể, (ít nhất 5 điểm: 4 góc + ở giữa) mỗi mẫu thu từ 150 – 200 con tôm sú giống. Sau khi thu mẫu gửi đến các chi cục thú y, chi cục thủy sản các tỉnh hoặc phòng nghiên cứu thủy sản thuộc các Viện, trường đóng trên địa bàn.

c./ Chọn giống bằng cách gây sốc độ mặn và sốc formol (thực hiện nếu có điều kiện):

Sốc độ mặn: Hạ độ mặn xuống dưới 10‰, nhiệt độ 20 oC (dùng nước đá để hạ nhiệt độ) cho tôm sú vào sau 1 giờ kiểm tra lại tỷ lệ sống nếu > 80% là giống đạt chất lượng tốt. Sốc formol liều dùng 2ml/10 lít nước cho 100 con tôm sú Post sau 15 phút nếu tôm sú chết không quá 5 con: giống tốt. Nếu trên 5 con:  giống yếu, không nên bắt. Chú ý: Nên kết hợp cả 3 phương pháp trên trong quá trình chọn giống. Chỉ mua những đàn giống không mang mầm bệnh đốm trắng, đầu vàng và bệnh còi.

3.8. Thả giống

3.8.1. Mật độ thả: từ 5 – 10 con/m2

3.8.2. Thời điểm thả giống:

Nên thả tôm sú giống vào lúc trời mát. Không nên thả tôm sú giống khi trời sắp mưa hoặc đang mưa.

Thả tôm sú giống
Thả tôm sú giống

3.8.3. Cách thả tôm sú giống:

Trước khi thả giống cần kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi với môi trường nước trong bao chứa tôm giống như độ mặn, pH, nhiệt độ… Nếu độ mặn giữa nước trong bao tôm sú  và nước trong ao nuôi chênh lệch hơn 5‰  thì phải thuần độ mặn.

* Cách thuần độ mặn: Cho tôm sú vào thau nhựa, thùng xốp,… (có sục khí), dùng bọc tôm cho nước trong vuông nuôi vào, dùng cây nhọn chọc thủng bọc tôm cho nước chảy từ từ xuống thau thuần tôm sú. Tốc độ hạ độ mặn khoảng 3‰/1giờ. Nếu nhiệt độ giữa nước trong bao tôm và nước trong ao nuôi chênh lệch 20 oC thì phải thuần nhiệt độ.

* Cách thuần nhiệt độ: Ngâm bao tôm sú vào trong nước ao nuôi trong thời gian khoảng 15 – 20 phút để cân bằng nhiệt độ giữa nước trong bao tôm và nước ao nuôi.

* Cách thả: Mở bao tôm và dùng tay tạt nước ao nuôi vào bao tôm từ từ, sau đó nghiêng bao hoặc nghiêng thau cho tôm tự bơi ra.

3.8.4. Quan sát tôm sau khi thả

Tôm thích nghi với môi trường ao nuôi: Khi thả tôm ra ao nuôi, tôm bơi tản ra xung quanh và bơi ngay xuống đáy mương bao. Khi lấy tay đập xuống nước tôm sẽ trốn ngay. Tôm sú không thích nghi với môi trường ao nuôi: Khi thả tôm ra ao nuôi, tôm bơi lờ đờ trên mặt nước hoặc búng mạnh lên khỏi mặt nước. Nếu xảy ra trường hợp này, cần giữ tôm lại thuần tiếp cho tôm thích nghi mới được thả ra.

Lưu ý: Có thể thả tôm giống trong ao ương trước khi bung ra ruộng nuôi. Diện tích ao ương khoảng 500 – 1.000 m2 (tùy theo diện tích nuôi lớn nhỏ).

Cách ương tôm: tiến hành các bước cải tạo ao ương giống như cách cải tạo ao nuôi như: Sên vét bùn, bón vôi Lấy nước, xử diệt khuẩn nước…

Xem thêm: Một số đặc điểm sinh học và kỹ thuật chọn, thả giống cá Song

Bón phân gây màu: cấy vi sinh trước khi thả tôm 2 ngày Mật độ ương từ 20 – 30 con/m2, để ương tôm đạt kết quả cao nên cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 35-40% ngay khi thả và trong thời gian ương. Thời gian ương tôm từ  40-45 ngày sau đó mới sang tôm ra ao nuôi.

Ý nghĩa của khâu ương tôm khi nuôi tôm – lúa: Ương tôm để tăng tỷ lệ sống, giúp tôm khỏe mạnh trước khi chuyển vào ao nuôi. Kiểm soát được được mật độ thả nuôi, từ đó có biện pháp quản lý, chăm sóc tôm nuôi tốt hơn. Tôm qua ương có kích cỡ lớn, khi đưa vào ao nuôi tôm phát triển nhanh đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khâu cải tạo cho vụ nuôi tiếp theo. 

4. Quản lý thức ăn

4.1. Lựa chọn thức ăn

Từ những cơ sở sản xuất có uy tín và chất lượng ổn định . Có nhãn mác rõ ràng và còn hạn sử dụng. Bảo quản thức ăn nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để thức ăn bị ẩm mốc.

4.2. Cho ăn và quản lý thức ăn

 4.2.1. Tháng đầu tiên

Cho ăn 4 lần /ngày (6g -10g – 17g – 22 g). Lượng thức ăn trung bình 1 – 1,3 kg/100.000 post/ngày.

Lượng thức ăn tăng lên (tính trên 100.000 post) như sau:

Tuần thứ nhất: tăng 100g/ngày.       

Tuần thứ 2: tăng 200g/ngày.

Tuần thứ 3: tăng 300g/ngày.

Tuần thứ 4: tăng 400g/ngày.

Lưu ý: Trộn thức ăn với một ít nước trước khi cho ăn để thức ăn chìm nhanh và dễ phân phối khắp ao. Bắt đầu tuần thứ 3 sau khi thả tôm sú thì đặt sàn ăn (nhá hay rập) để kiểm tra khả năng sử dụng thức ăn, sức khỏe và tỉ lệ sống của tôm sú.

4.2.2. Từ tháng thứ hai trở đi

Cho tôm sú ăn 4 lần/ngày (5 – 6g, 10 – 11g, 17 – 18g và  21 – 22g). Lượng thức ăn được xác định dựa vào kết quả kiểm tra khối lượng và tỉ lệ sống của tôm sú. Thông thường từ 7 – 10 ngày chài 1 lần để kiểm tra.

Bảng 2: Xác định khẩu phần cho ăn dựa vào khối lượng tôm

Trọng lượng bình quân của tôm (g/con) Khẩu phần thức ăn (% trọng lượng tôm) Tổng lượng Thức ăn cho vào các sàn ăn (% tổng lượng thức ăn mỗi cữ cho ăn) Thời gian kiểm tra sàn (sau ..x… giờ cho ăn)
2

5

 10

 15

 20

 25

 30

 35

6 – 6,5

 5,5

 4,5

 3,8

 3,5

 3,2

 2,8

 2,5

2,0

2,4

2,8

3,0

3,3

3,6

4

4,2

3

 2,5

 2,5

 2

 2

 1,5

 1

 1

 

* Cách điều chỉnh thức ăn dựa vào việc kiểm tra sàn ở mỗi cữ cho ăn:

Sàn ăn được làm bằng gỗ hoặc bằng sắt có kích thước 0,8 x 0,8 m hoặc 1 x 1m.

Một số điều cần lưu ý khi cho tôm ăn: Giảm lượng thức ăn khi: Thời tiết thay đổi: nhiệt độ cao, mưa dầm, trời lạnh kéo dài… Môi trường thay đổi: tảo tàn, các yếu tố môi trường biến động… Tôm sú trong giai đoạn lột xác. Tôm sú bị bệnh. Khi chuyển thức ăn từ số nhỏ sang số lớn hơn cần chuyển từ từ, không nên chuyển đột ngột. Cho thức ăn vào sàn sau khi đã cho ăn xong và dựa vào kết quả kiểm tra sàn ăn để điều chỉnh lượng thức ăn ngay lần kế tiếp.

Bảng 3: Xác định khẩu phần cho ăn dựa vào lượng thức ăn còn trong sàn

Lượng thức ăn còn trong sàn so với lúc đầu Tỉ lệ tăng/giảm lượng thức ăn cho cữ tiếp theo
Hết 100%

Còn khoảng 10%

Còn khoảng 11 – 25%

Còn khoảng 26 – 50%

Tăng  5 – 10%         

Giữ nguyên         

Giảm 10%         

Giảm 30%

       

5. Chăm sóc và quản lý môi trường

5.1. Chăm sóc ao nuôi

Kiểm tra bờ bao, cống,… tránh để thất thoát nước, tôm sú nuôi. Quan sát để có biện pháp phòng tránh các loài địch hại: chim, cò, cá dữ, rắn,…

Kiểm tra các yếu tố môi trường:

pH: 2 lần/ngày (7g  và 14g ).

Độ kiềm: 7 ngày/lần.

Chăm sóc tôm sú
Chăm sóc tôm sú

Màu nước và độ trong: hàng ngày Thường xuyên đi vòng quanh ao quan sát hoạt động của tôm sú để kịp thời xử lý các tình huống bất thường xảy ra, nhất là vào sáng sớm và ban đêm.

5.2. Quản lý môi trường

5.2.1. Quản lý mực nước

Luôn duy trì mực nước ổn định 0,7 m trên mặt trảng ao nuôi. Lượng nước thay tùy vào thời gian nuôi và tình trạng sức khỏe tôm sú trong ao.

Tháng đầu tiên: chỉ cấp bù lượng nước do rò rỉ bốc hơi.

Tháng thứ hai trở đi: mỗi lần thay 10 – 30% lượng nước trong ao. Lưu ý: Nước được cấp vào qua hệ thống lắng lọc và diệt khuẩn trước khi cấp, không cấp nước trực tiếp từ sông vào ao nuôi.

* Lợi ích của việc thay nước: Giảm các hợp chất gây độc trong ao. Giảm sự phát triển quá mức của phiêu sinh vật.

Kích thích tôm sú lột xác. Tăng cường ôxy trong trường hợp khẩn cấp. Hạn chế tình trạng tôm sú thương phẩm có mùi bùn hoặc mùi cỏ (do tảo) làm ảnh hưởng giá bán.

5.2.2. Quản lý độ trong

Duy trì độ trong thích hợp sẽ góp phần ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi.

* Nguyên nhân làm độ trong cao và hướng khắc phục: Tảo kém phát triển. Hướng khắc phục: Bón thêm phân gây màu (urê hoặc NPK, DAP 1kg/1.000m3). Ao nuôi có rong đáy. Hướng khắc phục: Tích cực làm rong càng sớm càng tốt. Chú ý, mỗi ngày làm một góc, bắt đầu từ phía cuối gió. Bón phân gây màu nhằm hạn chế sự phát triển của rong. Do tảo tàn. Hướng khắc phục: ổn định môi trường, tăng cường ôxy hoà tan.

* Nguyên nhân làm độ trong thấp và hướng khắc phục: Mưa nhiều ngày liên tục. Hướng khắc phục: rải vôi xung quanh và cả mép bờ ao; kiểm tra pH và tạt vôi nếu pH thấp hơn 7; tăng cường ôxy. Tảo phát triển quá mức. Hướng khắc phục: Thay nước tầng mặt nơi cuối gió hoặc cấp thêm nước mới.

Trong trường hợp không thể thay hoặc cấp nước mới, có thể dùng hóa chất diệt tảo (như formol 10 – 15 lít/1.000m3, chlorine từ 0,5 – 1 kg/1.000m3,…) Sau đó phải xử lý nền đáy bằng các chế phẩm sinh học. Hàm lượng các vật chất lơ lửng cao. Hướng khắc phục: Nâng mực nước nếu nước trong ao quá thấp. Thay một phần hoặc cấp nước mới. Tạt vôi CaCO3 với liều từ 5 – 10 kg/1.000m3. Có thể dùng một số loại hóa chất có tác dụng lắng tụ chuyên dùng trong thủy sản, sau đó xử lý nền đáy.

5.2.3. Quản lý pH

Khoảng thích hợp 7,5 – 8,5 và chênh lệch sáng chiều không quá 0,5. Thông thường, buổi sáng pH thấp và tăng cao hơn vào buổi chiều. Để giúp ổn định pH, trong quá trình nuôi định kỳ sử dụng vi sinh và vôi 7 – 10 ngày/lần .

* Trường hợp pH  > 8,5 Nguyên nhân chủ yếu do tảo phát triển mạnh. Hướng khắc phục: Thay một phần nước trong ao. Dùng đường cát 2 – 3kg/1.000m3 vào lúc 9 – 10 giờ . Trường hợp pH vẫn quá cao: dùng Formol 5 – 10 lít/1.000m3 (hoặc các sản phẩm làm giảm pH có bán trên thị trường) vào lúc 9 – 10 giờ. Có thể bón vôi đá liều lượng 1,5 – 2 kg/1.000m3 nước vào 22 giờ.

* Trường hợp pH < 7,5: dùng vôi CaCO3 với liều 10 – 15 kg/1.000m3 hòa nước tạt đều khắp ao đồng thời nâng mặt nước ao nuôi bằng các ao chung quanh.

5.2.4. Quản lý độ kiềm

Khoảng thích hợp 80 – 120 mg/lít. Giai đoạn tôm sú còn nhỏ nên duy trì độ kiềm ở mức vừa phải và nâng dần lên theo tốc độ phát triển của tôm sú. Độ kiềm thấp: Dùng vôi CaCO3 hoặc Dolomite 10 – 15 kg/1.000m3. Trường hợp pH và độ kiềm đều thấp cần nâng dần pH lên trước. Độ kiềm cao: thay một phần nước.

5.2.5. Quản lý nền đáy: Trong quá trình nuôi, càng về sau sự tích tụ thức ăn dư thừa, phân thải của tôm sú, xác tảo chết,… càng nhiều sẽ làm cho đáy ao trở nên dơ bẩn. Không để thức ăn bị dư thừa. Luôn giữ màu nước và độ trong ở mức thích hợp để tránh hiện tượng tảo tàn đột ngột. Định kỳ bón vôi Daimetin và một số chế phẩm sinh học chuyên dùng.

5.2.6. Quản lý hàm lượng ôxy

Thích hợp: 5 – 6 mg/lít Nếu hàm lượng ôxy hòa tan thấp (dưới 4mg/lít): thay nước, giảm thức ăn,…(nếu tôm sú còn nhiều có thể gắn thêm quạt tạo oxy)

 5.2.7. Quản lý khí độc

* Khí H2S: Phải nhỏ hơn 0,03 mg/lít. H2S sẽ tăng độc tính khi pH thấp. H2S cao: thay nước, bón vôi và tăng cường sục khí.

* Khí NH3: Phải nhỏ hơn 0,1 mg/lít; NH3 tăng độc tính  khi pH cao. Khi NH3 cao: thay nước, tăng cường sục khí. Nên chủ động khống chế hàm lượng khí độc bằng cách: thường xuyên kiểm tra để theo dõi và định kỳ 7 – 10 ngày dùng Daimetin 10 – 15kg/1.000m3 kết hợp với các chế phẩm sinh học xử lý nền đáy. Trường hợp cần cấp cứu do ngộ độc khí độc: nên sử dụng một số loại hóa chất chuyên dùng (Deodorase, các sản phẩm chiết xuất từ cây Yucca,…..). Sau đó tiến hành khắc phục bằng cách thay nước tầng đáy và xử lý bằng các chế phẩm sinh học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *