Phòng trị bệnh cho cá Song (cá Mú) được nuôi trên lồng bè trong biển

Phòng trị bệnh cho cá song (cá Mú) được nuôi lồng bè trên biển

1. Phòng bệnh tổng hợp cho cá nuôi

1.1. Phòng bệnh cho cá từ bố mẹ

 Để đảm bảo giống cá Song khỏe, sạch bệnh, một vấn đề cần quan tâm là bệnh có thể truyền từ bố mẹ sang cá con (lây truyền bệnh theo chiều dọc). Để phòng bệnh cho cá nuôi từ bố mẹ, cần tuyển chọn đàn cá giống từ cá bố mẹ sạch bệnh. Các bệnh nguy hiểm truyền từ bố mẹ sang cá giống như bệnh do vi rút. Cần chọn những nơi cung cấp giống có uy tín và kiểm tra bệnh trước khi lấy giống.

Cá song cá mú
Cá song cá mú

1.2. Phòng bệnh cho cá từ môi trường nuôi

 Chọn vùng nuôi với các chỉ tiêu phù hợp với đối tượng nuôi. Vùng nuôi không bị ô nhiễm bởi các nguông nước thải. Trong quá trình nuôi, phải luôn giữ cho môi trường nước sạch sẽ, lồng lưới thông thoáng (tháng/lần).

1.3. Tăng sức đề kháng cho cá

 Chọn giống cá khỏe, có sức đề kháng tốt. Chỉ được phép sử dụng thức ăn hỗn hợp chất lượng tốt và thức ăn tươi, không cho cá ăn thức ăn đã bị ẩm mốc, cá tạp ươn thối. Trong quá trình nuôi, có thể cho cá ăn bổ sung vitamine C với liều lượng là 30mg/kg cá/ngày, cho ăn liên tục trong 7 ngày và cho ăn định kỳ hàng tháng 1 lần để tăng sức đề kháng cho cá nuôi.

Xem thêm: Theo dõi sinh trưởng trong quá trình nuôi cá Song (cá Mú)

1.4. Vệ sinh môi trường nuôi 

Vệ sinh bè nuôi, lưới lồng, dụng cụ sử dụng. Khi phát hiện thấy cá có bệnh, cần nhốt cách ly, xác định rõ bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp. Tất cả các cá chết đều phải vớt lên và xử lý diệt trùng, không vứt ra biển tạo điều kiện cho bệnh lan truyền.         

2. Chẩn đoán bệnh

2.1. Thu mẫu

Các bước bắt cá tương tự như thao tác bắt cá để xác định tăng trưởng. Dùng vợt để vớt cá trong lồng. Số mẫu thu từ 6 – 10 con trong tổng đàn cá (nếu cá lớn thu: 2 con khỏe, 4 con bệnh). Mẫu cá thu tốt nhất đảm bảo cá còn sống và đại diện được cho đàn cá. Mẫu cá bệnh được chuyển về phòng thí nghiệm để kiểm tra, mổ khám và thu tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, thường các mẫu bệnh phẩm được ghi nhận các biểu hiện bên ngoài và đo đạc kích thước đồng thời giải phẫu kiểm tra và thu mẫu tác nhân gây bệnh ngay ở hiện trường.

Chuẩn đoán bệnh trên cá Song Cá Mú
Chuẩn đoán bệnh trên cá Song Cá Mú

2.2. Xác định bệnh bằng cảm quan

– Quan sát dấu hiệu bệnh lý và mô tả dấu hiệu bên ngoài: Quan sát cá bằng mắt thường ghi nhận tất cả những biểu hiện bên ngoài như: mang, vết thương, những điểm xuất huyết, mùi và các triệu trứng của bệnh….

– Quan sát dấu hiệu bệnh lý các cơ quan nội tạng: 

+ Mổ cá: dùng kéo, tránh làm vỡ các cơ quan nội tạng.

+ Kiểm tra toàn bộ các cơ quan nội tạng, ghi nhận toàn bộ các trạng thái không bình thường hoặc các dấu hiệu bệnh lý như quan sát màu sắc, hình dạng và các dấu hiệu khác thường trên gan, ruột…

– Xác định tác nhân gây bệnh (trong phòng thí nghiệm): Tiến hành đo kích thước từng cá thể bắt gặp, nhuộm, làm tiêu bản kết hơp chụp ảnh để đối chiếu với các tài liệu phân loại để phân loại. 

– Kiểm tra dấu hiệu ngoài (tại hiện trường): Các mẫu cá sống được bắt lên từ lồng, quan sát biểu hiện bên ngoài da, mắt, vây để bắt ký sinh trùng, đưa lên lam kính soi dưới kính hiển vi.

– Khi số lượng mẫu cá quá lớn không thể làm làn lượt từng con, có thể sử dụng nước ngọt để tắm, ký sinh trựng sẽ rời khỏi cơ thể cá. Thu mẫu ký sinh trùng cố định trong cồn 70o.

– Chẩn đoán một số bệnh do ký sinh trùng bằng cảm quan:

+ Bệnh do sán lá đơn chủ

Tác nhân gây bệnh: tác nhân gây bệnh sán lá đơn chủ trên cá biển.

 Triệu chứng cá bị bệnh sán lá đơn chủ Pseudohabdosynochus sp thường bơi lờ đờ trên tầng mặt, nắp mang khép mở, hô hấp chậm chạp. Khi bắt cá lên kiêm tra nhận thấy cá thường có những biểu hiện bất thường, mang bị kênh, lá mang có màu sắc nhợt nhạt.

Dấu hiệu nhiễm bệnh ký sinh trùng Benedenia sp gây ra: Khi cá nuôi bị nhiễm sán với cường độ thấp không có biểu hiện gì khác thường so với cá khoẻ mạnh và rất khó nhận biết vì sán có màu trong, lẫn với màu da cá, chúng thường ký sinh trên da, vây, mắt của cá. Khi cá bị nhiễm với cường độ cao có những biểu hiện triệu chứng khác thường: da có màu bợt, cá bơi lội kém linh động, thường bơi sát vào thành lồng, một vài vị trí bị chảy máu. 

+ Bệnh do ký sinh trùng quả dưa (Cryptocaryon) Dấu hiệu: Cơ thể cá có nhiều đốm viêm tấy, cá nằm yên ít vận động, mắt mờ đục, những đốm màu trắng bằng hạt muối xuất hiện trên cơ thể và vây của con cá chủ, và khi các vi sinh vật đã bám vào được, chúng sẽ di chuyển vào sâu trong mang.        

+ Cơ quan nhiễm: Não bộ, mắt, mang, lách và các cơ quan nội tạng.

+ Dấu hiệu bệnh lý: Đối với cá nuôi lồng cá thường bỏ ăn; cá bơi xung quanh lồng hoặc bơi không định hướng; cá chuyển màu sang mau đen; nhiều cá thể không có màu đặc trưng thậm chí không có biểu hiện bệnh.

– Chẩn đoán bệnh do nấm bằng cảm quan: Dấu hiệu: Đám màu trắng có đường kính 2 mm ở các cơ quan bị nhiễm.      

– Chẩn đoán bệnh do vi khuẩn bằng cảm quan:

+ Quan sát bằng mắt: Quan sát trực tiếp đàn cá trong lồng bè, dựa vào triệu chứng bệnh lý để phát hiện bệnh và đưa ra những chẩn đoán ban đầu. 

+ Phương pháp soi mẫu tươi: Phương pháp này dùng để chẩn đoán bước đầu nguyên nhân gây bệnh cho cá. Cách tiến hành như sau:

Đặt mẫu cần quan sát lên lam kính, nhỏ một giọt nước cất lên mẫu sau đó dùng giấy thấm để hút phần nước còn lại.

Nhỏ một giọt xanh Methylen lên mẫu, sau 1 – 2 phút đặt lamen lên rồi đem quan sát trên kính hiển vi quang học. 

+ Dấu hiệu bệnh lý: Trên thân xuất hiện các vết loét tấy đỏ to nhỏ khác nhau, bề mặt da phồng lên và có nhiều nhớt, các vây có thể có xuất huyết và rách nát cụt dần. Mắt đục, lồi, từng vùng trên lưng hoặc toàn bộ thân biến màu tối sẫm. Cá bị bệnh sau 1 – 2 tuần có thể chết rải rác, cũng có lúc chết hàng loạt.                

2.3. Cố định mẫu

– Mẫu cá cần được xử lý ngay khi còn sống, đầu tiên ta quan sát, đo chiều dài cá bệnh và ghi chép các hiện tượng không bình thường trên cá: màu sắc cá, các vết loét, các điểm xuất huyết, vây, vẩy….

– Làm chết nhanh cá bằng cách phá tuỷ sống nối với xương đầu.

– Sử dụng kéo, dao, panh đã khử trùng bằng cồn 70o để mổ cá. Khi nội tạng lộ ra, quan sát và ghi chép các hiện tượng khác thường như sự tích dịch, màu sắc dịch, biến đổi màu sắc hình dạng, thể trạng gan, thận, lách, mật, ruột.

* Cố định mẫu sống: mẫu bệnh cá tốt nhất là bảo quản sống đến phòng thí nghiệm. Phương pháp bảo quản sống: 

– Chuẩn bị:

+ Túi nilon thể tích 10 – 20 lít. 

+ Bình oxy.

+ Dây buộc túi, nhãn đánh dấu. 

+ Thùng xốp.

– Đóng cá:  

+ Lấy nước biển hiện trường: lượng nước bằng 1/3 thể tích túi. 

+ Chuyển mẫu cá bệnh vào túi.

+ Đóng oxy và đánh dấu. 

– Chuyển cá đến phòng thí nghiệm.

Xem thêm: Một số đặc điểm sinh học và kỹ thuật chọn, thả giống cá Song

* Cố định mẫu chết: 

– Chuẩn bị:

+ Túi nilon thể tích 5- 10 lít. 

+ Dây buộc túi, nhãn đánh dấu.

+ Thùng xốp. 

+ Nước đá lạnh. 

– Cố định mẫu: 

+ Đưa mẫu cá vào túi nilon và buộc chặt miệng túi. 

+ Đánh dấu mẫu bệnh. 

+ Chuyển vào thùng xốp, bảo quản bằng nước đá lạnh.

+ Chuyển đến phòng thí nghiệm.

3. Trị bệnh

3.1. Trị bệnh do ký sinh trùng

– Chuẩn bị dụng cụ Dụng cụ sử dụng để tắm cá bao gồm: bể bạt kích thước: 1,5- 1,8m x 1,01,2m x 0,8- 1m hay thùng, chậu….máy sục khí sách tay và hệ thống dây sục khí 5- 6m gồm 04- 06 quả khí, bình ắc quy, vợt, ….

– Chuẩn bị thuốc, hóa chất

+ Nước ngọt (không kèm theo hóa chất)

+ Formol: 150 – 200 ml/m3 nước biển. + Oxy già (H2O2): 100 đến 150 ml/m3 nước biển.

+ Thuốc tím (KMnO4): 5- 7gr/m3 nước biển.  

– Tắm cá

+ Thao tác chuẩn bị bể bạt tắm cá: Trước khi tắm cần dùng cây gạt để gạt cá gọn sang 1 bên lồng. Bể bạt được buộc vào phía trong của lưới lồng phía bên lồng lưới không có cá, sau đó đổ nước ngọt (nêu tắm băng nước ngọt) hoặc nước biển tại lồng nuôi đến độ sâu 0,4- 0,6m. Lắp đạt hệ thống sục khí với số lượng tối thiều 4 quả và rải đều ở các vị trí. Pha hóa chất với liều lượng trên và tiến hành sục khí trong 05 phút cho hóa chất tan đều.

+ Dùng vợt vớt cá chuyển sang bể tắm. 

+ Tắm khi trời mát, sáng sớm hay chiều tối.

+ Trong quá trình tắm cho cá cần theo dõi hoạt động của cá để kịp thời thả cá ra lồng nuôi.

+ Phương pháp tắm bằng nước ngọt

Tắm bằng nước ngọt là một trong những biện pháp khá hiệu quả trong việc phòng bệnh ngoại ký sinh trùng đối với cá biển. Tắm cá bằng nước ngọt thường không diệt được ký sinh trùng mà chỉ làm ký sinh trùng rời khỏi cơ thể cá. 

Trị bệnh trên cá Song
Trị bệnh trên cá Song

Thời gian tắm cá bằng nước ngọt từ 10 – 15 phút tuỳ theo sức khoẻ của cá. Chú ý trong quá trình tắm cho cá việc sử dụng sục khí là hết sức quan trọng vì cá biển quen sống trong môi trường có hàm lượng oxy hoà tan cao. Nếu hàm lượng oxy thấp cá có thể chết rất nhanh đặc biệt là đối với loài cá hoạt động mạnh như cá giò.

 Khi tắm nước ngọt cho cá biển là phải tắm hai lần, lần trước cách lần sau khoảng 24 giờ.

Do việc bắt cá lên tắm thường gây ra sây xát nên việc kết hợp với việc sử dụng kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn cơ hội gây bệnh. Các loạt kháng sinh sử dụng tắm kết hợp với nước ngọt bao gồm: Oxy tetracycline, Rifamicine….

– Tắm ngoại kí sinh trùng bằng nước Oxy già (H2O2)

Phương pháp này có thể phòng trị một số bệnh ký sinh trùng đơn bào như trùng bánh xe,…. 

Nồng độ sử dụng là 100 đến 150 ml/m3 nước biển.

Thời gian tắm 30 phút đến 60 phút tuỳ thuộc vào sức khoẻ của cá.

Nên tắm hai lần liên tục trong một đợt trị bệnh, mỗi lần cách nhau 2-3 ngày.

Xem thêm: Kỹ thuật nuôi cá diêu hồng trong lồng

Sử dụng nước Oxy già có thể kết hợp với formalin 100%. Nồng độ formalin sử dụng kết hợp với Oxy già là 100 pmm (ml/m3 nước biển). Việc tắm kết hợp của hai loại hoá chất này có hiệu quả hơn trong việc phòng và trị bệnh do tác nhân gây bệnh ký sinh trùng đơn bào.

– Tắm ngoại ký sinh trùng bằng Formalin (Formol).

+ Tác dụng của formaline có thể trị được một số bệnh ngoại ký sinh trùng gây ra bao gồm bệnh do ký sinh trùng đơn bào và một số loại ký sinh trùng đa bào.

+ Nồng độ sử dụng là 150 – 200 ml/m3 nước biển.

+ Thời gian tắm thường 25- 30 phút tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của cá.

+ Việc kết hợp tắm formalin với kháng sinh cũng khuyến khích sử dụng.

+ Chú ý đối với phương pháp phòng trị bệnh bằng formalin. Hoá chất này độc đối với cá do chúng có thể tác động đến hệ thần kinh, làm giảm hàm lượng ôxy hoà tan trong nước rất nhanh. Vì vậy khi tắm cần phải trực tiếp theo dõi tình trạng sức khỏe của cá để có biện pháp tránh tác dụng phụ như khi thấy cá yếu thì thêm nước nhằm làm giảm nồng độ thuốc. Trong khi tắm phải sục khí mạnh.

3.2. Trị bệnh do nấm

– Các bước chuẩn bị dụng cụ tương tự như trị bệnh do ký sinh trùng.

– Pha và chuẩn bị thuốc hóa chất:

+ Formalin: tắm cho cá với nồng độ sử dụng là 150 – 200 ml/m3 nước biển. Thời gian tắm thường 25- 30 phút tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của cá.

+ BRONOPOL: Bronopol được cung ứng ra thị trường với các tên thương mại như: Pyceze, Onyxide 500…Nồng độ tắm cho cá 30 mg cho 1m3 nước biển. Thời gian tắm là 15 phút.

+ Iodine: pha thuốc với tỷ lệ 1:20, liề lượng tắm cho cá 1ml cho 1m3 nước biển.

– Trong quá trình tắm cho cá cần đảm bảo cung cấp oxy cho cá, theo dõi hoạt động của cá để kịp thời chuyển cá ra lồng nuôi.

3.3. Trị bệnh do vi khuẩn

– Tác nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn đặc biệt là Vibrio

– Ngoài ra còn một số tác nhân gây bệnh khác như ký sinh trùng, nấm cơ hội và vi khuẩn dạng sợi

– Trị bệnh bằng biện pháp cho ăn.

+ Các loại kháng sinh sử dụng cho ăn bao gồm doxycycline và Rifamycin tỷ lệ 1:1

 + Liều lượng sử dụng là 25- 30mg/kg cá/ngày. Cho cá ăn liên tục trong 7 ngày.

+ Cho ăn thêm Vitamin C và hỗn hợp vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.

+ Vệ sinh lồng định kỳ.

– Trị bệnh bằng biện pháp tắm hoá chất

+ Loại hoá chất tắm bao gồm formalin, triplan và oxy già.

+ Tắm cho cá bằng kháng sinh. Các loại kháng sinh sử dụng bao gồm Rifamycin, Doxyciline, Oxytetraciline.

+ Nồng độ Formalin là 150- 200ml cho 01m3 nước biển.

+ Nồng độ Rifamycine và Doxyciline là 3- 5 mg cho 01m3 nước biển.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *