Phòng trừ một số loài côn trùng (sâu) hại trên cây hồ tiêu – Phần 1

Phòng trừ một số loài côn trùng (sâu) hại trên cây hồ tiêu

1. Bọ xít lưới (rầy thánh giá) hại cây hồ tiêu

– Đặc điểm sinh học của bọ xít (rầy thánh giá) hại cây hồ tiêu: bọ xít lưới trưởng thành có màu đen, kích thước cơ thể (dài x rộng) khoảng 15 x 7 mm. Cánh dài bọ xít lưới dài hơn bụng, mảnh lưng ngực trước kéo dài ra 2 bên và phình tròn ở đầu, nhìn giống như 2 cánh ngắn. Toàn bộ mặt lưng và cánh trước có cấu tạo lưới, vòi nằm sát mặt dưới của đầu và ngực. Bọ xít lưới non có màu vàng nhạt, cơ thể mỏng hơn con trưởng thành. Hình thái giống con trưởng thành nhưng không có cánh.

bọ xít lưới hại cây hồ tiêu
bọ xít lưới hại cây hồ tiêu

– Đặc điểm gây hại và tác hại của bọ xít lưới hại hồ tiêu: Bọ xít lưới xuất hiện và gây hại từ đầu mùa mưa đến giữa mùa mưa, giai đoạn cây hồ tiêu ra gié hoa và quả non. Bọ xít lưới chích hút gié hoa, gié quả, lá non, làm các bộ phận này thâm đen, sinh trưởng và phát triển kém. Trường hợp nặng cây sẽ bị rụng gié, giảm tỷ lệ đậu quả, ảnh hưởng đến năng suất.

Xem thêm: Phòng trừ một số bệnh hại thường gặp trên cây cacao

– Biện pháp phòng trừ: tùy thuộc vào điều kiện sinh thái, giống trồng hồ tiêu với mật độ thích hợp, tạo tán tỉa cành đảm bảo độ thông thoáng, dọn sạch cỏ dại tránh để bọ xít lưới có nơi trú ngụ. Thường xuyên thăm vườn để phát hiện theo dõi sự phát sinh phát triển của bọ xít lưới để có biện pháp phòng trừ phù hợp.Thu gom bộ phận bị bọ xít lưới gây hại đem tiêu hủy. Sử dụng một trong các loại thuốc có đăng ký phòng trừ bọ xít muỗi trên cây hồ tiêu như Buprofezin + Fenobucarb; Imidacloprid; Lambda-cyhalothrin + Thiamethoxam… Chú ý phun kỹ vào tán lá và mặt dưới lá tiêu.

2. Rệp muội hại trên cây hồ tiêu

– Đặc điểm gây hại của rệp muội trên cây hồ tiêu: Rầy muội gây hại quanh năm, đặc biệt vào các đợt phát triển lá non và lộc non. Điều kiện thời tiết khô và ít mưa thích hợp nhất cho rệp muội phát triển mạnh. Mật độ rệp muội sẽ giảm trong các tháng mưa lớn và lượng mưa nhiều. Rệp muội thường xuất hiện và chích hút nhựa ở các bộ phận non của cây hồ tiêu như đọt non, lá non. Khi bị gây hại nặng, đọt và lá non xoăn lại, biến dạng, thâm đen. Ngoài ra chất bài tiết của rệp cũng thu hút tạo điều kiện cho kiến và nấm bồ hóng phát triển.Nấm bồ hóng phát triển mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng quang hợp của cây hồ tiêu. Mặt khác rệp muội cũng là trung gian truyền bệnh do virut gây ra.

rệp muội hại cây hồ tiêu
rệp muội hại cây hồ tiêu

– Biện pháp phòng trừ rệp muội hại cây hồ tiêu: Vệ sinh vườn trồng thường xuyên loại bỏ các cây kí chủ của rệp muội. Thường xuyên tưới nước vào mùa mưa. Phun nước với áp lực lớn rửa trôi rệp muội trên cây hồ tiêu. Cần có chế độ bón phân cân đối hợp lí tránh bón dư đạm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thiên địch của rệp muội phát triển: Bọ rùa, ruồi ăn rệp, ong ký sinh… Nếu mật độ rệp gây hại lớp có thể sử dụng một trong các loại thuốc sinh học hoặc hóa. Ví dụ thuốc sinh học: Abamectin. Thuốc hóa học: Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin. Chỉ phun vào bộ phận rệp gây hại, không phun toàn bộ cây.

3. Rệp sáp hại trên cây hồ tiêu

 Có nhiều loại rệp sáp hại trên cây hồ tiêu là: Rệp sáp giả, rệp sáp giả vằn, rệp sáp hại rễ.

3.1. Rệp sáp giả hại hồ tiêu:

– Rệp sáp giả hại hồ tiêu là loài sâu hại đa thực,gây hại đối với nhiều loại cây trồng. Bao gồm: Rệp sáp giả 1 cặp đuôi ngắn; rệp sáp giả 1 cặp đuôi dài; rệp sáp giả 2 cặp đuôi dài; rệp sáp giả 4 cặp đuôi dài. Rệp sáp xuất hiện quanh năm, thường gây hại vào vào lúc cây hồ tiêu ra lá non, chồi non, gié bông, gié quả, thân, cành. Rệp sáp chích hút dinh dưỡng làm cho các bộ phận này không phát triển được, ở mật độ cao gây hại nặng, cây sẽ phát triển kém; lá bị vàng, rụng; gié bông, gié quả bị rụng; quả non bị rụng, hoặc lép. Đồng thời sự phát sinh phát triển của rệp sáp giả cũng thu hút kiến và tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển ảnh hưởng lớn đến quá trình quang hợp và phát triển của cây hồ tiêu, ảnh hưởng đến khả năng đậu quả và chất lượng hạt hồ tiêu. Rệp sáp lây lan chủ yếu nhờ vào các loài kiến (kiến vàng chân cao, kiến đen…), cây hồ tiêu bị rệp sáp gây hại thường có nhiều kiến. Kiến ăn dịch của rệp sáp và mang rệp đi khắp nơi. Ngoài ra, rệp sáp còn lây lan qua các con đường khác như: Nước mưa, nước tưới, dụng cụ lao động…

Xem thêm: Quản lý sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu tại Việt Nam

– Biện pháp phòng trừ rệp sáp giả: Bón phân đầy đủ và cân đối, tưới nước hợp lý, tạo hình để bộ tán phát triển cân đối, tạo điều kiện để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Vào mùa khô (đối với cây hồ tiêu kiến thiết cơ bản) hoặc sau khi thu hoạch (đối với cây hồ tiêu kinh doanh) tiến hành cắt bỏ các dây lươn và các cành nhánh ngang mọc từ thân chính ở dưới thấp (cắt từ mặt đất lên đến 30 cm). Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng , thu dọn tàn dư cây trồng, bộ phận bị hại đem tiêu hủy. Phun nước với áp lực lớn để rửa trôi. Nếu mật độ gây hại lớn sử dụng các loại thuốc sinh học hoặc hóa học như: một trong các loại thuốc sinh học: Abamectin; Abamectin + Azadirachtin; Abamectin + Matrine; Matrine (dịch chiết từ cây khổ sâm); Rotenone… một số loại thuốc hóa học: Sử dụng một trong các loại, như Alpha – cypermethrin; Chlorpyrifos Ethyl; Spirotetramat…

3.2. Rệp sáp giả vằn hại hồ tiêu:

– Rệp sáp giả vằn xuất hiện quanh năm, nhưng gây hại chính vào mùa khô, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Rệp sáp giả vằn thường tấn công và chích hút chồi non, lá non, lá bánh tẻ (thường xuất hiện ở mặt dưới lá cây hồ tiêu), gié hoa, gié quả, thân, cành. Khi cây bị gây hại nặng lá vàng, cây sinh trưởng kém.

rệp sáp hại cây hồ tiêu
rệp sáp hại cây hồ tiêu

– Phòng trừ rệp sáp giả vằn tương tự như phòng trừ rệp sáp.

3.3. Rệp sáp hại rễ trên cây hồ tiêu

– Rệp sáp hại rễ thường xuất hiện vào cuối mùa mưa, phát triển và gây hại nặng vào mùa khô. Lan truyền qua các loài kiến, nước mưa, nước tưới, dụng cụ lao động,… Rệp sáp hại rễ sẽ gây hại bằng các chích hút thân ngầm và rễ của cây hồ tiêu, tạo vết thương để nấm xâm nhập và làm thối rễ. Nếu cùng với rệp sáp có nấm phát triển thì sẽ làm cây chết nhanh hơn. Nếu quan sát bộ phận khí sinh thường sẽ rất khó phát hiện triệu chứng trên thân lá khi cây hồ tiêu bị rệp gây hại ở mức độ nhẹ. Cây bị hại nặng thì sinh trưởng kém, lá vàng, cằn cỗi, sau đó cây rụng hết lá và chết. Triệu chứng này thường hay bị nhầm lẫn với bệnh chết chậm, vì thế cần kiểm tra rễ của các cây bị vàng lá để biết rõ được nguyên nhân.

– Rệp sáp thường tấn công vào phần thân ngầm (cổ rễ) tiếp giáp với mặt đất trước, sau đó di chuyển đến các rễ ngang và rễ chính. Đối với các cây có triệu chứng vàng lá nặng, ngoài việc kiểm tra cổ rễ còn cần phải kiểm tra vùng rễ ngang và rễ chính mới phát hiện được sự gây hại của rệp sáp. Trên thân ngầm và rễ cây hồ tiêu có rệp sáp chích hút thường bị thâm đen hoặc thối. Khi rệp sáp gây hại nặng thường có măng xông do rệp sáp cộng sinh với nấm Bornetina corium, tạo thành những vùng u lớn bao xung quanh thân hoặc rễ, bên trong lớp măng xông có rất nhiều rệp sáp. Lớp măng xông này sẽ bảo vệ rệp không bị tác động bởi các điều kiện ngoại cảnh, vì thế khi rễ cây hồ tiêu đã có măng xông ở rễ thì rất khó diệt rệp.

Xem thêm: Phòng trừ cỏ dại trong vườn sầu riêng, măng cụt

– Biện pháp phòng trừ rệp sáp hại rễ cây hồ tiêu: Các vùng trồng hồ tiêu bị rệp sáp hại rễ nặng trước đó không tiến hành trồng lại hồ tiêu mà phải thay thế bằng cây trồng khác. Thường xuyên kiểm tra vườn hồ tiêu để phát hiện sớm sự phát sinh phát triển của rầy, ngay khi bắt đầu có triệu chứng chậm phát triển, cây vàng lá nhẹ, rệp sáp chưa tạo ra măng xông cần tiến hành phòng trừ mới có hiệu quả. Vệ sinh đồng ruộng để phá nơi trú ngụ của rệp sáp, kiến, và để phần xung quanh gốc rễ cây hồ tiêu được thông thoáng. Vào mùa khô (đối với cây hồ tiêu kiến thiết cơ bản) hoặc sau khi thu hoạch (đối với cây hồ tiêu kinh doanh) tiến hành cắt bỏ các các dây lươn và các cành nhánh ngang mọc từ thân chính ở dưới thấp (cắt từ mặt đất lên đến 30 cm). Ở giai đoạn sớm khi rệp chưa tạo ra măng xông có thể sử dụng một trong các loại thuốc sinh học hoặc hóa học sau: Một số dòng thuốc sinh học: Sử dụng khi mật độ rệp sáp thấp. Các loại thuốc sử dụng tương tự như rệp sáp hại thân, cành, lá. Sử dụng một trong các loại như Abamectin; Abamectin + Azadirachtin; Abamectin + Matrine; Matrine (dịch chiết từ cây khổ sâm); Rotenone; hoặc sử dụng một trong các loại thuốc dạng hạt như Emamectin benzoate; Rotenone; Rotenone + Saponin. Một số dòng thuốc hóa học: Sử dụng khi mật độ rệp sáp cao, xử lý với một trong các loại thuốc ở dạng lỏng Alpha – cypermethrin; Chlorpyrifos Ethyl; Spirotetramat… Các loại thuốc dạng lỏng có thể pha kết hợp với 0,5% dầu lửa hoặc chất bám dính (theo nồng độ khuyến cáo ghi trên nhãn bao bì), chú ý khuấy đều trước khi tưới hoặc sục vào vùng rễ cây tiêu bị rệp sáp gây hại, liều lượng 1 – 2 lít dung dịch/gốc, xử lý 2 – 3 lần cách nhau 7 – 10 ngày. Hoặc sử dụng một trong các loại thuốc dạng hạt như Dimethoate, Chlorpyrifos Ethyl + Fipronil, Chlorpyrifos Ethyl + Imidacloprid… Trường hợp số cây hồ tiêu bị rệp sáp hại rễ gây hại ít: Trước khi xử lý thuốc phòng trừ rệp sáp hại rễ cần bới đất xung quanh gốc cây hồ tiêu theo dạng hình phễu (cách gốc rộng khoảng 10 cm, sâu 15 – 20 cm). Chú ý trong quá trình bới đất không làm thân ngầm và rễ cây hồ tiêu bị tổn thương. Tiến hành rải thuốc, tưới hoặc phun thuốc để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rệp. Đào đất đến đâu tưới thuốc đến đó, sau đó tưới 1 – 2 lít nước/gốc đợi thuốc ngấm rồi lấp đất lại. Trường hợp số cây hồ tiêu bị rệp sáp gây hại nhiều: Cần áp dụng biện pháp sục, sử dụng thuốc dạng nước pha theo nồng độ khuyến cáo, bơm thuốc với cần sục có đầu nhọn cắm vào đất 3 – 5 lỗ, sâu 20 – 30 cm, cách gốc tiêu khoảng 30 – 40 cm, phân bố đều xung quanh vùng rễ. Khi cây hồ tiêu bị vàng lá nặng, rễ cây đã bị măng xông thì nhổ bỏ, thu gom đưa ra ngoài vườn tiêu hủy. Việc phòng trừ giai đoạn này không có hiệu quả bởi vì rễ cây hồ tiêu đã bị thối không thể hồi phục lại được.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *