Đặc điểm thực vật học và yêu cầu sinh thái của cây lúa

Đặc điểm thực vật học và yêu cầu sinh thái của cây lúa

1. Đặc điểm thực vật học

1.1. Hệ thống rễ lúa

1.1.1.Hình thái cấu tạo

– Rễ mầm: Rễ mầm (radicle) là rễ mọc ra đầu tiên khi hạt lúa nẩy mầm. Thường mỗi hạt lúa chỉ có một rễ mầm. Rễ mầm không ăn sâu, ít phân nhánh, chỉ có lông ngắn, thường dài khoảng 10-15 cm. Rễ mầm giữ nhiệm vụ chủ yếu là hút nước cung cấp cho phôi phát triển và sẽ chết sau 10-15 ngày, lúc cây mạ được 3-4 lá.

– Rễ phụ (còn gọi là rễ bất định): Rễ phụ mọc ra từ các mắt (đốt) trên thân lúa. Mỗi mắt có từ 5-25 rễ phụ, rễ phụ mọc dài, có nhiều nhánh và lông hút. Trong giai đoạn tăng trưởng, các mắt này thường rất khít nhau và nằm ở dưới mặt đất, nên rễ lúa tạo thành một chùm, do đó, rễ lúa còn gọi là rễ chùm. Tầng rễ phụ đầu tiên mọc ra ở mắt đầu tiên ngay trên trục trung diệp (mesocotyl).

Rễ lúa
Rễ lúa

– Cắt ngang một rễ non quan sát trên kính hiển vi rễ lúa có cấu tạo:

+ Ngoài cùng là lớp lông hút, do tế bào biểu bì kéo dài ra mà thành, trong biểu bì là ngoại bì, rồi đến lớp tế bào màng dày bao bọc xung quanh trung trụ.

+ Trong trung trụ có nội bì và mạch dẫn. Khi rễ già thì biểu bì mất đi, lông hút chết, ngoại bì hóa bần không thấm nước. Lông hút có chức năng hút nước và dinh dưỡng từ đất vào rễ, nhưng tồn tại một thời gian ngắn rồi chết đi và những lông hút mới lại tiếp tục xuất hiện.

1.1.2. Sự phát triển của bộ rễ

– Số lượng rễ nhiều hay ít của cây lúa phụ thuộc vào số mắt đốt trên thân. Bộ rễ lúa có khoảng 500- 800 rễ với tổng chiều dài khoảng 168m.

– Giai đoạn đẻ nhánh, rễ tập trung phân bổ ở lớp đất mặt (0-10cm), các giai đoạn sau rễ phân bố ở tầng đất 0-20cm và đạt tối đa giai đoạn trước trổ bông và giảm đi vào thời kỳ chín.

– Thời kỳ đẻ nhánh và làm đòng, bộ rễ lúa phát triển chủ yếu theo chiều ngang (có hình bầu dục)

– Thời kỳ trổ bông, rễ lúa phát triển xuống sâu (có hình quả trứng lộn ngược). Do phương thức gieo cấy khác nhau nên bộ rễ lúa phát triển cũng khác nhau. Ở giai đoạn này, rễ lúa chiếm 10% trọng lượng khô của toàn thân (biến thiên từ 5 -30% tùy giống), Ở giai đoạn mạ tỉ lệ này vào khoảng 20%. Lúa gieo thẳng rễ ăn rộng hơn lúa cấy và tập trung chủ yếu ở tầng đất mặt.

– Trong điều kiện bình thường rễ non có màu trắng sữa, rễ già sẽ chuyển sang màu vàng, nâu nhạt rồi nâu đậm, tuy nhiên phần chóp rễ vẫn còn màu trắng.

– Bộ rễ không phát triển, rễ bị thối đen biểu hiện tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, cây lúa không hấp thu được dinh dưỡng nên còi cọc, lá vàng, dễ bị bệnh và lụi dần nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Sự phát triển của bộ rễ tốt hay xấu tùy loại đất, điều kiện nước ruộng, tình trạng dinh dưỡng của cây và giống lúa.

1.2. Thân, nhánh lúa

1.2.1. Hình thái cấu tạo thân lúa

Thân lúa (stem) gồm những mắt và lóng nối tiếp nhau, Lóng là phần thân rỗng ở giữa 2 mắt và thường được bẹ lá ôm chặt. Xét về mặt hình thái, thân lúa chia làm hai loại.

– Thân giả: Do bẹ lá kết hợp lại với nhau, được hình thành ở giai đoạn đầu, do sự sắp xếp của các bẹ lá, thường dẹt và xốp.

– Thân thật: Được cấu tạo nên bởi các đốt (lóng) kế tiếp nhau, được hình thành kể từ khi cây lúa phân hóa đốt, đốt vươn dài ra kế tiếp nhau tạo thành thân, phần cuối cùng của thân là bông lúa. Cắt ngang một đốt thân có thể thấy các bộ phận: Ngoài cùng là biểu bì, tiếp đến là hạ bì. Thân lúa gồm nhiều mô cơ giới kết hợp lại với nhau làm cho thân cứng, các mạch dẫn liên kết với nhau tạo thành bó mạch, phần còn lại là các tế bào màng mỏng.

Xem thêm: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê

1.2.2. Sự phát triển của thân (đốt, lóng)

Thân lúa được hình thành và phát triển trong giai đoạn làm đốt, thân được hình thành do sự kéo dài của các đốt (vươn lóng). Số đốt của thân cây lúa thường có số lượng khác nhau tùy giống và ít thay đổi do điều kiện môi trường. Thường trung bình mỗi thân cây lúa có 4-5 đốt dài phân biệt được. Có những giống có tới 6-7 đốt (các giống có phản ứng ánh sáng ngày ngắn và cấy ở chân ruộng sâu như Tám Xoan, Tám thơm).

Các đốt phát triển tuần tự từ dưới lên trên, đốt sau dài hơn đốt trước, dài nhất là đốt mang bông lúa. Mặc dù các giống lúa có sự khác nhau về số đốt so ng số đốt dài nhất cũng chỉ có 3 đốt và tổng chiều dài 3 đốt này cùng với bông lúa chiếm tới 90% chiều dài thân, 3 đốt cuối (đốt gốc) ngắn, to, dày thì thường cây lúa có khả năng chống đỡ tốt. Giống lúa nào có lóng ngắn, thành lóng dầy, bẹ lá ôm sát thân thì thân lúa sẽ cứng chắc, khó đổ ngã và ngược lại.

Nhánh lúa
Nhánh lúa

Nếu đất ruộng có nhiều nước, cấy dầy, thiếu sánh sáng, bón nhiều phân đạm thì lóng có khuynh hướng vươn dài và mềm yếu làm cây lúa dễ đổ ngã. Lúa bị đổ ngã thì sự hút dinh dưỡng và quang hợp bị trở ngại, sự vận chuyển các chất bị cản trở, hô hấp mạnh làm tiêu hao chất dự trữ đưa đến hạt lép nhiều, năng suất giảm. Sự đổ ngã càng sớm, lúa bị thiệt hại càng nhiều và năng suất càng giảm.

1.2.3. Nhánh và sự đẻ nhánh

Nhánh lúa là một cây lúa con được mọc ra từ mầm nách thân cây mẹ và có đủ các bộ phận rễ, thân, lá, có thể sống độc lập, sinh trưởng, phát triển thành một cây lúa con, trổ bông kết hạt bình thường như cây mẹ. Nhánh được sinh ra từ cây mẹ gọi là nhánh con, nhánh được sinh ra từ cây con gọi là nhánh cháu, nhánh được sinh ra từ nhánh cháu gọi là nhánh chắt. Nhánh con và nhánh cháu có tỷ lệ thành bông cao nhất gọi là nhánh hữu hiệu, các nhánh trở về sau không có điều kiện thành bông gọi là nhánh vô hiệu.

1.3. Lá

1.3.1. Hình thái lá lúa

Cây lúa có 3 loại lá: Lá bao mầm, lá không hoàn toàn (không có phiến lá) và lá thật. Một lá lúa hoàn chỉnh gồm có các bộ phận: Phiến lá, thìa lìa, cổ lá, tai lá, bẹ lá, có những giống lúa còn có lông trên lá.

– Phiến lá: Là bộ phận đóng vai trò quan trọng nhất, vì đây là nơi diễn ra quá trình quang hợp để tạo ra vật chất đồng hóa (đường, tinh bột) tích lũy cho cây.

+ Phiến lá gồm 1 gân chính ở giữa và nhiều gân song song chạy từ cổ lá đến chóp lá. Mặt trên phiến lá có nhiề u lông để hạn chế thoát hơi nước và điều hòa nhiệt độ.

+ Hình dạng của phiến lá khác nhau tùy thuộc vào giống (hình bầu dục, mũi mác, cong đầu, lá xòe, lá đứng thẳng, bản lá dày, mỏng).

+ Màu sắc của lá cũng khác nhau tùy thuộc vào giống: Lá xanh, lá đậm, xanh nhạt, xanh sáng, xanh vàng, đôi khi có giống màu tím nhưng giống này trong sản xuất hiếm gặp.

– Bẹ lá: Bẹ lá là phần ôm lấy thân lúa. Giống lúa nào có bẹ lá ôm sát thân thì cây lúa đứng vững khó đổ ngã hơn.

+ Bẹ lá có nhiều khoảng trống nối liền các khí khổng ở phiến lá thông với thân và rễ, dẫn khí từ trên lá xuống rễ giúp rễ có thể hô hấp được trong điều kiện ngập nước.

Lá lúa
Lá lúa

+ Màu sắc của bẹ lá thay đổi tùy theo giống lúa, từ màu xanh nhạt, xanh đậm sang dọc tím và tím.

+ Ngoài vai trò trung gian vận chuyển khí và các chất dinh dưỡng, bẹ lá còn là nơi dự trữ các chất dinh dưỡng từ rễ lên và các sản phẩm quang hợp từ phiến lá đưa xuống trước khi phân phối đến các bộ phận khác trong cây.

– Cổ lá: Cổ lá là phần nối tiếp giữa phiến lá và bẹ lá.

+ Cổ lá to hay nhỏ ảnh hưởng tới góc độ của phiến lá.

 + Cổ lá càng nhỏ, góc lá càng hẹp, lá lúa càng thẳng đứng và càng thuận lợi cho việc sử dụng ánh sáng mặt trời để quang hợp.

+ Tại cổ lá còn có 2 bộ phận đặc biệt gọi là tai lá và thìa lá.

– Tai lá: Là phần kéo dài của mép phiến lá có hình lông chim uốn cong hình chữ C ở hai bên cổ lá.Trong họ hòa thảo chỉ cây lúa mới có tai lá, đây là bộ phận đặc trưng của cây lúa và cũng là bộ phận để phân biệt sự sai khác giữa cây lúa với cây cỏ lồng vực khi cây còn nhỏ.

– Thìa lìa: Là phần kéo dài của bẹ lá, ôm lấy thân, ở cuối chẻ đôi. Độ lớn và màu sắc của tai lá và thìa lá khác nhau tùy theo giống lúa.

1.3.2. Cấu tạo lá

Cắt ngang phiến lá và quan sát dưới kính hiển vi thấy cấu tạo của lá gồm:

– Biểu bì, mô cơ giới, mô đồng hóa, mạch dẫn lớn, mạch dẫn nhỏ, mặt ngoài của lá có khí khổng và lông tơ.

+ Mô đồng hóa của cây lúa chứa các hạt diệp lục và phân bố ở cả hai mặt lá, do đó lá lúa có khả năng quang hợp cả hai mặt.

+ Khí khổng cũng được phân bố ở cả mặt trên mặt dưới, song ở đầu lá số lượng khí khổng nhiều hơn. Khí khổng là nơi tiếp nhận khí CO2 để lá tiến hành quang hợp, đồng thời cũng là nơi thoát ôxy và hơi nước.

1.3.3. Sự sắp xếp lá trên thân và vai trò của các loại lá

 Mỗi giống lúa có một tổng số lá nhất định.

– Ở các giống lúa cảm quang, tổng số lá có thể thay đổi đôi chút tùy theo mùa trồng, biến thiên từ 16-21 lá.

– Các giống lúa ngắn ngày thường có tổng số biến thiên từ 12 -16 lá.

– Lá hình thành cuối cùng là lá đòng, lá thứ hai từ trên xuống hoạt động mạnh nhất là lá công năng.

– Lá đòng giữ vai trò lớn nhất trong việc nuôi dưỡng bông lúa sau trỗ. Việc nắm được các đặc điểm của lá lúa giúp chúng ta chủ động đề ra các biện pháp kỹ thuật thích hợp để phát huy tối đa vai trò của bộ lá trong quần thể ruộng lúa nhằm đạt năng suất cao.

– Cây lúa có nhiều nhánh nên ở mỗi thời kỳ đều có nhiều lá công năng cùng hoạt động mạnh. Hoạt động của lá lúa theo quy luật lá sau ra thì lá trước lụi đi nên trên cùng một thân cây lúa thường chỉ duy trì từ 4 -5 lá xanh nhưng do khóm lúa có nhiều nhánh nên số lá tồn tại ở một khóm khá nhiều. Để xác định tuổi của cây lúa, người ta dùng chỉ số tuổi lá:

                                   Số lá ở một giai đoạn nào đó

Chỉ số tuổi lá (%) = —————————————- x 100

                                                  Tổng số lá

1.4. Bông lúa, hoa và hạt

1.4.1. Hình thái cấu tạo bông

Sau khi ra đủ số lá nhất định thì cây lúa sẽ trổ bông. Bông lúa gồm các bộ phận: Một trục chính, gié cấp 1 xuất phát từ trục bông, gié cấp 2 xuất phát từ gié cấp 1, các hoa lúa được đính trên gié cấp 2, phần đầu bông trên gié cấp 1. Thông thường một bông lúa có từ 9-15 gié cấp 1, 22-30 gié cấp 2 và 100-150 hoa. Theo số lượng hoa trên một bông có thể chia bông ra 4 nhóm:

– Nhóm bông bé: Số hoa/bông dưới 100

– Nhóm bông trung bình: Số hoa /bông từ 101-150

– Nhóm bông to: Số hoa/bông từ 151-200

Xem thêm: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mận

– Nhóm bông rất to: Số hoa/bông trên 200. Hiện nay loại hình bông to có thể đạt đến 300 hạt (trung bình tất cả các bông).

Bông lúa có nhiều dạng khác nhau:

– Bông thẳng, trục bông không cong: Dạng này thuộc loại hình bông bé

– Bông cong đầu: Phần gần đầu bông cong

Bông lúa
Bông lúa

– Bông cong tròn: Bông cong xuống từ giữa phần bông

Tùy theo vị trí giữa gé cấp 1 và trục bông còn có thể phân biệt ra các loại hình bông chụm, bông hơi xòe, bông xòe và bông rất xòe .

1.4.2. Cấu tạo hoa lúa

* Hình thái và cấu tạo Hạt lúa khi chưa thụ phấn, thụ tinh thì gọi là hoa lúa. Mỗi một hoa lúa được cấu tạo bởi các bộ phận: Cuống hoa, mày kém phát triển, vỏ trấu ngoài, vỏ trấu trong, 2 mày trấu, 6 nhị đực (mỗi nhị đực có chỉ nhị và bao phấn), nhụy cái (bầu nhụy và 2 vòi nhụy), râu.

1.4.3. Cấu tạo hạt lúa

– Hạt lúa là cơ quan sinh sản duy trì sự phát triển nòi giống của cây lúa . Hạt lúa bao gồm:

– Vỏ trấu: Có hai mảnh, 1 mảnh to và 1 mảnh nhỏ ôm lấy nhau và có màu sắc khác nhau tùy giống

– Râu: Hạt lúa có thể có râu hoặc không có râu, ở hạt có râu thì mỏ kéo dài ra thành râu, vỏ hạt và râu thường cùng một màu. Mỏ hạt là một bộ phận của vỏ trấu to.

– Mày trấu: Mỗi hạt có hai mày trấu dính liền với cuống hạt.

– Hạt gạo gồm hai phần: Nội nhũ và phôi

+ Nội nhũ được bao bọc bởi lớp vỏ cám, màu sắc vỏ cám cũng khác nhau tùy giống. Nội nhũ là bộ phận dự trữ dinh dưỡng để nuôi phôi và khi hạt nảy mầm, nó cung cấp dinh dưỡng cho phôi phát triển thành cây lúa non.

+ Phôi nằm ở phía cuống hạt lúa. Khi đủ điều kiện nảy mầm thì phôi phát triển thành rễ và mầm, cây lúa bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng phát triển mới.

2. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh

2.1. Điều kiện khí hậu

2.1.1. Nhiệt độ

– Là yếu tố có tác dụng quyết định đến quá trình sinh trưởng của cây lúa. Tùy từng giai đoạn phát triển của cây lúa mà ảnh hưởng của nhiệt độ có khác nhau.

Bảng 1: Yêu cầu nhiệt độ của cây lúa ở các giai đoạn khác nhau (yosida 1977)

Giai đoạn phát triển

Nhiệt độ giới hạn (oC)
Thấp Cao Tối thích
Nảy mầm 10 45 30-36
Mạ 12-13 35 25-30
Ra rễ 16 35 25-28
Ra lá 7-12 45 31
Đẻ nhánh 9-16 33 25-31
Phân hóa đòng 15-20 38 25-30
Nở hoa 22 35 30-33
Chín 12-18 30

20-25

 

* Ảnh hưởng của nhiệt độ thấp

– Nhiệt độ thấp làm cho hạt lúa nảy mầm kém, kéo dài thời gian nảy mầm.

– Nhiệt độ thấp quá trình đẻ nhánh kéo dài và rễ phát triển chậm, cây lúa hút dinh dưỡng kém.

– Khi lúa trỗ nhiệt độ thấp quá làm cho cây lúa trỗ chậm, trỗ không thoát, hoa khó phơi màu, tỷ lệ lép cao.

* Ảnh hưởng của nhiệt độ cao

– Ở thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng khi gặp nhiệt độ cao chóp lá trắng vàng và có từng vạch lốm đốm, giảm khả năng đẻ nhánh.

– Ở giai đoạn trỗ bông làm hạt nhiệt độ cao từ 40oC trở lên đều không có lợi cho quá trình trổ bông, hạt phấn dễ bị mất sức nảy mầm, thụ phấn thụ tinh kém dẫn đến tỷ lệ lép cao. Nhiệt độ quá cao ảnh hưởng đến quá trình tích lũy vật chất vào hạt làm giảm khối lượng hạt. => Sự biến thiên nhiệt độ hàng ngày có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, nếu biên độ nhiệt ngày đêm càng lớn thì khả năng tích luỹ của cây càng cao.

Đặc điểm sinh học và yêu cầu sinh thái của cây lúa
Đặc điểm sinh học và yêu cầu sinh thái của cây lúa

– Để hoàn thành chu kỳ sống, trong quá trình sinh trưởng phát triển cây lúa cần tích được một lượng nhiệt nhất định. Tổng tích ôn của cây lúa từ 2500 oC đến 4500 oC.

+ Giống ngắn ngày có tổng tích ôn từ 2500 oC đến 3000 oC.

+ Giống trung ngày từ 3000- 3500 oC.

Xem thêm: Tổng quan về cây lúa

+ Giống dài ngày từ 3500 đến 4000 oC.

– Yêu cầu tổng tích ôn ở mỗi giống là tương đối ổn định, ít thay đổi theo mùa vụ, chế độ canh tác, điều kiện sinh thái vì vậy khi nhập nội hoặc di chuyển giống cần lưu ý đặc điểm này của giống.

2.1.2. Ánh sáng và đặc điểm quang hợp và sự hình thành năng suất lúa

Ánh sáng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa ở hai mặt: Cường độ ánh sáng ảnh hưởng đến quang hợp. Thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến phát dục ra hoa hình thành hạt.

* Cường độ ánh sáng có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng quá trình quang hợp

– Nếu đủ ánh sáng cây lúa sinh trưởng phát triển mạnh (đẻ nhánh nhiều, bông to, nhiều hạt và hạt mẩy).

– Trường hợp ánh sáng ít (cường độ ánh sáng thấp): Cây lúa mềm yếu, dễ đổ, hay bị sâu bệnh phá hoại cụ thể là bệnh đạo ôn, đặc biệt ở thời kỳ phân hoá đòng làm giảm năng suất.

– Cường độ bức xạ trung bình từ 250 – 400 calo/ cm2 / ngày. Cây lúa quang hợp bình thường,thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng. Nhu cầu về bức xạ mặt trời thay đổi theo các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, ở giai đoạn hình thành sản lượng và chín yêu cầu nhiều nhất.

* Thời gian chiếu sáng trong ngày ảnh hưởng đến sự phát dục của cây lúa

– Dựa vào thời gian chiếu sáng trong ngày để làm 2 loại:

+ Ngày ngắn có số giờ chiếu sáng < 13 giờ.

+ Ngày dài có số giờ chiếu sáng > 13 giờ.

Lúa là cây phản ứng với ánh sáng ngày ngắn. Ở Việt nam những giống lúa mùa chính vụ có phản ứng chặt với ánh sáng ngày ngắn còn gọi là giống cảm quang như bao thai, mộc tuyền, tám thơm, nếp cái hoa vàng…

– Những giống ngắn ngày có phản ứng trung tính với ánh sáng ngày ngắn, các giống này cấy sớm trổ sớm, cấy muộn trổ muộn còn gọi là các giống cảm ôn như CR203, CN2,Shan ưu 63, DH 60…

– Biện pháp: Dựa vào phản ứng với ánh sáng của các giống khác nhau để lựa chọn các giống gieo cấy thích hợp cho từng mùa vụ. Ví dụ: Lúa xuân chọn các giống phản ứng trung tính, lúa mùa muộn nên chọn các giống cảm quang.

2.1.3. Nước và độ ẩm không khí

* Nước

– Đây là yếu tố ảnh hưởng quyết định nhất đến năng suất lúa, có vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời cây lúa. Thiếu nước ở bất cứ giai đoạn nào cũng ảnh hưởng đến năng suất lúa.

– Nước có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong ruộng lúa, đặc biệt điều hòa chế độ nhiệt độ.

– Nước là dung môi hòa tan các chất dinh dưỡng thành dạng dung dịch cung cấp cho cây trồng.

– Nước có khả năng diệt trừ cỏ dại, đặc biệt là ruộng lúa gieo thẳng.

Xem thêm: Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây khoai tây

– Nước giảm nồng độ muối, nồng độ phèn, làm giảm chất độc, sắt trong ruộng lúa.

– Để thỏa mãn nhu cầu thì trong mùa vụ gieo cấy cần đảm bảo 900 -1000mm/vụ là đủ.

– Nhu cầu nước qua từng thời kỳ sinh trưởng

+ Thời kỳ nảy mầm: Quá trình bảo quản hàm lượng nước trong hạt khoảng 13 – 13,5 % khi ngâm hạt giống hạt hút nước đạt 22% thì bắt đầu hoạt động, đạt 25 -28% khối lượng khô của hạt thì hạt nảy mầm.

+ Giai đoạn mạ: Từ khi gieo đến mạ mũi chông giữ cho ruộng đủ ẩm mạ chóng ngồi và mọc nhanh.

+ Từ 3-4 lá đến nhổ đi cấy tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mà giữ ẩm hoặc tưới lớp nước nông 2cm.

+ Giai đoạn ở ruộng cấy giữa lớp nước 5-10cm để cho cây lúa đẻ nhánh thuận lợi, khi đẻ nhánh tối đa rút nước, phơi ruộng 2 -3 ngày để lúa bước sang giai đoạn làm đòng.

+ Giai đoạn làm đòng khô hạn hoa bị thoái hóa nhiều.

+ Giai đoạn lúa trỗ bông phơi màu nếu thiếu nước sẽ làm cho lúa bị nghẹn đòng, hạt bị lép nhiều.

+ Giai đoạn chín: Thiếu nước ảnh hưởng xấu đến quá trình vận chuyển và tích lũy vật chất vào hạt làm giảm khối lượng hạt.

– Biểu hiện chung nhất của thiếu nước là lá cuộn tròn lại, lá bị cháy, đẻ nhánh ít, chậm ra hoa, hạt lửng, lép nhiều.

– Biểu hiện chung của thừa nước là thân vươn dài, mềm yếu, đẻ nhánh ít, ở thời kỳ phân hoá đòng nếu ngập nước sâu có thể bị thối nếu kéo dài cây bị chết.

– Biện pháp: Tưới tiêu nước kịp thời theo yêu cầu của lúa và chọn cơ cấu giống phù hợp như những vùng không có điều kiện tưới nên chọn những giống có khả năng chịu hạn như CH2, CH3, CH133… ở vùng không có điều kiện tiêu nước chọn các giống chịu úng, cao cây như: I0, 314…

* Độ ẩm không khí

– Nếu độ ẩm không khí xuống thấp < 40% nhưng đủ nước thì cũng không ảnh hưởng gì đến năng suất lúa.

– Nếu độ ẩm không khí quá cao làm cho cây lúa thoát hơi nước khó khăn, sâu bệnh phát triển nhiều như: Bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá…

2.2. Điều kiện đất đai

Lúa là cây không kén đất vì vậy người ta có thể gieo cấy trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên để cây lúa sinh trưởng và phát triển bình thường, cho năng suất cao ổn định , đặc biệt là đất lúa nước cần có những tính chất đặc trưng:

– Thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng từ 20-60%.

– Ít lắng dẽ, tốc độ thấm nước 2cm /ngày .

– Độ pH từ 5,5-7,5. có tầng canh tác < 40cm tầng đế cày hình thành rõ rệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *