Kỹ thuật phòng trừ bệnh vàng lá gân xanh (Bệnh greening) trên cây có múi
Bệnh vàng lá gân xanh hay bệnh greening trên cây cam quýt là bệnh thường gặp trên cây ăn quả có múi như: bưởi, chanh, cam, quýt,… Bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn Candidatus Liberibacter spp – vi khuẩn Gram-âm chưa rõ đặc tính tấn công qua mạch dẫn của cây, có thể lây lan qua mắt ghép.
Bệnh gây hại gần như trên toàn bộ cây với các triệu chứng điển hình của bệnh là: Phiến lá nhỏ hẹp, khoảng cách lá ngắn hơn bình thường, dựng như tai thỏ, phiến lá màu vàng nhưng hệ gân lá vẫn xanh; quả nhỏ, méo mó, có quầng đỏ phía dưới đít quả lên, khi bổ ra thấy tâm quả bị lệch, hạt quả thối nâu; Bộ rễ của cây bị bệnh bị thối, màu nâu. Cùng với các triệu chứng là sự xuất hiện của rầy chổng cánh – trung gian chuyền bệnh trong vườn trồng. Bệnh làm chậm quá trình sinh trưởng phát triển của cây, làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng quả, cây còi cọc thậm chí bị chết.
Bệnh có thể bị nhầm lãn với việc cây bị thiếu kẽm, cần quan sát kĩ để phân biệt: Bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện ở các cây phía ngoài vườn trước là nhưng cây giữa vườn, trên một cây mức độ bệnh nặng nhẹ của các cành khác nhau không đồng đều, có cành bị bệnh và không bị bệnh, quả bị méo lệch tâm và hạt bị thối, bệnh diễn biến nhanh, làm cây chết nhanh. Trong khi cây thiếu kẽm biểu hiện đồng loạt trên các cây, trong vườn hoặc một khu vực trong vườn, bệnh phát triển chậm rãi do chế độ dinh dưỡng thiếu kẽm, hoặc quá trình hấp thụ kẽm bị cản trở.
Bệnh vàng lá gân xanh (Greening) hiện chưa có thuốc trị nên công tác phòng bệnh cần chủ động và tiến hành sớm.
Các Biện pháp phòng bệnh vàng lá gân xanh:
– Lựa chọn cây giống sạch bệnh, phát triển tốt, đồng đều; đối với cây ghép cần lựa chọn kĩ gốc ghép và mắt ghép ( vì bệnh có thể lây truyền qua mắt ghép).
– Chăm sóc để cây khỏe mạnh, phát triển tốt, đảm bảo dinh dưỡng cân đối đầy đủ. Bón phân hữu cơ được xử lí kĩ bằng vi sinh vật, bón vôi đầy đủ định kì trong năm.
– Vườn trồng chủ động được nước tưới tiêu, tránh để vườn trồng bị ngập úng.
– Tỉa cành tạo tán để tán thông thoáng, không để giao cành. Tỉa cành tập trung, bón thúc, không bón dư đạm để cây ra chồi đồng loạt.
– Trồng cây chắn gió xung quanh vườn trồng, trồng xen với cây khác họ, ngăn chặn sự xâm nhập của rầy chổng cánh.
Có thể bạn chưa biết:
– Vệ sinh vườn trồng thường xuyên. Thu gom tiêu hủy cành bệnh, cây bệnh, xử lí đất xung quanh khu vực cây bệnh đã bị nhổ bỏ.
– Thường xuyên quan sát theo dõi, nếu thấy xuất hiện rầy chổng cánh cần tiêu diệt ngay, phun thuốc trừ rầy như: Trebon, Sherpa, dầu khoáng… đều khắp cả cây, đặc biệt phun tập trung vào cành, lá non.