Phòng trừ rầy lưng trắng hại lúa

Phòng trừ rầy lưng trắng hại lúa

Tên khoa học: Sogatella furcifera (Horvath), còn có tên là Sogata furcifera

Họ rầy thân (Delphacidae), Bộ Cánh Đều (Homoptera)

1. Phân bố

Trên thế giới, rầy lưng trắng xuất hiện ở các vùng trồng lúa, nhiệt đới cũng như ôn đới, như Ấn Độ, Đài Loan, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Malaysia, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Sri Lanka, Trung Quốc và Việt Nam.

Phòng trừ rầy lưng hại lúa
Phòng trừ rầy lưng hại lúa

2. Khả năng gây hại của rầy lưng

Ở Việt Nam Rầy Lưng Trắng luôn hiện diện trên đồng ruộng và gây hại nặng tại một số địa phương như sau:

– Năm 1966 rầy nâu thành dịch nặng ở tỉnh Thừa Thiên.

– Vụ Đông- Xuân năm 1974 – 1975 Rầy Lưng Trắng xuất hiện trên đồng ruộng với mật số cao tại các tỉnh Gò Công và Tiền Giang.

– Năm 1980 Rầy Lưng Trắng bắt đầu gia tăng mật số ở nhiều tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Minh Hải và Kiên Giang.

– Năm 1983 rầy gây hại trên giống lúa IR42 tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Hậu Giang, nhiều nơi bị mất trắng.

3. Ký chủ

Ngoài cây lúa, Rầy Lưng Trắng có nhóm ký chủ phụ tương đối rộng hơn Rầy Nâu như lúa hoang, các loại cỏ lồng vực, cỏ mần trầu, cỏ đuôi phụng, cỏ chác, cỏ Panicum pennisatum, Poa, Echinochloa, Digtaria.

4. Đặc điểm sinh thái và sinh học

Thành trùng có kích thước cơ thể dài từ 3-4mm, thân màu nâu đen. Giữa ngực trước có một vệt màu vàng lợt. Cánh trong suốt và có một đốm đen ở ngay giữa cạnh sau của cánh trước, khi cánh xếp lại tạo thành một đốm đen to trên lưng. Thành trùng cái vừa có dạng cánh ngắn và dạng cánh dài, trong khi rầy đực chỉ có một dạng cánh dài. Tuổi thọ của thành trùng từ 15-20 ngày.

Rầy cái dùng bộ phận đẻ trứng bén nhọn ở cuối bụng rạch bẹ lá hoặc gân lá đẻ thành từng hàng trứng vào trong bẹ cây lúa, mỗi ổ từ 5-20 cái, một rầy cái có thể đẻ từ 300-350 trứng trong vòng hai tuần.

Trứng trương tự trứng rầy nâu nhưng nắp gọn hơn và nhọn hơn. Trứng được đẻ vào trong bẹ lá hay gân chính của lá, gần cổ lá. Thời gian ủ trứng từ 5-7 ngày.

Ấu trùng có 5 tuổi, phát triển trong thời gian từ 15- 20 ngày. Khi nở màu trắng sữa trông rất giống ấu trùng Rầy Nâu; nhưng bắt đầu sang tuổi 2 toàn thân rầy có màu xám, giữa bụng ở mặt lưng có một đốm trắng, cuối bụng nhọn hơn phần cuối bụng của Rầy Nâu.

Xem thêm: Phòng trị Rầy Nâu hại lúa

5. Tập quán sinh sống và gây hạị của rầy lưng

Thành trùng rất thích ánh sáng đèn, nhất là lúc trăng tròn và rầy cánh dài di chuyển đến ruộng lúa rất sớm. Rầy đực thường vũ hoá trước rầy cái từ 2-3 ngày. Rầy cái cánh ngắn thường vũ hoá trước rầy cái cánh dài. Rầy cái của cả hai loại cánh đều bắt đầu đẻ trứng từ 3-4 ngày sau khi bắt cặp. Các vết đẻ xung quanh ở trứng bị hư và ngả sang màu nâu đậm lúc trứng gần nở.

Giai đoạn lúa đẻ nhánh
Tập quán sinh sống và gây hại ở rầy lưng

Rầy non mới nở tập trung chích hút tại ổ trứng, vài ngày sau phân  tán đến hầu hết các bộ phận của cây. Cả thành trùng và ấu trùng đều chích hút cây lúa từ giai đoạn mạ đến nhảy chồi, sau đó mật số giảm dần và đến lúc lúa trổ rầy không còn gây hại nhiều cho cây lúa. Rầy lưng trắng chích hút cũng gây hiện tượng “ cháy rầy” như rầy nâu nhưng không truyền bệnh virut cho cây lúa như rầy nâu.

6. Các yếu tố ảnh hưởng tới mật số

– Thứu ăn: Rầy thích nhất lúa từ giai đoạn mạ đến nhảy chồi tối đa.

– Thời tiết: Nhiệt độ thích hợp đối với rầy là 27-29oC. Ẩm độ và lượng mưa: Mưa lớn và liên tục trong nhiều ngày sẽ làm rầy trưởng thành suy yếu, rầy cám bị rửa trôi, đồng thời rầy cũng dễ bị nấm bệnh tấn công. Trong khi mưa nhỏ hoặc mưa nắng xen kẽ, trời âm u thích hợp cho rầy phát triển mật số. Gió: Rầy có khả năng di chuyển xa và nếu có gió rầy bốc lên theo gió và có thể bị cuốn đến những nơi rất xa.

– Thiên địch

Có nhiều loài côn trùng ký sinh, ăn thịt và nấm bệnh gây hại mọi giai đoạn tăng trưởng của Rầy Lưng Trắng như: Bọ Rùa,  Kiến Ba Khoang, Bọ Xít Nước, Bọ Xít Mù Xanh, Các loài nhện: Phổ biến là loài Pardosa (Lycosa) pseudoannulata (Boesenberg Stand),  Các loài ký sinh: Có nhiều loài ong ky sinh đẻ trứng vào ấu trùng hoặc thành trùng rầy,  Các loài sinh vật: Trong thiên nhiên có nhiều loài nấm, vi khuẩn hoặc virut gây chết cho Rầy Lưng Trắng với tỷ lệ rất đáng kể; tuỳ mùa vụ như: Metarrhizium sp, Hirsutella sp và Beauveria basiana.

Xem thêm: Phòng trừ bọ xít đen hại lúa

7. Biện pháp phòng trị rầy lưng

a) Vệ sinh đồng ruộng:

Phát sạch gốc rạ, chôn vùi lúa còn sót lại và đốt đồng ngay sau khi thu hoạch, không để lúa chét phát triển.

b) Giống kháng:

Nên trồng nhiều giống lúa có tính kháng trung bình trên đồng ruộng cùng lúc để tránh tình trạng rầy quen thức ăn và để tránh áp lực của rầy khi rầy bộc phát.

c) Thời vụ:

– Sạ lúa, gieo mạ, cấy lúa đúng thời vụ, gọn, tránh mùa vụ gối nhau làm lúa hiện diện liên tục trên đồng ruộng.

– Nên có thời gian để đất trống để cắt đứt nguồn thức ăn của Rầy.

d) Mật độ sạ:

Không nên sạ, cấy dày, mật độ sạ thích hợp là 150kg/ha đất nếu có điều kiện sử dụng thuốc diệt cỏ hoặc tối đa là 180kg/ha.

e) Phân bón:

– Nên bón phân với liều lượng đủ cho nhu cầu của cây lúa.

– Bón đúng lúc và cân đối giữa phân Đạm, Lân, Kali. Tránh bón nhiều và dư đạm, nhất là ở giai đoạn cuối của cây lúa.

f) Biện pháp sinh học:

– Cho vịt con từ 4-5 tuần tuổi vào ruộng lúa, khoảng 100-150 con/ ha.

– Thả cá như cá rô phi, mè vinh vào ruộng lúa.

g) Các biện pháp khác:

– Dùng dầu gasoil: cho dầu lên mặt nước ruộng xong dùng cây quơ lên lá lúa, rầy rớt xuống nước sẽ dính dầu bị chết. Lượng dầu sử dụng là 5-7 lít/ ha.

– Bẫy đèn: Dùng bẫy đèn để thu hút con trưởng thành.

Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho lúa
Phun thuốc phòng trừ rầy lưng

h) Biện pháp hoá học

Thăm đồng ruộng thường xuyên để ghi nhận mật số của rầy cũng như thành phần và số lượng thiên địch hiện diện trên đồng ruộng để quyết định việc sử dụng thuốc trừ rầy, Khi cần phải áp dụng thuốc thì nên theo nguyên tắc “Bốn đúng” như sau:

– Đúng loại thuốc: Dùng các loại thuốc đặc trị rầy. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc trên để tránh tình trạng rầy quen thuốc.

– Đúng liều lượng: Pha thuốc đúng liều lượng và nồng độ khuyến cáo. Nên sử dụng ít nhất là 4 bình/ công ruộng.

Xem thêm: Phòng trị sâu sừng hại lúa

– Đúng lúc: Phun thuốc khi rầy nở rộ ở tuổi 2-3 (15-20 ngày sau khi Rầy Nâu có cánh vào đèn).

– Đúng cách: Phun thuốc vào gốc lúa là nơi rầy sinh sống.

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *