Nội dung bài viết
Phòng trừ bọ xít hôi hại lúa
Tên khoa học: Leptocorisa acuta Thunberg
Họ Bọ xít Mép (Alydidae), Bộ cánh Nửa Cứng (Hemiptera)
1. Phân bố
Bọ xít hôi xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trồng lúa trên thế giới như Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Burma, Indonesia, Campuchia, Lào, Malaysia, Nepal, Pakistan, Philipines, Thái Lan, miền nam Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên và Việt Nam.
2. Ký chủ
Bọ xít hôi có rất nhiều loại ký chủ phụ thuộc hai họ Hoà Thảo và cỏ Cú, đặc biệt thường gặp trên cỏ lồng vực, lúa hoang, bắp, kê, lúa miến, quan trọng nhất là lúa và cỏ Echinochloa.
3. Đặc điểm hình thái và sinh học của bọ xít hôi
Thành trùng có màu xanh hơi pha nâu ở trên lưng và màu vàng nâu ở mặt bụng, dài từ 14-18mm, mình thon dài, chân và râu đầu rất dài, râu đầu có bốn đốt. Đầu dài, 2 phiến cạnh của đầu nhô ra phía trước như dạng ngón tay.
Bọ xít đực và cái phân biệt dễ dàng hơn nhờ con cái ở cuối đốt bụng thứ 8 ( thấy thực tế là đốt bụng thứ bảy) chẻ đôi thành hai phần, trong khi ở con đực thì cuối bụng tròn. Đời sống của thành trùng có thể đến 2-3 tháng, trong thời gian này một thành trùng có khả năng đẻ từ 250-300 trứng trong vòng khoảng 8 tuần. Trứng được đẻ thành nhiều hàng trên phiến lá, ở cả hai mặt, hoặc bẹ lá, mỗi ổ có từ 10-30 trứng.
Trứng hình bầu dục, hơi dẹp, dài từ 1,2 đến 1,4mm, mới đẻ màu trắng đục, sắp nở màu nâu đen bóng. Thời gian ủ trứng là 5-8 ngày. Trứng được đẻ thành từng hàng song song trên phiến lá từ 10-20 trứng, dọc thân chính, ở trên mặt lá.
Ấu trùng có 5 tuổi, màu xanh lá cây lợt, râu màu nâu đậm, mới nở khoảng 2mm, tuổi lớn nhất dài từ 12-14mm. Thời gian phát triển của giai đoạn ấu trùng từ 15-22 ngày.
Vòng đời bọ xít hôi từ 31- 40 ngày.
Xem thêm: Phòng trị Rầy Nâu hại lúa
4. Tập quán sinh sống và cách gây hại của bọ xít hôi
Khi trên ruộng chưa có lúa chín, thành trùng có thể sống trên cỏ dại và thường di chuyển vào ruộng lúa khi lúa trổ. Thành trùng hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối.
Trứng nở vào buổi sáng, sau khi nở ấu trùng tập trung quanh ổ trứng, 2-3 giờ sau khi phân tán lên bông hay lúa non đẻ chích hút nhựa. Khi bị động, cả ấu trùng và thành trùng đều tiết ra mùi hôi; ấu trùng buông mình rơi xuống đất trong khi thành trùng bay lên rất nhanh. Ấu trùng và thành trùng thường tập trung trên bông lúa, chích hút hạt lúa đang ngậm sữa bằng cách dùng vòi chọc vào giữa 2 vỏ trấu, chích hút hạt lúa, làm hạt bị lép hoặc lửng, rất dễ bể khi xay.
Vết chích hút do bọ xít để lại là một đốm nâu trên hạt lúa do nấm bệnh tấn công. Khi cây lúa non, bọ xít có thể chích hút trên lá và đọt non.
Xem thêm: Phòng trừ rầy lưng trắng hại lúa
5. Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số
– Thời tiết: Nhiệt độ từ 27-29oC và ẩm độ tư 80-95% thích hợp cho bọ xít. Thường trời có nhiều mây, âm u, ẩm, ít mưa, ít gió thích hợp cho bọ xít phát triển; vì vậy ở đồng bằng sông Cửu Long bọ xít gia tăng mật số vào các tháng 8,9 trong vụ Hè –Thu, lúc lúa từ trổ đến vào chắc và tiếp tục gia tăng đến cuối vụ Đông – Xuân, Lúc này ruộng không còn lúaa, Bọ xít di chuyển sang các ký chủ phụ.
– Thức ăn: giống lúa có râu được ghi nhận là không kháng bọ xít.
– Thiên địch: Các loài ong thuộc họ Scelionidae thường ký sinh trứng bọ xít. Các loài nhện ăn thịt ấu trùng và thành trùng. Nấm Beauveria bassiana gây hại cả ấu trùng lẫn thành trùng.
Xem thêm: Phòng trừ sâu cuốn lá lớn hại lúa
6. Biện pháp phòng trị bọ xít hôi
Vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ nhất là cỏ lồng vực vì hạt cỏ có sẵn trong ruộng lúa và trổ trước nên Bọ Xít thường bay tới đẻ trứng trên cỏ. Dùng thuốc có mùi hôi xua đuổi thành trùng ra khỏi ruộng lúa.