Phòng trừ nhện gié (bệnh nám bẹ, bệnh cạo gió) trên cây lúa

Phòng trừ nhện gié (bệnh nám bẹ, bệnh cạo gió) trên cây lúa

Tên khoa học: Steneotarsonemus spinki (Smiley)

Họ Tarsonemidae, Bộ Acarina

1. Phân bố

Loài này hiện diện ở tất cả các vùng trồng lúa trên thế giới, nhưng nhiều nhất ở châu Á, đặc biệt được báo cáo nhiều ở Ấn Độ. Ở Việt Nam, nhện gié được phát hiện đầu tiên ở An Giang và Đồng Tháp, một đề tài nghiên cứu đã được thực hiện để điều tra về tình hình phân bố, khả năng gây hại và đề xuất biện pháp phòng trị.

2. Ký chủ

Hiện nay chỉ ghi nhận được là cây lúa, kể cả lúa hoang hay lúa cỏ, còn ngoài ra chưa phát hiện được loài cây nào khác bị tấn công.

Phòng trừ nhện gié trên lúa
Phòng trừ nhện gié trên lúa

3. Đặc điểm hình thái và sinh học của nhện gié

Thành trùng có cơ thể nhỏ, trong suốt, màu nâu sáng, có 4 đôi chân, 2 đôi chân cuối của con cái thoái hoá, đôi chân cuối của con đực phát triển thành như cái kẹp để mang con cái trong lúc giao hợp. Thành trùng cái sống từ 5-7 ngày và một con cái đẻ khoảng 50 trứng.

Trứng hình tròn, màu trắng trong, có kích thước khá lớn và dễ thấy, được đẻ riêng lẻ thành từng cái ở mặt trong bẹ lá lúa. Thời gian ủ trứng từ 2-4 ngày.

Ấu trùng có hình dạng và màu sắc tương tự như thành trùng, có 3 cặp chân. Ấu trùng được phát tán từ nơi này đến nơi khác nhờ thành trùng đực. Ấu trùng có 1 ngày bất động trước khi thành thành trùng.

Xem thêm: Phòng trị Rầy Nâu hại lúa

4. Tập quán sinh sống và cách gây hại của nhện gié

Thành trùng thường sống trong phần trên của bẹ lúa chích hút nhựa ở mặt trong của bẹ lá tạo thành các vết nâu chạy dọc bên ngoài bẹ trông giống các vết nám, vết cạo gió trong tưởng tượng của người nông dân, có thể làm hư hại gãy gập lá lúa.

Giai đoạn lúa trổ đòng đòng
Tập quán sinh sống và gây hại của nhện gié

Trên bẹ lá lúa: Nhện đục lỗ và chui vào bên trong của khoang bẹ lá lúa để sinh sống và gây hại. Khi quần thể tăng, chúng đục sang các khoang kế tiếp, vì khoang của mô bẹ có hình chữ nhật, nên vết nhện hại biểu hiện ra bên ngoài thường có hình chữ nhật tương đối đặc trưng.

Vết hại cứ to dần lên, khi bị nặng hình chữ nhật của vết hại không còn điển hình nữa.Khi lúa trổ đòng , nhện di chuyển gây hại ngay khi bông lúa còn nằm trong bẹ lúa, làm cho lúa không  trổ thoát được hoặc nếu trổ thoát ra hình dạng bông cũng vặn vẹo, hạt lúa bị đen lép, méo mó.

5. Biện pháp phòng trị nhện gié

– Nên có thời gian cách ly giữa hai vụ lúa liên tiếp, ít nhất là 20 ngày để làm giám khả năng sống sót của chúng trên các mầm mống lúa tái sinh. Không nên canh tác ba vụ lúa liên tiếp trong một năm mà thay một vụ lúa bằng một vụ cây trồng cạn như đậu, mè, bắp,…

Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho lúa
Biện pháp phòng trừ nhện gié

– Đốt đồng bằng cách đốt rơm rạ từ vụ trước cũng có tác dụng giảm được nguồn lây lan.

– Điều tra phát hiện sớm khi triệu chứng nám bẹ mới chỉ là những vết nâu nhỏ trên bẹ lá lúa còn non ở phía trong. Áp dụng thuốc trừ sâu dạng lưu dẫn và ít độc với thuỷ sinh vật, hoặc phun thuốc trừ nhện với hạt thuốc phun thật nhỏ, phun vào vị trí gần bẹ lúa non.

Xem thêm: Phòng trừ bọ xít đen hại lúa

– Lưu ý là có nhiều thiên địch cùng sống chung với quần thể nhện gié trong bẹ lá lúa. Nhện nhỏ bắt mồi Amblysius sp (Tarsonomidae, Acari) và bù lạch đen lớn thuộc họ Phlaeothripidae ( Thysanoptera) thường thấy ở Tiền Giang và An Giang.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *