Một số đặc điểm sinh học và kỹ thuật chọn, thả giống cá Song (cá Mú)

Một số đặc điểm sinh học và kỹ thuật chọn, thả giống cá Song (cá Mú)

1. Một số đặc điểm sinh học của cá Song (cá Mú)

1.1. Phân bố

Cá Song (Cá Mú) phân bố ở Ấn Độ – Thái Bình Dương: Từ biển Đỏ đến Nam Phi về phía đông tới các đảo giữa Thái Bình Dương như Duice ở Pitcaim Group, từ Nhật Bản đến New South Wales (Australia) và đảo Lord Howe. Ở Việt Nam chúng phân bố dọc theo bờ biến từ Bắc vào Nam, chúng sống ở các vùng nước ven bờ, cửa sông, quanh các đảo, các rạn đá sản hô cho tới vùng biển sâu 70 – 80 m.

1.2. Hình thái ngoài

Thân hình thuôn dài, mình hơi dẹt. Mệng rộng, răng nhọn sắc và chắc. Lược mang sắc, dạ dày lớn, ruột ngắn. Trên cơ thể có nhiều chấm sắc tố, màu sắc thay đổi theo môi trường sống.          

Phân loại cá mú
Phân loại cá mú

1.3. Khả năng thích ứng với một số yếu tố môi trường

 Cá song là loài cá nước ấm sống ở tầng đáy. Ở giai đoạn cá giống hàng năm sau mùa đông cá thường sống ở vùng vịnh cửa sông. Cá trưởng thành bơi ra vùng biển sâu, nhiệt độ thích hợp 16 – 36 oC, sinh trưởng tốt nhất 22 – 28 oC.

Cá song thuộc loài cá rộng muối, phạm vi thích hợp từ 3 – 33‰ dưới 20‰ cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện độ mặn cao tốc độ sinh trưởng của cá chậm. Khả năng chịu đựng nhiệt độ tương đối tốt, nhiệt độ thấp dưới 15 oC cá song ngừng bắt mồi, nhiệt độ thấp nhất mà cá chịu đựng là 12 oC nếu hai ngày nhiệt độ dưới 12 oC cá sẽ chết.

Xem thêm: Kỹ thuật nuôi cá diêu hồng trong lồng

1.4. Tính ăn và sinh trưởng

Cá song thuộc loại động vật ăn thịt, trong giai đoạn ấu trùng chủ yếu ăn động vật phù du cỡ nhỏ nhơ ấu trùng hà, ấu trùng cầu gai, luân trùng, copepoda. Khi lớn chúng ăn động vật giáp xác, cá, nhuyễn thể bơi lội. Mồi của chúng thường là những động vật sống đáy như tôm, cua, cá, mực. Chúng bắt mồi suốt ngày, mạnh nhất vào lúc chạng vạng tối và rạng đông.

Tốc độ tăng trưởng khác nhau giữa các loài: tốc độ tăng trưởng của một vài loài cá mú nuôi ở nước ta sau 1 năm: cá mú son (Cephalopholis miniata) là 0,3- 0,4kg, cá mú đen chấm đen: 0,8kg, cá mú đen chấm nâu 0,8kg, cá mú ruồi: 1- 1,2kg, cá mú nghệ: 3- 4kg. 

2. Kỹ thuật chọn và thả giống cá Song (cá Mú)

 Chọn và thả giống là khâu kỹ thuật then chốt nhằm chọn được con giống có chất lượng tốt, tránh được ảnh hưởng của bệnh nên sinh trưởng và phát triển của cá. Từ đó, nâng cao được tỉ lệ sống, năng suất và sản lượng cá song nuôi lồng. 

Kỹ thuật chọn cá mú
Kỹ thuật chọn cá mú

2.1. Lựa chọn cá giống

2.1.1. Lựa chọn cá giống theo cảm quan

Thân hình thuân dài, cân đối. Màu sắc xanh lục, cơ thể giai đoạn cá giống có nhiều chấm màu sẫm trên lưng và lườn cá.

– Cá giống đồng đều về kích thước, hơn kém nhau không quá 2cm.

– Không dị hình dị tật.

– Không bị sây sát và không có dấu hiệu bệnh lý.

– Cá khỏe mạnh bơi quấn theo đàn trong bể, lồng lưu giữ giống. 

– Lấy mẫu: 

+ Dùng vợt vớt ngẫu nhiên 10 con trong quần đàn cá  đưa vào thau/thùng đựng mẫu có chứa 8 – 10 lít nước lấy trực tiếp từ trong bể/lồng lưu giữ mẫu. Quan sát và đánh giá các tiêu chí trên.

+ Cá khỏe, đủ tiêu chuẩn phải có đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Tỷ lệ đạt yêu cầu 100%.

2.1.2. Chọn theo kích cỡ cá thả

– Lấy mẫu: Dùng vợt vớt ngẫu nhiên 30 con trong bể/lồng lưu giữ cá. Vợt 3 – 4 lần ở các khu vực khác nhau đưa vào thau/thùng đựng mẫu có chứa 8 – 10 lít nước lấy trực tiếp từ trong bể/lồng lưu giữ mẫu.

– Đo khối lượng và chiều dài cá: Nhẹ nhàng bắt từng con đo chiều dài và đo khối lượng cá. Đo tối thiểu 30 con/mẫu. Ghi chép số liệu và tính chiều dài, khối lượng trung bình như sau:

+ Đo chiều dài trung bình: Đo lần lượt chiều dài của 30 con, cộng tổng chiều dài 30 con và chia cho 30, ta thu được chiều dài trung bình của 1 con. 

– Kích thước 10 – 12cm (đối với cỡ giống nhỏ), 15 – 20cm (đối với cỡ giống lớn).

2.2. Thuần hóa cá giống

Thuần hóa cá giống nhằm nâng cao tỉ lệ sống, tránh cá bị sốc do môi trường chủ yếu liên quan đến yếu tố nhiệt độ và độ mặn. Hình thức vận chuyển phổ biến hiện nay là vận chuyển kín bằng bao nilon chứa Oxy và vận chuyển hở bằng văng thông thủy hay thùng vận chuyển chuyên dụng.

2.2.1. Thuần hóa nhiệt độ

– Thuần hóa khi vận chuyển kín:

+ Chuyển túi chứa cá, ngâm trong lồng chuẩn bị nuôi khoảng 10-15 phút để cân bằng nhiệt độ trong túi với môi trường ngoài.

+ Mở miệng túi cho nước tràn  từ từ vào trong túi chứa cá.

+ Khi cân bằng môi trường, nghiêng túi cho cá bơi từ từ ra ngoài.

+ Chú ý: Không mở túi đổ ngay cá ra lồng.

– Thuần hóa khi vận chuyển hở bằng thùng:

+ Thay nước từ từ vào thùng vận chuyển.

+ Mỗi lần thay 10- 15% nước.

+ Định kỳ thay nước sau 5 – 7 phút/lần.

+ Sau 25- 30 phút khi cân bằng môi trường, chuyển cá sang lồng nuôi.

 2.2.2. Thuần hóa độ mặn

– Đo độ mặn nơi thả cá.

– Đề nghị cơ sở cung cấp giống nâng hoặc hạ độ mặn cho đến khi độ mặn nơi vận chuyển và nơi thả cá xác định được ±5‰ (lưu ý khi tăng hạ độ mặn trong ngày. Tăng không quá 5‰/ngày và giảm không quá 5‰/ngày)

– Thực hiện các thao tác thuần hóa như sau: Cá giống trong bể có sục khí. Dùng nước ngọt/mặn thuần hóa hoặc cho nước ngọt/mặn chảy từ từ vào bể thuần hóa một đầu, đầu kia cho nước mặn/ngọt chảy tràn ra ngoài. Thời gian khoảng 4- 5 ngày tùy thuộc vào mức độ trênh lệnh về độ mặn cần thuần hóa đạt đến.

2.3. Tắm phòng bệnh cho cá Song giống

2.3.1. Chuẩn bị dụng cụ

+ Bể bạt có kích thước Dài x Rộng x Cao: 1,5 – 1,8m x 1,0 – 1,2m x 0,8 – 1m.

+ Máy sục khí sách tay và hệ thống dây sục khí dài 2 – 3m có 04 – 06 quả khí, bình áp quy, vợt, xô chậu,…

2.3.2. Chuẩn bị thuốc và hóa chất

Thuốc, hóa chất có thể dùng 1 trong các loại sau:

+ Nước ngọt (không kèm theo hóa chất)

Xem thêm: Một số bệnh thường gặp trên cá diêu hồng và cách phòng trị

+ Formol: 150 – 200 ml/m3 nước biển

+ Thuốc tím (5 – 7gr/m3 nước biển).

 2.3.3. Pha thuốc, hóa chất

– Formol: 150 – 200 ml/m3 nước biển, hoặc.

– Thuốc tím (5- 7gr/m3 nước biển).

– Trường hợp sử dụng nước ngọt, lồng độ thuốc và thể tích nước cũng tương tự như nước biển.

2.3.4. Tắm cho cá

Cá có thể được tắm ngay khi cá mới chuyển đến nếu còn khỏe hoặc tắm sau 01 ngày nếu cá yếu.

– Thao tác chuẩn bị bể bạt tắm cá: Trước khi cá đến cần chuẩn bị bể bạt. Bể bạt được buộc vào phía trong của lưới lồng, sau đó đổ nước ngọt (nếu tắm bằng nước ngọt) hoặc nước biển tại lồng nuôi đến độ sâu 0,4 – 0,6m.  Lắp đặt hệ thống sục khí với số lượng tối thiều 4 – 6 quả và rải đều ở các vị trí. Pha hóa chất với liều lượng trên và tiến hành sục khí trong 05 phút cho hóa chất tan đều.

– Tắm trong thời gian 15 – 20 phút khi sử dụng hóa chất và 5 – 7 phút khi tắm với nước ngọt. – Tắm cho cá khi trời mát, sáng sớm hay chiều tối.               

2.4. Thả cá giống

2.4.1. Xác định thời điểm thả cá giống

 Thời điểm thả cá giống phải phù hợp với mùa vụ con giống và thời tiết khí hậu.  Mùa vụ thả cá song thường từ tháng 4 – 6 ở miền Bắc và quanh năm ở miền Nam.   

Cá song cá mú
Cá song cá mú

2.4.2. Xác định mật độ thả

Mật độ thả phụ thuộc vào kích cỡ và điều kiện nhiệt độ nuôi. Ở các vùng phía Bắc có nhiệt độ thấp có thể thả với mật độ 40 – 60 con/m3 lồng với cỡ cá 10 – 12 cm. Cỡ giống 100 – 150g/con, thả 20 – 30 con/m3. Ở những vùng có nhiệt độ cao hơn như miền Trung và miền Nam thường thả thưa hơn với mật độ 15 – 20 con/m3 lồng kích cỡ cá 10 – 12 cm.

 2.4.3. Thả giống

– Khi thả cá cần tuân thủ các thao tác sau: Ngâm túi cá trong lồng chuẩn bị nuôi khoảng 15 – 20 phút để cân bằng nhiệt độ trong túi với môi trường, sau đó mở miệng túi cho nước tràn vào từ từ, nghiêng túi cho cá bơi dần ra ngoài. Không mở túi đổ cá ngay ra lồng, cá sẽ bị sốc.

– Khi thả cá cần thao tác nhẹ nhàng, trường hợp cá yếu do vận chuyển, nên nhốt riêng cá trong thùng có sục khí cho đều đến khi cá hoạt động bình thường mới thả.

– Thả cá giống vào lúc trời mát, chọn cá cùng cỡ thả trong một lồng để tránh cạnh tranh mồi và ăn thịt lẫn nhau. Vào sáng sớm 6- 8h hoặc chiều muộn 16 – 17h.

2.5. Đánh giá cá Song giống sau khi thả

– Vớt những con cá chết ngay sau khi thả

– Thường xuyên quan sát cá giống sau khi thả, cá quện đàn chứng tỏ chất lượng tốt.

Xem thêm: Kỹ thuật nuôi cá diêu hồng trong lồng

– Vớt và ghi chép số lượng cá chết trong 7 ngày.

– Tỉ lệ chết quá 20%, cần thả bù cho đủ số lượng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *