Nội dung bài viết
Đặc tính thực vật học của cây sầu riêng
1. Rễ cây sầu riêng
Bộ rễ sầu riêng có thể đâm sâu 5-6m. Sự phân bó của bộ rễ phụ thuộc vào tính chất đất, mực nước ngầm nơi trồng, hình thức nhân giống như gieo hạt, chiết cành, ghép và kỹ thuật chăm sóc
2. Thân của cây sầu riêng
Là cây thân gỗ cao lớn, cây mọc từ hạt có thể cao tới 20-30m, tán lá thưa. Nếu trồng bằng hạt thì sau 7-8 năm cây cho quả (trái). Trồng bằng chiết hay ghép thì sau 3-4 năm sẽ cho quả. Cây trên 10 năm tuổi có thể cho 60-80 quả/năm.
3. Lá cây sầu riêng
– Lá đơn, mọc so le, phiến lá dày hình trứng thuôn dài, mặt dưới màu hơi ánh vàng
– Tán lá sầu riêng
+ Sau khi trồng lá và cành có xu hướng mọc đều ra các phía
+ Sau trồng 24 tháng, cây có thể cao 1,5m, tán lá của cây có dạng hình tháp
+ Sau trồng 36 tháng cây cao tới 3 mét, tán lá vẫn phát triển đều ra các phía. Cây càng lớn, các cành nằm ngang so với thân cây, tán lá vẫn có dạng hình tháp.
Xem thêm: Quản lý sâu bệnh hại trên cây cam Xoàn
4. Hoa và quả sầu riêng
4.1. Hoa
Hoa lưỡng tính mọc thành chùm, nụ hoa tròn. Chùm hoa chỉ mọc trên thân cây hoặc trên thân cành chứ không có hoa ở đầu cành. Một chùm có tới hàng trăm nụ hoa. Trong cùng một chùm, các nụ hoa khác nhau có thể nở hoa ở các ngày khác nhau. Hoa có 5 cánh màu kem hơi xanh. Nhị đực dài hơn cánh, chứa các bao phấn mọc xung quanh nhụy cái. Bầu hoa hình quả xoan có vòi dài, đó là vòi nhụy, đầu nhụy tròn gồm 5 mảnh, khi chín có nhựa dính.
Hoa nở từ 15 giờ chiều cho đến 6h sáng hôm sau. Bao phấn nứt từ 19 giờ tới 23 giờ đêm thì mới có thể thụ phấn tốt cho nhụy, nhưng lúc này nhụy đã tàn. Vì vậy hoa sầu riêng thường không tự thụ phấn được mà cần nhờ phấn của cây khác qua gió, côn trùng, dơi… Chính vậy, trên một chùm có rất nhiều hoa, nhưng tỉ lệ đậu quả rất thấp, trung bình chỉ có non nửa số hoa trong chùm thụ phấn được thành quả. Sau đó quả tiếp tục bị rụng.
4.2. Quả sầu riêng:
Sau khi hoa nở, quả được hình thành. Nếu thụ phấn không hoàn hảo thì nuốm nhụy bị héo và rụng sau hoa nở 4 ngày. Sau hoa nở 10 ngày đến 2 tuần, số lượng quả trên một chùm chỉ còn lại rát ít và sau đó vẫn tiếp tục rụng đi. Muốn có năng suất cao thường phải thụ phấn bổ sung. Vì khi được thụ phấn hoàn hảo, quả phát triển đều. Nếu thụ phấn không hoàn hảo thì quả bị rụng hoặc có đậu thì quả bị méo mó, chỗ méo không có cơm.
Xem thêm: Quản lý sâu bệnh hại trên cây cam Xoàn
Trong trường hợp quả đậu quá nhiều thì phải tỉa quả, chỉ để 3-4 quả trên một chùm. Một cây từ 10 tuổi trở lên, mỗi cây nên để 60-80 quả là vừa. Quả sầu riêng non thay đổi từ màu xanh nâu sang xanh vàng. Quả tăng trưởng nhanh từ tuần thứ 5. Quả tăng trưởng nhanh từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 13, sau đó chậm dần, đến tuần thứ 16 thì quả chín.
Khi quả chín thì nứt ra năm ngăn, mỗi ngăn có từ 1-3 múi. Bao quanh hạt là phần ăn được, mềm, màu vàng trắng, vàng, đỏ … (gọi là cùi hoặc cơm), có vị ngọt, béo và rất thơm (những người không quen thì mùi này lại là khó chịu). Tỉ lệ phần cơm ăn được chiếm khoảng 22- 30%.
Hạt (hột) sầu riêng: Hạt to màu nâu, dài 5cm, rộng 3-4 cm tùy theo giống và tình hình thụ phấn mà có hạt mẩy. Có những giống hột bị lép, chính vậy hột thì nhỏ mà cơm rất dày.
Cơm sầu riêng: Cơm có nhiều màu: Màu vàng xanh, màu vàng nhạt, màu vàng sậm, màu vàng cam, màu đỏ và các màu đỏ cũng đậm lợt khác nhau. Vỏ quả: Vỏ có nhiều gai cứng, hình chóp nhọn, có hình dạng và kích thước thay đổi tùy giống. Độ dài gai khoảng 1,3cm. Độ lớn của quả: Tùy theo giống khác nhau, quả sầu riêng có trọng lượng từ 1- 4kg, cá biệt có quả tới 8kg.