Kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm

Kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm – Chuẩn bị nguyên vật liệu, dụng cụ, lán trại

1. Lán trại trồng nấm rơm

1.1. Chọn địa điểm trồng nấm rơm

Địa điểm trồng nấm rơm cần đảm bảo các yêu cầu sau:

– Chọn nơi cao ráo, không bị đọng nước, ngập lụt;

– Có nguồn nước và không khí không bị ô nhiễm;

– Không đặt giữa vùng đất trống, nhiều gió;

Nấm rơm
Nấm rơm

– Chọn nơi có nhiều bóng cây xanh;

– Cách xa các nguồn gây bệnh như: cống rãnh, bãi rác thải, chuồng trại chăn nuôi, phế thải trồng nấm…;

– Cách xa các nơi có nhiều bụi bặm như nhà máy xay xát, nhà máy chế biến nông sản, nhà máy cưa xẻ gỗ…

1.2. Chuẩn bị nền đất, lán trại trồng nấm rơm

1.2.1. Chuẩn bị nền đất

Nền đất để trồng nấm rơm bao giờ cũng cao hơn khu vực xung quanh, nhất là vào mùa mưa. Xung quanh luống mô cần có rãnh thoát nước, đảm bảo cho mô nấm không bị ngập úng. Các bước chuẩn bị nền đất như sau:

– Bước 1: Cuốc sạch cỏ, xới đất, phơi ải 1-2 ngày.

– Bước 2: Xác định hướng làm luống trồng nấm: luống mô nấm nằm dọc theo hướng gió và hướng nắng để tránh ảnh hưởng làm khô mô nấm.

– Bước 3: Làm luống

Chuẩn bị nền đất trồng nấm
Chuẩn bị nền đất trồng nấm

+ Đắp luống theo kiểu mai rùa;

+ Độ cao luống 5 – 10cm;

+ Chiều rộng mặt luống 1 – 1,2m;

+ Chiều dài tùy theo diện tích đất, trung bình 5 – 6m;

+ Khoảng cách giữa các luống 0,5 – 0,8m.

– Bước 4: Nện chặt đất trên mặt luống bằng chân, giẫm giữa mặt luống giẫm ra, rồi giẫm hai bên bờ luống cho đất nén chặt vào mặt luống.

– Bước 5: Đào rãnh thoát nước giữa các luống bằng cuốc xẻng

+ Độ sâu đáy khoảng 15cm;

+ Chiều rộng đáy khoảng 10cm;

+ Chiều dài phụ thuộc vào chiều dài luống mô.

– Bước 6: Vét sạch đất dưới rãnh, đồng thời kéo hết đất thừa hai bên cho bờ luống thẳng hàng.

– Bước 7: Đào rãnh thoát nước xung quanh khu vực trồng nấm, đường rãnh thoát nước nối liền với các đường rãnh giữa các luống.

1.2.2. Chuẩn bị lán trại

– Lán trại trồng nấm rơm cần đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây:

+ Sạch sẽ và có ánh sáng khuếch tán (tránh ánh nắng trực tiếp);

+ Phải giữ ẩm, giữ ấm, không khí lưu thông tốt;

+ Gần nguồn nước tưới và có đường dẫn thoát nước tốt;

+ Có hệ thống cửa để điều chỉnh độ thông thoáng khi cần thiết;

Xem thêm: Đặc điểm sinh học của nấm rơm

+ Bên trong phòng bố trí các giàn kệ bằng gỗ hoặc sắt gồm nhiều tầng (nếu trồng nấm rơm theo phương pháp mô gối);

 – Lán trại có thể xây cố định hoặc bán kiên cố. Kích thước lán trại như sau:

+ Chiều dài trung bình khoảng 6m;

+ Chiều rộng trung bình khoảng 2m (nhà chữ A) hoặc khoảng 3m (nhà vòm);

+ Chiều cao tối đa khoảng 3m;

+ Có cửa để điều chỉnh độ thông thoáng và ánh sáng.

– Lán trại có thể thiết kế theo kiểu nhà vòm hoặc hình chữ A

– Lán trại có thể làm bằng tre nứa hoặc làm bằng tranh, xung quanh kéo lưới đen. Lán trại làm bằng tre nứa. Lán trại làm bằng tranh và lưới đen.

1.3. Khử trùng, vệ sinh nền đất, lán trại

1.3.1. Chuẩn bị vôi sống

– Vôi sống ở trạng thái bình thường là chất rắn tinh thể, màu trắng, có tính kiềm, có tính sát trùng mạnh.

– Yêu cầu vôi sống có hàm lượng CaO > 60%.

Kỹ thuật chăm sóc và trồng nấm rơm
Kỹ thuật chăm sóc và trồng nấm rơm

1.3.2. Cách tiến hành khử trùng

* Khử trùng nền đất, lán trại bằng vôi sống

– Bước 1: Mang bảo hộ lao động: khẩu trang, quần áo bảo hộ.

– Bước 2: Vệ sinh nền đất lán trại: dùng chổi, cào sắt, xẻng thu dọn sạch sẽ các vật dụng, rác thải, bụi rậm trong và xung quanh lán trại hoặc xới nền đất.

– Bước 3: Rải trực tiếp vôi sống xuống nền đất hoặc nền lán trại và xung quanh tường, các giàn kệ trong lán trại.

* Chú ý: Đợi khoảng 2 – 3 ngày sau khi khử trùng mới tiến hành vào làm việc.

* Khử trùng nền đất, lán trại bằng nước vôi

– Bước 1: Mang bảo bộ lao động

– Bước 2: Pha nước vôi

+ Cân 4 – 5kg vôi sống vào trong thau nhựa.

+ Cho nước sạch vào và khuấy tan đều vôi.

Xem thêm: Kỹ thuật trồng dưa hấu

+ Thêm nước vào thùng pha dung dịch nước vôi đến vạch đo 100 lít và khuấy dung dịch nước vôi hòa đều.

– Bước 3: Vệ sinh sạch sẽ nền đất hoặc lán trại bằng chổi, dao rựa, cào sắt…

– Bước 4: Chuyển nước vôi vào các bình tưới, sau đó tưới đều nước vôi xuống nền đất hoặc nền lán trại.

* Chú ý: Đợi khô nền đất mới tiến hành vào làm việc.

2. Chuẩn bị dụng cụ trồng nấm rơm

2.1. Dụng cụ đo sử dụng trong trồng nấm rơm

2.1.1. Giấy đo pH

Dùng để đo pH: nước vôi để xử lý nguyên liệu và nguồn nước sử dụng trong quá trình tưới nấm.

2.1.2. Nhiệt kế

Dùng để đo nhiệt độ: môi trường nhà trồng nấm rơm, đống ủ nguyên liệu hoặc mô nấm rơm khi trồng.

Cách sử dụng:

– Đặt cố định nhiệt kế vào một vị trí của vật cần đo nhiệt độ;

– Đợi trong thời gian vài phút;

– Đọc kết quả nhiệt độ của vật cần đo trên vạch đỏ ở giữa thân nhiệt kế. Cách sử dụng:

– Nhúng mảnh giấy quỳ vào dung dịch môi trường cần đo;

– Đối chiếu với các vạch màu chuẩn trên hộp và đọc kết quả pH môi trường tương ứng với mỗi vạch màu;

– Điều chỉnh pH môi trường theo yêu cầu.

2.1.3. Ẩm kế

Dùng để kiểm tra độ ẩm nguyên liệu hoặc theo dõi ẩm độ của môi trường trồng nấm rơm.

Cách sử dụng:

– Cắm đầu đo của ẩm kể vào khối nguyên liệu cần đo;

– Giữ cố định và quan sát màn hình hiển thị độ ẩm của nguyên liệu đo;

– Đọc kết quả độ ẩm của khối nguyên liệu khi màn hình ổn định một con số độ ẩm duy nhất.

2.1.4. Cân đồng hồ

Dùng để cân nguyên liệu, hoá chất sử dụng trong trồng nấm.

Cách sử dụng cân:

– Đặt cân ở vị trí bằng phẳng, điều chỉnh cân để kim chỉ vị trí 0.

– Đặt dụng cụ đựng nguyên liệu hóa chất cần cân lên bàn cân.

– Trừ bì khối lượng dụng cụ đựng nguyên liệu.

– Cho nguyên liệu, hóa chất cần cân vào dụng cụ đến khối lượng yêu cầu.

2.2. Dụng cụ dùng để xử lý nguyên liệu và trồng nấm rơm

2.2.1. Bể xử lý nguyên liệu

– Dùng để hoà nước vôi dùng cho xử lý nguyên liệu làm giá thể trồng nấm.

– Yêu cầu:

+ Kích thước: Tùy theo quy mô sản xuất để thiết kế bể xử lý lớn hay nhỏ. Thường bể có kích thước: rộng 2m, dài 2m, cao 0,5m.

+ Bể có thể được xây cố định bằng ximăng, gạch hoặc bằng thùng tôn, một số cơ sở nuôi trồng có thể đào hố đất sau đó dùng bạt để giữ nước.

2.2.2. Bình tưới

Trong quá trình trồng nấm rơm thường sử dụng 2 loại bình tưới sau:

– Bình tưới có vòi phun sương: Dùng để tưới nước nấm trong quá trình trồng nấm rơm.

– Bình tưới có vòi sen: Dùng để chứa nước vôi bổ sung trong quá trình xử lý nguyên liệu.

2.2.3. Kệ kê đống ủ (pallet)

– Dùng để chất nguyên liệu sau khi đã làm ướt bằng nước vôi giúp nguyên liệu thoát nước tốt và tạo độ thông thoáng cho đống ủ.

2.2.4. Khuôn đóng mô nấm

– Dùng để đóng mô nấm trong quá trình trồng nấm rơm.

– Yêu cầu:

+ Khuôn được làm bằng gỗ hay bằng tôn;

Chuẩn bị dụng cụ trồng nấm rơm
Chuẩn bị dụng cụ trồng nấm rơm

+ Khuôn có cấu tạo hình thang hoặc hình chữ nhật, mặt trong phẳng, 2 mặt trên dưới có hình chữ nhật, mặt trên nhỏ hơn nhỏ hơn mặt dưới, hai đầu có đóng tay cầm để dễ dàng nhấc lên đặt xuống.

– Có 2 loại khuôn để đóng mô nấm:

* Khuôn lớn: dùng để làm mô khối, khuôn có kích thước như sau:

– Đáy trên: chiều rộng 0,3m, chiều dài 1,1m

– Đáy dưới: chiều rộng 0,4m, chiều dài 1,2m

– Chiều cao 0,4m

* Khuôn nhỏ: dùng để làm mô gói, khuôn có kích thước như sau:

– Chiều dài 35cm

– Chiều rộng 25cm

Xem thêm: Đặc điểm sinh học của cây dưa hấu

– Chiều cao 15cm

2.2.5. Các dụng cụ khác

– Tấm nilon sạch, không thủng, có kích thước 0,5 x 0,5m dùng để gói mô nấm khi trồng trên mô gói.

– Cào sắt, xẻng để đảo, trộn, tơi nguyên liệu

– Cọc tre hoặc gỗ… làm cọc thông khí cho đống ủ nguyên liệu

– Bạt che, dây nhựa dùng để che đậy và cố định đống ủ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *