Kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm trên rơm rạ

Kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm-  trồng nấm rơm trên rơm rạ

1. Quy trình trồng nấm rơm trên rơm

Quy trình trồng nấm rơm trên rơm được thể hiện sơ đồ

 

2. Cách tiến hành

2.1. Chọn nguyên liệu rơm

– Chọn rơm khô, sạch, có màu vàng sáng;

– Rơm không bị nhiễm mốc, không bị thấm nước mưa nhiều ngày, nhũn nát; không bị dính dầu mỡ, hoá chất, thuốc trừ sâu; Tốt nhất sử dụng rơm nếp, rơm trữ sau một mùa.

2.2. Xử lý rơm

 * Bước 1: Pha nước vôi: Nước vôi dùng để xử lý rơm có pH khoảng 12 – 13.

– Mang bảo hộ lao động.

– Cân vôi tôi hoặc vôi sống cho vào trong thau sạch, lượng vôi phụ thuộc vào lượng rơm xử lý.

– Dùng que khuấy cho vôi hoà tan hoàn toàn trong nước.

– Đổ nước vôi vào bể ngâm rơm và thêm nước sạch vào bể ngâm, dùng que khuấy đều dung dịch nước vôi cho hòa tan hoàn toàn.

– Kiểm tra pH nước vôi bằng giấy đo pH theo phương pháp sau:

+ Nhúng mẫu giấy quỳ vào dung dịch nước vôi.

Chuẩn bị dụng cụ trồng nấm rơm
Chuẩn bị rơm rạ trồng nấm rơm

+ Đối chiếu màu giấy quỳ trên bảng so màu và đọc kết quả pH của nước vôi  

+ Điều chỉnh nước vôi đúng pH yêu cầu

Chú ý khi pha nước vôi:

– Pha đúng pH nước vôi

– Tuỳ theo lượng rơm, thể tích bể ngâm để hoà nước vôi tránh lãng phí.

– Nếu sử dụng vôi sống để pha vôi tôi: phải cẩn thận để tránh bị bỏng do nước vôi bắn lên người, không nhìn trực tiếp vào thùng nước vôi khi ta đổ vôi sống vào thùng hơi nước vôi bay lên gây hại cho mắt.

* Bước 2: Làm ướt rơm bằng nước vôi

– Mang bảo hộ lao động.

– Cân lượng rơm tối thiểu cho 1 lần xử lý là 300kg.

– Dùng cào sắt hoặc tay cho từng bó rơm vào bể nước vôi.

Xem thêm: Kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm

– Nhấn ngập rơm trong nước vôi, thời gian 10 – 15 phút để rơm ngấm đủ nước.

– Vớt rơm đặt trên vỉ tre để rơm róc bớt nước trong thời gian 3 – 5phút.

– Kiểm tra rơm trước khi ủ đống:

+ Độ ẩm của rơm: yêu cầu phải đạt 70 – 75%, kiểm tra bằng cách nắm một lượng rơm trên tay, dùng 2 tay vắt thật mạnh nếu nước chảy thành dòng đứt quãng là đạt yêu cầu;

+ Màu sắc: rơm có màu vàng sáng;

+ Mùi thơm: rơm có mùi thơm nồng của vôi.

* Bước 3: Ủ đống rơm lần 1

– Đặt kệ lót đống ủ nơi sạch sẽ, khô ráo và đặt cọc thông khí vào giữa kệ ủ.

– Cho từng nắm rơm rạ đã làm ướt lên kệ, xếp các góc trước và nén chặt.

– Dẫm đạp đống ủ khi độ dày lớp rơm rạ trên kệ khoảng 15 – 20cm và tạo khối đống ủ rơm vuông, cân đối.

– Thu nhọn dần phần trên đống ủ cho đến hết lượng rơm cần xử lý.

* Chú ý: Một đống ủ chỉ nên cao 1,5m. Trường hợp xử lý lượng rơm lớn nên kéo dài đống ủ và đặt nhiều cọc thông khí, cách 1,5m rơm đống ủ tiến hành đặt 1 cọc thông khí.

– Phủ bạt nilon kín quanh đống ủ để hở phần chân đống ủ và phần mặt quanh cọc thông khí, dùng dây nhựa buộc chặt xung quanh đống ủ.

* Chú ý khi ủ đống:

– Ghi lại ngày giờ khi hoàn tất đống ủ và bắt đầu tính thời gian ủ đống.

– Đống ủ phải cân đối, không nghiêng đổ, đầu đống ủ nên thu nhọn và đảm bảo kích thước tối thiểu cho một đống ủ theo yêu cầu.

 – Có thể bổ sung thêm hoá chất: bột nhẹ, phân vô cơ (urê, DAP, sunphat magie..) nếu chất lượng rơm không tốt.

* Bước 4: Đảo và ủ đống rơm lần 2: Sau khi ủ đống lần 1 khoảng 3 – 4 ngày, tiến hành đảo đống ủ và ủ lần 2:

– Mang bảo hộ lao động.

– Trải bạt nilon ra vị trí chuẩn bị đảo đống rơm rạ.

Quy trình trồng nấm rơm
Quy trình trồng nấm rơm

– Tháo dây nhựa, bạt ra khỏi đống ủ.

– Kiểm tra nhiệt độ trong đống ủ: dùng nhiệt kế đo các vị trí khác nhau trên đống ủ, ghi lại và sau đó lấy kết quả trung bình.

– Tơi đống ủ bằng cào sắt và chia thành 2 phần:

+ Phần vỏ: gồm lớp rơm rạ phần đáy, trên bề mặt và xung quanh đống ủ

+ Phần ruột: gồm lớp rơm rạ ở giữa đống ủ.

Xem thêm: Đặc điểm sinh học của cây dưa hấu

– Để nguội rơm và kiểm tra độ ẩm rơm, tương tự phương pháp kiểm tra độ ẩm rơm trước khi ủ đống. Nắm một lượng rơm trên tay và dùng 2 tay vắt mạnh:

+ Nếu nước chảy ra từng giọt đứt quãng thì độ ẩm rơm đạt yêu cầu.

+ Nếu vắt mạnh rơm thấy nước chảy thành dòng liên tục thì độ ẩm quá cao cần tơi rộng ra để thoát bớt hơi nước ra.

+ Nếu vắt mạnh nắm rơm không có nước chảy ra độ ẩm nguyên liệu quá thấp cần bổ sung thêm nước vôi, nước vôi bổ sung có pH 8 – 9.

– Ủ đống rơm lần 2 tương tự đống ủ lần 1, cần chú ý: phần vỏ đưa vào trong, phần ruột chuyển ra ngoài đống ủ.

– Tủ bạt nilon, buộc dây và ghi lại ngày giờ hoàn tất công việc ủ đống tương tự tiến hành đống ủ lần 1.

* Bước 5: Làm tơi rơm: Sau khi ủ đống lần 2 khoảng 3 – 4 ngày, tiến hành tơi rơm, để nguội:

– Dùng cào sắt hoặc tay tơi rơm từ đống ủ để giảm nhiệt khoảng < 35 oC.

– Kiểm tra độ ẩm rơm trước khi đóng mô, cấy giống, đảm bảo từ 70 – 75%.

2.3. Đóng mô và cấy giống nấm rơm

2.3.1. Chọn và tơi giống nấm rơm

a. Chọn giống nấm rơm

Giống nấm rơm đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây:

– Giống phải đúng độ tuổi, hệ sợi nấm mọc lan kín đến đáy túi;

– Bề mặt túi giống xuất hiện các bào tử lấm tấm, màu trắng hồng hoặc chuyển sang màu hồng thịt;

Đóng mô nấm rơm
Đóng mô nấm rơm

– Không nhiễm nấm mốc như có đốm màu xanh, đen, cam;

– Có mùi thơm đặc trưng, không có mùi chua. Giống nấm rơm có thể làm trên 2 loại cơ chất khác nhau:

b. Tơi giống nấm rơm

– Khử trùng tay và dụng cụ chứa giống (thau nhựa) bằng cồn.

– Xé miệng túi nilon bên ngoài và bẻ đôi khối giống bằng tay.

– Tơi rời các hạt giống, tránh vò nát giống .

2.3.2. Xếp mô và cấy giống

a. Xếp mô và cấy giống theo kiểu mô luống

Phương pháp này có thể trồng ngoài trời như: đồng ruộng hoặc trong vườn nhà do vậy phụ thuộc rất nhiều điều kiện thời tiết đòi hỏi chúng ta phải cần có những kinh nghiệm nhất định. Cách tiến hành:

– Kiểm tra vị trí đặt mô nấm: nền đất yêu cầu phải sạch, đã được khử trùng và không bị ngập nước, có hệ thống thoát nước tốt.

– Xác định hướng gió, hướng nắng và điều kiện thời tiết để bố trí xếp mô hợp lý:

+ Chọn hướng sao cho các bề mặt mô nấm rơm ít bị ảnh hưởng của gió lùa nhất nhằm hạn chế mất nước mô nấm.

+ Chọn hướng bố trí mô nấm sao cho tất cả các mặt mô nấm đều nhận được ánh sáng để sởi ấm đều cho các mô nấm.

– Bó rơm thành từng bó có đường kính khoảng 10 – 15cm, chiều dài bó rơm có kích thước 40 – 50cm.

– Xếp các bó rơm thành luống, xếp sát vào nhau thành dãy và cắt gọn hai đầu.

– Cấy giống theo xung quanh bìa luống, cách bìa luống 5 – 10cm và các điểm giống cách nhau 15cm.

Tiếp tục xếp các lớp rơm tiếp theo tương tự lớp thứ nhất và tiến hành cấy giống tương tự sao cho một luống nấm đủ 5 lớp rơm và 4 lớp giống, riêng lớp thứ tư cấy đều meo giống ở giữa luống và dọc theo suốt chiều dài của luống.

 – Xếp lớp rơm cuối cùng phủ lên lớp meo giống, làm nóc luống mô nấm và xuôi chiều với chiều dài luống.

* Chú ý khi xếp mô, cấy giống:

– Vào mùa lạnh nên tăng thêm chiều ngang của mô đến khoảng 80cm hoặc thêm chiều cao.

– Vào mùa nắng nóng nên xếp mô có chiều cao vừa phải để tránh nhiệt độ tăng cao trong mô.

– Đốt áo mô nấm

+ Phơi khô bề mặt một hoặc hai nắng.

+ Phủ lên toàn bộ mô nấm một lớp rơm vụn, khô dày 2 – 3cm.

+ Đốt cháy hết lớp áo mô, lửa cháy qua, dùng nước dập ngay.

+ Quét tro than tấp vào hai bên thành mô.

+ Tưới nước phun sương lên hai bên bờ mô cho tro rơm thấm vào mô nấm.

* Chú ý khi đốt áo mô:

– Phải chuẩn bị nước tưới sau khi đốt xong để tránh cháy lan hoặc ngún lửa cháy ngầm, ảnh hưởng đến meo giống bên trong.

– Thời gian đốt áo mô khoảng 3 – 5 giờ chiều cho sợi nấm không bị khô nóng bởi ánh nắng.

* Chú ý : Vào mùa mưa hoặc trời lạnh, nên che thêm miếng vải nhựa (nilon) có đục lỗ chạy suốt chiều dài mô trước khi đậy áo mô thật nhằm bảo đảm giữ nhiệt và giữ ẩm cho toàn bộ các mô nấm.

– Làm áo mô

+ Làm áo mô sau khoảng 5 – 6 giờ (nếu đốt áo mô) hoặc sau 3 – 5 ngày (nếu không đốt áo mô).

+ Dùng tay vốc rơm khô, không bị mốc hoặc mục nát trải đều lên các mô nấm, cho đến khi lớp áo mô có độ dày đồng đều 7 – 10cm.

b. Xếp mô và cấy giống theo kiểu mô khối

Phương pháp này có thể làm ngoài trời hoặc trong nhà. Cách tiến hành:

– Kiểm tra vị trí đặt mô nấm, xác định hướng gió, hướng nắng và điều kiện thời tiết (nếu trồng ngoài trời) để bố trí xếp mô hợp lý.

– Đặt khuôn lớn vào nền đất theo hướng đã chọn sao cho tiết kiệm diện tích và thuận tiện trong thao tác.

– Dùng tay xốc một nắm rơm và cuộn tròn 2 đầu, sao cho cuộn rơm có chiều dài bằng chiều ngang đáy lớn khuôn mô, độ dày của cuộn rơm từ 7 – 10cm

– Đặt các cuộn rơm vào sát thành ngang của khuôn cho kín hết chiều dài đáy dưới của khuôn và dùng tay nén chặt lớp rơm, tạo bề mặt lớp rơm phẳng.

– Cấy một đường giống nấm xung quanh mép khuôn, cách mép khuôn 3 – 5cm.

– Tiếp tục xếp lớp rơm và cấy đường giống tiếp theo tương tự lớp thứ nhất sao cho đủ 4 lớp giống riêng lớp thứ 4 giống được rải đều trên bề mặt mô.

Xem thêm: Đặc điểm sinh học của nấm rơm

– Rải lớp rơm bề mặt dày 3 – 4 cm lên trên cùng, ép nhẹ cho phẳng. Chú ý: nên dùng rơm có độ ẩm cao hơn vì dễ mất nước làm khô bề mặt mô

– Hai người nhấc khuôn ra khỏi mô rơm bằng cách 1 tay nén mạnh đầu mô nấm, một ta nhấc khuôn ra khỏi mô.

* Chú ý: Mô nấm rơm hoàn thiện phải đủ 4 lớp giống, 5 lớp rơm, mô vuông cân đối, không bị nghiêng đổ.

– Sau khoảng 5 – 6 giờ (nếu đốt áo mô) hoặc sau 3 – 5 ngày (nếu không đốt áo mô) tiến hành rải một lớp rơm khô, không bị mốc đều trên bề mặt và xung quanh mô, độ dày lớp rơm 7 – 10cm.

* Chú ý: Vào mùa mưa hoặc trời lạnh nên che thêm tấm vải nhựa (nilon) có đục lỗ chạy suốt chiều dài mô trước khi đậy áo mô nhằm bảo đảm giữ nhiệt và giữ ẩm cho toàn bộ các mô nấm.

c. Đóng gói và cấy giống theo kiểu mô gói

Phương pháp này áp dụng trồng nấm rơm trong nhà.

Cách tiến hành:

– Chọn vị trí sạch sẽ ít gió để ngồi đóng gói.

– Trải tấm nilon có kích thước: 0,5 x 0,5m vào vị trí sạch sẽ.

– Đặt khuôn lên chính giữa tấm nilon.

– Cho rơm vào khuôn và nén chặt khoảng 1/2 khuôn.

– Cấy đường giống nấm xung quanh khuôn, cách thành khuôn 3 – 5cm, các điểm giống cấy cách nhau khoảng 2cm.

– Cho tiếp lớp rơm trên lớp giống và nén chặt đến khi đầy khuôn.

– Nhấc khuôn ra khỏi mô nấm bằng 1 tay, tay kia nén chặt gói mô nấm, tránh làm trầy xước và vỡ gói mô nấm.

– Kéo tấm nilon để gói chặt gói mô nấm.

– Dùng dây nilon buộc gói mô nấm.

– Chuyển các mô gói nấm và xếp vào nhà nuôi sợi.

– Phủ kín khối mô nấm bằng bạt nilon để giữ nhiệt.

2.4. Nuôi sợi

2.4.1. Kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô nấm

* Kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô luống và mô khối:

– Sau 3 – 4 ngày cấy giống, dùng nhiệt kế cắm sâu vào mô nấm khoảng 10 – 15cm, giữ yên khoảng 3 – 5 phút, rút nhiệt kế ra và đọc kết quả ngay.

+ Nếu nhiệt độ trong mô nấm đạt từ 35 – 42 oC là đạt yêu cầu, tốt nhất nếu nhiệt độ mô nấm đạt từ 38 – 40 oC.

+ Nếu nhiệt độ mô nấm dưới 35 oC cần phải đậy thêm áo mô hoặc dùng bạt nilon cắt lỗ tạo độ thoáng trùm lên toàn bộ các mô nấm để tăng nhiệt.

+ Nếu nhiệt độ mô nấm trên 45 oC cần phải tháo bỏ lớp áo mô để giảm nhiệt độ trong mô nấm.

– Duy trì chế độ nhiệt trên ổn định trong vòng 5 – 7 ngày để hệ sợi nấm phát triển tốt nhất và sau đó hạ dần nhiệt độ thích hợp cho giai đoạn đón quả thể.

* Kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ mô gói:

 – Đối với mô gói, kiểm tra nhiệt bên ngoài và bên trong khối mô tương tự như phương pháp mô luống hay mô khối.

– Ngoài ra, trong thời gian nuôi sợi cần phải đảo vị trí các gói mô để tất cả các gói mô tiếp nhận nhiệt đồng đều nhau.

– Sau 2 – 3 ngày, kể từ ngày xếp vào nhà nuôi sợi, tiến hành đảo các gói mô ở trong ra ngoài và các gói ở ngoài chuyển vào trong.

2.4.2. Kiểm tra, điều chỉnh độ ẩm mô nấm

 Kiểm tra độ ẩm mô nấm bằng cách rút một nắm rơm ở giữa mô nấm, dùng 2 tay vắt mạnh nếu:

– Không có nước chảy ra ở các kẻ ngón tay và vân tay là thiếu nước, cần bổ sung thêm nước cho mô nấm.

 – Có nước chảy ra ở các kẻ ngón tay là dư nước, cần tháo bỏ áo mô để thoát bớt nước trong mô nấm.

– Nước chỉ đủ làm ướt vân tay là độ ẩm mô nấm đạt yêu cầu.

2.5. Chăm sóc và thu hái nấm rơm

Đối với các luống mô nấm hoặc mô khối, sau thời gian nuôi sợi khoảng 7 – 10 ngày là đến giai đoạn chăm sóc và thu hái quả thể nấm. Đối với các gói mô nấm sau thời gian nuôi sợi khoảng 7 – 8 ngày, cần tháo bỏ dây buộc, giấy nilon và nhẹ nhàng chuyển các khối mô nấm đã ăn sợi lên giàn kệ trong nhà trồng và tiến hành chăm sóc và thu hái.

2.5.1. Kiểm tra, điều chỉnh các điều kiện ảnh hưởng đến sự phát triển quả thể

* Kiểm tra sự sinh trưởng hệ sợi nấm:

– Sau thời gian nuôi sợi khoảng 7 – 9 ngày, hệ sợi nấm đan bện với nhau tạo thành từng mảng trắng, chuẩn bị hình thành quả thể.

– Quả thể dạng đinh ghim sẽ xuất hiện vào khoảng ngày thứ 9 hoặc thứ 10, sau 2 – 3 ngày quả thể lớn rất nhanh.

Thu hái nấm rơm
Thu hái nấm rơm

* Kiểm tra nhiệt độ:

Giai đoạn hình thành quả thể cần giảm nhiệt độ trong mô nấm xuống khoảng 32 – 35 oC, bằng các phương pháp:

– Tháo bỏ lớp áo mô khoảng 30 – 60 phút/1 lần, 2 lần/ ngày.

– Hoặc tăng dần độ thông thoáng nhà trồng.

– Hoặc xả nước nền dưới chân mô nấm.

* Kiểm tra độ ẩm:

Sau giai đoạn nuôi sợi khoảng 7 – 9 ngày, trên bề mặt mô nấm rơm thường khô do mất nước cần phải bổ sung thêm nước bằng cách tưới phun nước nhẹ dạng sương mù trực tiếp xung quanh bề mặt mô nấm. Lượng nước tưới như sau:

– Nếu trời nắng nóng phun 2 – 3 lần/ngày và tưới đến khi tất cả các mặt mô rơm đều có màu sẫm;

– Nếu trời mát, dịu có thể phun 1 – 2 lần/ngày và giảm lượng nước tưới;

– Khi nấm ra mật độ dày và lớn dần, cần tăng số lần tưới khoảng 3 – 4 lần/ngày.

 Chú ý khi tưới nước:

– Tưới cao và ngửa vòi nếu tưới mạnh dễ làm sợi nấm rơm tổn thương;

– Không nên tưới đẫm mô nấm 1 lần thay cho nhiều lần tưới trong ngày sẽ dễ làm nấm bị thối chân và chết non.

* Kiểm tra ánh sáng:

Cần tăng dần độ chiếu sáng theo sự phát triển của quả thể nấm và màu sắc quả thể nấm.

Xem thêm: Kỹ thuật trồng dưa hấu

Chú ý khi điều chỉnh ánh sáng:

– Màu sắc quả thể nấm rơm phụ thuộc rất lớn vào cường độ chiếu sáng: quả thể nấm có màu trắng và chuyển dần sang màu đen khi có ánh sáng và ngược lại.

– Ánh sáng chiếu là ánh sáng khuếch tán.

* Độ thông thoáng:

Tăng độ thông thoáng cho nấm, bởi vì đây là thời điểm nấm rơm cần lượng oxi nhiều nhất cho sự hô hấp.

2.5.2. Kiểm tra và xử lý các mô nấm bị nhiễm bệnh

* Kiểm tra côn trùng gây hại nấm:

– Mô nấm rơm có các miệng hang nhỏ đường kính 0,2 – 0,3cm trở lên, có kiến bò hoặc có mối là đã bị côn trùng gây hại.

– Cách xử lý: thực hiện đánh bẫy hoặc rắc hóa chất để xua đuổi chúng.

* Kiểm tra sự phát triển của tơ nấm:

– Tơ nấm có màu trắng sáng óng ánh, phủ kín bề mặt mô nấm là phát triển bình thường.

– Nếu tơ nấm có màu sắc xanh, vàng hoặc đen theo từng đám nhỏ là đã bị nhiễm.

– Cách xử lý:

+ Lấy hết các phần giá thể bị nhiễm cho vào giỏ, vận chuyển đến khu vực xử lý phế thải.

+ Rắc vôi bột lên các chỗ giá thể vừa cách ly.

+ Nếu mô nấm bị nhiễm nặng, khoảng 1/2 bề mặt mô thì dở bỏ mô nấm và vận chuyển ngay đến khu vực xử lý phế thải.

+ Hoà nước vôi đặc tưới lên vị trí của mô bị bệnh để tránh sự lây lan sang các mô nấm kế bên.

2.5.3. Thu hái nấm rơm

* Yêu cầu:

– Hái nấm đúng tuổi: nấm rơm đang giai đoạn hình trứng, nấm chưa bị nứt bao là tốt nhất;

– Khi thu hái, chọn những quả thể nấm lớn hái trước;

– Thu hái nấm rơm phải nhẹ tay tránh làm long gốc nấm.

 * Cách tiến hành:

– Chuẩn bị thau, rổ nhựa chứa nấm.

– Quan sát và xác định quả thể nấm cần thu hái.

– Một tay giữ gốc nấm, một tay hái quả thể nấm rơm ra khỏi mô nấm nhẹ nhàng và cho vào vật dụng chứa.

 – Phân loại, làm sạch nấm sau thu hái.

– Cho nấm vào thùng xốp đưa đến nơi tiêu thụ.

– Vệ sinh gốc nấm còn sót lại trên mô nấm sau khi thu hái.

 * Lưu ý: Sau khi thu hái nấm rơm vẫn còn khả năng phát triển, do vậy cần tiêu thụ nấm rơm trong thời gian ngắn nhất trong vòng 5 – 6 giờ để hạn chế nấm nở ô, giảm chất lượng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *