Nội dung bài viết
- Phòng trừ cỏ dại trong vườn sầu riêng, măng cụt
- 1. Để xác định loại cỏ dại trong vườn sầu riêng, măng cụt
- 2. Một số loại cỏ thường gây hại trong vườn sầu riêng, măng cụt:
- 3. Căn cứ thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây và đặc điểm thời tiết khí hậu để tính toán thời điểm làm cỏ thích hợp.
- 4. Biện pháp phòng trừ cỏ dại trong vườn sầu riêng, măng cụt
Phòng trừ cỏ dại trong vườn sầu riêng, măng cụt
Cỏ dại là một đối tượng gây hại phổ biến và tương đối quan trọng trong vườn trồng sầu riêng, măng cụt. Cỏ khi phát triển mạnh sẽ cạnh tranh về dinh dưỡng và là cây trung gian, chỗ ẩn nấp của mầm mống sâu bệnh hại. Cỏ thích ứng mạnh, phát triển nhanh khó để diệt trừ tận gốc. Nên điều quan trọng khi phòng trừ cỏ là xác định đúng đối tượng và áp dụng đúng biện pháp phòng trừ.
1. Để xác định loại cỏ dại trong vườn sầu riêng, măng cụt
– Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, quan sát đối chiếu dựa vào đặc điểm sinh học đặc trưng để phát hiện loại cỏ gây hại chính cần phòng trừ.
2. Một số loại cỏ thường gây hại trong vườn sầu riêng, măng cụt:
– Cỏ chỉ: nằm trong nhóm cỏ đa niên có căn hành và chồi dài, thân mảnh, phiến lá hẹp và mép lá hơi nhám. Phát hoa có 3-7 gié hoa xuất phát từ một điểm.
– Cỏ tranh: Cỏ nhóm đa niên. Thân đứng và có lông ở mắt. Phiến lá màu xanh, mép có lông. Bông đứng và có nhiều lông tơ trắng. Hạt nhỏ có nhiều lông nhỏ và dài. Cỏ sinh bằng thân ngầm và hạt.
– Cỏ cú: Cỏ đa niên. Thân mọc đơn độc từ căn hành dưới mặt đất. Thân thẳng, láng, có ba cạnh và không phân nhánh. Lá hẹp, ngắn hơn thân. Phát hoa nhỏ và có nhiều gié.
– Cỏ lạc hoa vàng (lạc dại): Thuộc nhóm cây họ đậu. Mọc trong đất tạo thành thảm dày 20-30 cm. Thân dạng bụi, đứng. Lá dạng hình bầu dục dài và nhẵn. Hoa màu vàng nằm trên thân. Quả được hình thành trong đất.
– Rau trai (thài lài) Thân dạng bò hoặc đứng, phân cành và không có lông. Lá thẳng, thon dài và có lông ở bìa. Hoa có cuống dài và rìa lá bắc không đều.
3. Căn cứ thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây và đặc điểm thời tiết khí hậu để tính toán thời điểm làm cỏ thích hợp.
– Căn cứ thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây:
+ Ở giai đoạn cây con: Cây trồng còn nhỏ thân tán chưa phát triển rộng, nên cỏ dại và cây leo phát triển rất mạnh cạnh tranh lớn về ánh sáng, nước và dinh dưỡng của cây, cản trở sự phát triển của cây. Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ các loại cỏ vào giai đoạn này.
+ Giai đoạn cây trưởng thành và cho trái: Cây lúc này đã đạt độ cao lớn của thân và hoàn thiện bộ tán lớn, cỏ dại trong vườn phần lớn phát triển dưới tán cây. Thời điểm này tập trung diệt trừ các loại cỏ có khả năng cạnh tranh với cây trồng về nước và chất dinh dưỡng, các loại cỏ là nơi cư trú của sâu bệnh hại.
– Căn cứ vào điều kiện khí hậu thời tiết.
+ Vào mùa nắng: áp dụng biện pháp diệt cỏ đối với những vùng thiếu nước để tránh sự cạnh tranh về nước của cây cỏ với cây trồng.
+ Vào mùa mưa: Không nên diệt sạch cỏ vì cỏ làm cho đất đuợc thông thoáng và hạn chế sói mòn đất.
4. Biện pháp phòng trừ cỏ dại trong vườn sầu riêng, măng cụt
– Trồng xen cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế đất trống, ngăn cản sự phát triển của cỏ dại và phòng chống rửa trôi xói mòn đất. Yêu cầu đối với cây trồng xen: Cây trồng ngắn ngày, chịu bóng, thân rễ phát triển không quá mạnh, không là cây ký chủ mang bệnh hại sầu riêng, măng cụt (Đu đủ, ca cao không nên trồng trong vườn sầu riêng vì các cây này cùng là ký chủ của nấm phytophthora spp, gây bệnh xì mủ, thối rễ, thối trái trên sầu riêng).
– Thời điểm trồng: Khi cây còn nhỏ, thân lá chưa phát triển mạnh, chưa giáp tán.
* Trồng cây che phủ
– Cây trồng che phủ là những cây mọc lan trên mặt đẩ, hạn chế xói mòn đất, tiêu hao ít dinh dưỡng, không làm chai cứng đất, cung cấp được nguồn hữu cơ bổ sung lại cho đất. Ví dụ: cây lạc dại, muồng hoa vàng, đậu lông, cỏ ba lá, cỏ voi, cỏ đuôi trâu, …
– Thời điểm trồng có thể trồng trong mọi giai đoạn phát triển của cây trồng chính để ngăn cỏ dại phát triển.
* Diệt trừ cỏ dại bằng phương pháp thủ công: nhổ bỏ, cắt,… bằng tay, dao, liềm… dễ thực hiện, không gây ảnh hưởng đến cây trồng và môi trường.
* Diệt trừ cỏ dại bằng phương pháp cơ giới: sử dụng dụng cụ máy móc chuyên dụng như máy cắt cỏ để loại bỏ cỏ trong vườn, biện pháp này tốn ít sức lực và thời gian, có thể thực hiện thường xuyên.
* Diệt trừ cỏ dại bằng thuốc hóa học: có thể diệt cỏ tận gốc, ít tốn nhân công, hiệu qảu cao tuy nhiên ảnh hưởng xấu đén môi trường, chất lượng nông sản.Chỉ áp dụng trên một số loại cỏ sinh trưởng, phát triển rất nhanh và khó phòng trừ như cỏ cú, cỏ chỉ và cỏ tranh.