Phòng trừ một số loại sâu bệnh hại phổ biến trên cây ngô

Phòng trừ một số loại sâu bệnh hại phổ biến trên cây ngô

Sâu bệnh là đối tượng nguy hiểm cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cho cây ngô nói riêng. Tác hại của chúng hàng năm làm giảm số lượng lớn sản lượng lương thực người ta ước tính tổng thiệt hại do sâu bệnh gây ra hàng năm làm giảm 25% năng suất mùa màng (FAO). Do vậy trong canh tác cây ngô cũng như cây trồng khác cần phải tìm hiểu kỹ những đối tượng sâu bệnh gây hại chủ yếu ở ngô để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

1. Phòng trừ một số loại sâu hại trên cây ngô

1.1. Sâu xám hại cây ngô

– Tác hại: Là loại sâu đa thực phá hoại ngô và nhiều cây trồng khác: Đậu đỗ, bông, thuốc lá, các loại rau ăn lá, ăn quả, cà chua, khoai tây… Hàng năm sâu phát sinh trên diện tích rộng lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, có nơi mất trắng hàng trăm ha phải gieo lại 2-3 lần. Hại nặng nhất là vụ ngô đông xuân và vụ xuân. Triệu chứng tác hại của sâu xám rõ rệt nhất là sâu lớn tuổi (tuổi 5, tuổi 6) thường gặm đứt gốc cây ngô non (dưới 5-6 lá) và kéo thân cây bị hại xuống nơi trú ẩn. Khi thân cây ngô đã lớn, sâu có thể cắn phá dưới thân.

Sâu xám hại cây ngô
Sâu xám hại cây ngô

– Phòng trừ sâu xám:

+ Cày bừa kỹ, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trong ruộng, sạch cỏ bờ để làm mất ký chủ và nơi ẩn nấp của sâu.

+ Gieo ngô đúng thời vụ, gieo tập trung đồng loạt không nên gieo rải rác.

+ Dùng bẫy bả chua ngọt để diệt con trưởng thành. Công thức làm bả gồm: mật xấu hoặc đường đen 4 phần + dấm 4 phần + rượu 1 phần + nước 1 phần + thuốc dipterex. Bẫy đặt ở ruộng chỗ thoáng gió, cách mặt đất 1 m. Ban ngày đậy nắp, ban đêm mở để ngài vào bẫy khi ngô cao 30-35 cm thôi không đặt bả nữa.

+ Dùng thuốc hoá học để phun khi sâu non có từ 1-3 tuổi.

+ Khử đất bằng Basudin 30 kg/ha, rải đều trên mặt ruộng trước khi bừa lần cuối.

+ Tổ chức bắt bằng tay để diệt sâu non.

1.2. Sâu đục thân cây ngô

Thuộc họ ngài sáng Pyralydae, bộ cánh phấn Lepydoptera

– Tác hại: Khi cây còn nhỏ sâu đục xuyên qua nõn, lá xoè ra có các lỗ thủng đều nhau. Đa số là sâu đục trong thân để lại những đường đục có phân (phân có lúc đùn ra ngoài ở các lỗ đục). Thân ngô bị đục gặp gió to có thể bị gãy ngang. Bắp ngô non có thể bị sâu đục từ cuống bắp vào thân bắp. Nếu bắp đã cứng thì sâu có thể đục từ đầu bắp xuống giữa bắp. Nếu gặp mưa bắp bị hại có thể bị thối.

– Biện pháp phòng trừ sâu đục thân ngô: Một đặc điểm cần chú ý trước khi phòng trừ là: Phòng trừ muộn khi sâu đã đục vào thân thì hiệu quả thấp nên cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp.

+ Thu dọn tàn dư cây ngô sau khi thu hoạch tàn dư hoặc ủ làm phân để diệt nguồn nhộng và trứng còn tồn tại trong cây.

+ Gieo ngô đúng thời vụ nhất là ngô vụ xuân không nên gieo muộn sẽ tránh được cao điểm hại vào thời điểm ngô có bắp non.

+ Luân canh ngô với cây trồng khác, tạo môi trường không thích hợp cho sâu.

+Tổ chức bẫy đèn để diệt trưởng thành.

+ Kiểm tra đồng ruộng nếu thấy mật độ trứng cao (khoảng 0,3-0,4 ổ/m2) thì nên dùng một trong số các loại thuốc sau: Sherpa 0,1%, Sumidicin 0,1%, Nuvacron polytril 440 Regent 800WG 0,08-0,12% hoặc một số thuốc đặc hiệu khác để phun.

+ Dùng thiên địch và ruồi ký sinh trên sâu non.

Xem thêm: Tổng quan về cây ngô

1.3. Rệp ngô

– Tác hại: Rệp thường hại vào tháng 10 – 11 trên ngô thu đông và vào tháng 3 – 4 trên ngô đông xuân. Rệp hút nhựa ở nõn ngô, bẹ lá, bông cờ, lá bi làm cho ngô gầy yếu, bông cờ là bắp lép đi, trọng lượng 1000 hạt giảm sút, chất lượng hạt cũng giảm. Rệp còn là môi giới truyền bệnh virus.

Rệp ngô
Rệp ngô

– Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh đồng ruộng làm sạch cỏ ruộng, sạch cỏ bờ để làm mất nơi sinh sống khi cây ngô đã cho thu hoạch.

+ Trồng ngô với mật độ vừa phải, tỉa cố định cây sớm.

+ Dùng vải để xoa diệt ổ rệp khi mới chớm nở.

+ Khi thấy mật độ rệp cao, khả năng gây hại lớn, có thể dùng một trong các loại thuốc trừ sâu như : Selecron 500ND/EC, Admire 050EC, Regent 800WG, Fentox 25EC, Sumicidin 10EC/20EC, Ofatox 400EC/WP, Trebon 40EC, Actara 25WG… pha nồng độ theo liều khuyến cáo trên bao bì….phun vào ổ rệp khi mới chớm nở.

Xem thêm: Kỹ thuật thâm canh lúa lai

1.4. Sâu cắn lá ngô

– Tác hại: Sâu cắn lá ngô thường phá hại mía, ngô, lúa, lúa mì và một số cây họ hoà thảo khác. Sâu thường phá hại trên ngô đông xuân, có nơi đã bị mất trắng vì sâu hại. Sâu cắn lá thường phá hại ngô khi có 2-3 lá đến khi ngô thâm râu nhưng chủ yếu vào thời kỳ lớn vọt của ngô. Sâu cắn lá tác hại làm giảm diện tích quang hợp của ngô. Nếu sâu gây hại nặng vào thời kỳ cây tích luỹ chất hữu cơ chuẩn bị ra bắp làm năng suất ngô giảm nhiều nhất.

– Biện pháp phòng trừ sâu cắn lá cây ngô:

+ Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ trong ruộng và xung quanh bờ làm mất nơi ẩn nấp, trú ngụ của sâu từ vụ này chuyển sang vụ khác.

+ Làm bẫy bả chua ngọt để diệt ngài cái trước khi đẻ trứng.

+ Phòng trừ bằng thuốc hoá học: Sadavi 95WP, Padan 95SP; Sudin 20EC; Basudin 40EC.. theo liều lượng trên bao bì.

2. Phòng trừ một số loại bệnh hại cây ngô

2.1. Bệnh gỉ sắt

– Do nấm: Puccinia maydis Ber.

– Triệu chứng tác hại

Vết bệnh lúc đầu rất nhỏ, chỉ là một chấm vàng trong, xếp không có trật tự, khó phát hiện, nhưng về sau to dần vết vàng nhạt tạo ra các ổ nổi, tế bào biểu bì nứt vỡ, chứa một khối bột màu đỏ, vàng gạch non. Đến cuối gai đoạn sinh trưởng của cây ngô, trên lá bệnh có thể xuất hiện một số ổ nổi màu đen, cây bị bệnh nặng vết bệnh dày đặc làm lá khô cháy.

Bệnh gỉ sắt
Bệnh gỉ sắt

– Biện pháp phòng trừ

+ Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư lá bệnh, cây bị bệnh.

+ Cày bừa đất kỹ để tiêu diệt nguồn bệnh trong đất.

+ Áp dụng các biện pháp thâm canh để ngô sinh trưởng tốt

+ Biện pháp hóa học: Dùng thuốc Boocdo 1%, Funguran – OH 50 BHN, Bayleton 25 EC, Anvil 5 SC. Cần phải phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện từ 1 – 5 %

2.2. Bệnh khô vằn trên cây ngô

– Do nấm: Rhizoctonia solani Kuhn

– Triệu chứng tác hại Vết bệnh lúc đầu là đốm hình bầu dục, sau lan rộng màu xám, vằ n vèo, loang lổ, bệnh thường xuất hiện ở lá già phía gốc trước, sau đó lan dần lên phía trên.

– Biện pháp phòng trừ

+ Tiêu huỷ tàn dư trên đồng ruộng trồng ngô sau mỗi vụ.

+ Luân canh ngô với cây trồng khác. Trước mỗi vụ trồng ngô để ruộng ngập nước, tăng cường bón kali và vôi.

+ Dùng thuốc hóa học Validacin 1,5 – 2 lít/ha, Boocđô 400 – 500 lít dung dịch / ha.

2.3. Bệnh đốm lá trên cây ngô

– Nguyên nhân: Đốm lá nhỏ do nấm: Helminthosporium maydis Nisik. Đốm lá lớn do nấm: Helminthosporium turcicum Pass.

– Triệu chứng tác hại: Đốm lá lớn: Bệnh hại chủ yếu ở bộ phận lá làm cho lá khô giòn chết sớm, bệnh ở trên bắp lá bi thành các đám móc màu đen. Bệnh nặng có thể làm giảm năng suất 20- 30 %. Vết bệnh trên lá đầu tiên nhỏ và tròn sau chuyển sang hình bầu dục lan rộng rất nhanh, kéo dài theo trục lá. Bề ngang lan rộng ra chiếm hết phiến lá. Kích thước vết bệnh từ 1 – 4 x 15 – 25 cm.

Mới bị vết bệnh có màu trắng xám về sau chuyển sang màu nâu xám. Cuối cùng có màu nâu đen, xung quanh viền nâu hay nâu đỏ. Đốm lá nhỏ: Vết bệnh trên lá thường nhỏ, màu hơi vàng sau đó lan rông thành hình bầu dục, rộng 1-2mm, dài 5-6 mm, mô bị bệnh chết, vết bệnh có màu đỏ hoặc xám.

Xem thêm: Phòng trừ sâu (côn trùng) hại sầu riêng đạt hiệu quả cao

– Biên pháp phòng trừ:

+ Chọn giống kháng bệnh, bố trí thời vụ thích hợp, chọn loại đất tốt, không trồng ở ruộng đất bí, úng nước, không trồng dầy, bón cân đối phân NPK đúng thời kỳ đúng kỹ thuật, tưới tiêu hợp lý để cây phát triển tốt.

+ Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh và cỏ dại.

+ Khi ruộng đã bị bệnh sử dụng một trong những loại thuốc như: Tilt super 300EC; Daconil; Ridomil; Validacin; Mannozeb 80WP…để phun xịt. Trước khi phun đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng thuốc in trên vỏ bao bì.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *