Phòng trừ sâu xám hại Ngô
Tên khoa học: Agrotis ypsilon Rott
Sâu non từ tuổi 1-3 ăn lá ngô non hoặc gặm xung quanh thân ngô. Từ tuổi 4 trở đi sâu phá hại mạnh, chúng cắn đứt ngang thân cây ngô non làm cây ngô bị cắn đứt ngã xuống đất. Sâu tuổi 6 trong 1 đêm có thể cắn đứt 3-4 cây ngô non. Khi cây ngô đã có 7-8 lá, thân cây ngô cứng. Sâu thường đục vào thân gần sát gốc, ăn phần non mềm ở giữa thân, làm cây ngô bị héo và chết.
Bướm có thân dài 16-23mm. Sải cánh rộng 42-54mm. Thân có màu nâu tối. Râu đầu dạng sợi chỉ. Ở bướm đực râu dạng răng lược kép. Cánh trước có màu xám, cánh sau màu trắng tro, mạch gân, mép ngoài cánh có màu nâu.
Xem thêm: Phòng và trị bệnh héo khô trên cây bông vải
Vòng đời của sâu dài 26-134 ngày. Vòng đời thay đổi nhiều tuỳ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh và nguồn thức ăn. Thời gian trứng là 2-19 ngày, thời gian sâu non là 16-63 ngày, thời gian nhộng là 7-35 ngày, bướm sống 9-15 ngày.
Bướm vũ hoá vào chập tối, hoạt động vào ban đêm. Chúng hoạt động mạnh nhất vào lúc 19-23 giờ. Sau khi vũ hoá được 3-5 ngày, bướm đẻ trứng. Trứng được đẻ phân tán hoặc thành từng ổ, mỗi ổ có 1-3 trứng.
Trứng đẻ trên mặt lá, các lá gần mặt đất, hoặc đẻ trong kẽ nứt của đất, hoặc đẻ trên cỏ dại.
Sâu non có tính giả chết. Chúng có đặc tính ăn thịt lẫn nhau. Sâu non chịu đói khoẻ nhưng kém chịu nước.
Sâu non hoá nhộng ngay trong đất, ở độ sau 2-5cm. Chúng nhào đất thành kén bằng nước bọt và hoá nhộng ở trong đó. Sâu non có 5 tuổi, một số ít con có đến 7-8 tuổi. khi đẫy sức chúng có thân dài 37-47mm. Thân có màu xám đất hoặc đen bóng, phía dưới bụng màu nhạt. Nhộng dài 18-24mm màu cánh gián.
Trứng có hình bán cầu, đường kính 0,5-0,6mm, đỉnh quả trứng có một núm lồi lên, xung quanh có nhiều đường sống nổi toả xuống phía dưới. Lúc mới đẻ, trứng có màu trắng sữa, về sau chuyển màu tím thẫm.
Xem thêm: Phòng trừ rầy xanh gây hại trên cây lạc
Nhiệt độ thích hợp cho bướm và nhộng là 21-26oC, thích hợp cho sâu non là 26-29oC. Độ ẩm, không khí dưới 60% sâu non tuổi 1 chết hàng loạt.
Do đặc điểm tuỳ thuộc nhiều vào ẩm độ và nhiệt độ nên ngô vụ đông- xuân gieo sớm (gieo từ đầu đến giữa tháng 10) bị hại nhẹ hơn so với ngô gieo chính vụ ( gieo từ giữa tháng 10 đến tháng 11) hoặc ngô gieo muộn ( gieo trong tháng 2). Ngô vụ hè thu hầu như không bị sâu xám gây hại
Sâu xám thường phát sinh và gây hại ngô gieo trên các chân đất thịt nhẹ hoặc cát pha tơi xốp, thoáng, dễ thấm nước và thoát nước.
Trên ruộng ngô, sâu xám thường bị nhiều loài thiên địch ức chế.
Biện pháp phòng trừ sâu xám hại cây ngô:
– Đặt bả chua ngọt để thu hút và diệt bướm vào đầu vụ gieo ngô
– Làm đất ải. Cho nước vào ngập ruộng ngô giữa các vụ để tiêu diệt sâu non trong đất.
– Diệt sạch cỏ trong ruộng và trên bờ trước khi gieo ngô và sau khi ngô đã đạt độ cao 12-15cm. Dùng thuốc diệt cỏ trước khi gieo ngô.
– Gieo ngô tập trung đúng thời vụ. Không gieo ngô rải rác kéo dài.
– Dùng bẫy pheromon để thu hút và diệt bướm.
Xem thêm: Phòng trừ bọ trĩ gây hại trên cây lạc
– Khi sâu non tích luỹ nhiều và phát triển mạnh mẽ nên dùng thuốc để trừ. Thuốc sử dụng là Basudin, Aldicarb, Carbofuran 3G.
– Bảo vệ và phát huy các loài thiên địch có sẵn trên ruộng.