Nội dung bài viết
Quản lý sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu tại Việt Nam
Cây hồ tiêu tại Việt Nam có thành phần sâu bệnh hại rất đa dạng và phong phú; Ở các địa phương khác nhau, điều kiện khí hậu khác nhau thì mức độ gây hại của các loại sâu bệnh hại khác nhau. Sâu bệnh hại xuất hiện trên bộ phận rễ và bộ phận khí sinh( lá, thân, cành, ré, quả,…) ở mọi giai đoạn sinh trưởng: thời kỹ vườn ươm, thời kỳ kiến thiết cơ bản, thời kỳ kinh doanh.
1. Thành phần sâu hại trên cây hồ tiêu
1.1. Thành phần sâu hại trên các bộ phận khí sinh của cây hồ tiêu (lá, thân, cành, gié, quả,…).
Hiện tại ghi nhận trên 20 loại sâu hại xuất hiện gây hại trên bộ phận khí sinh của cây hồ tiêu. Một số loại sâu bệnh hại chính: bọ xít lưới, bọ xít muỗi, rệp sáp …
– Bọ xít lưới và bọ xít muỗi hại lá non, chồi non, gié hoa, gié quả.
– Rệp sáp giả và rệp sáp giả vằn hại lá, gié hoa, gié quả, thân, cành, lá.
– Sâu đục thân xén tóc hại thân, nhánh. Sâu đục thân vòi voi hại thân, nhánh, ngọn non. Câu cấu xanh và bọ nâu hại lá.
Bọ xít lưới là đối tượng gây hại phổ biến nhất, hầu như tại các vùng trồng hồ tiêu đều có xuất hiện; tiếp đến là rệp sáp, rệp sáp giả vằn, rệp muội, câu cấu xanh…
Ngoài ra còn có các loại sâu hại thứ yếu khác, xuất hiện ít phổ biến và ít gây hại đến sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu. Thành phần các loại, gồm có: Ánh kim xanh gây hại lá; ánh kim nâu gây hại lá; bọ hũ gây hại lá, chồi non; bọ nẹt hay còn gọi là sâu nái gây hại lá; bọ xít dài gây hại lá; bổ củi giả gây hại lá; rầy xanh gây hại lá non, gié bông; rệp vảy gây hại lá; sâu đo gây hại lá non, gié bông, thân cây.
1.2. Thành phần sâu hại rễ cây hồ tiêu:
Sâu hại rễ có 3 loại chính là mối, rệp sáp hại rễ và sùng trắng. So với nhóm sâu hại các bộ phận khí sinh thì nhóm sâu hại rễ có thành phần ít hơn. Tuy nhiên, do các đối tượng này gây hại trong đất nên việc phát hiện sớm và phòng trừ rất khó khăn. Nếu công tác kiểm tra vườn cây không tốt, khi cây bị vàng lá mới phát hiện thì việc chữa trị thường không có hiệu quả cao. Rệp sáp hại rễ là đối tượng gây hại chính và nguy hiểm trên cây hồ tiêu, xuất hiện và gây hại phổ biến trên cây hồ tiêu giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh ở các vùng trồng hồ tiêu tại Việt Nam. Còn mối và sùng trắng xuất hiện với tỷ lệ hại thấp, chủ yếu gây hại trên cây hồ tiêu giai đoạn kiến thiết cơ bản.
2. Thành phần bệnh hại trên cây hồ tiêu:
2.1. Thành phần bệnh hại các bộ phận khí sinh:
Tương tự như sâu hại, thành phần bệnh hại các bộ phận khí sinh của cây hồ tiêu xuất hiện nhiều hơn so với ở rễ. Bệnh đen lá, bệnh nấm mạng nhện, bệnh tảo đỏ, bệnh thán thư và bệnh vi rút hại lá, thân, cành. Bệnh nấm hồng hại lá, thân, cành và quả. Hiện nay có 6 loại bệnh hại chính xuất hiện ở các bộ phận khí sinh của cây hồ tiêu. Nhóm bệnh hại xuất hiện phổ biến là bệnh đen lá, thán thư, tảo đỏ, virus; trong đó chỉ có bệnh virus là gây hại nặng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây hồ tiêu. Các bệnh hại khác xuất hiện nhưng ít gây hại nguy hiểm đối với cây hồ tiêu.
2.2. Thành phần bệnh hại rễ cây hồ tiêu:
Nhóm bệnh hại rễ hiện tại có 2 loại bệnh chính: Bệnh chết chậm hại lá, thân, cành; bệnh chết nhanh hại lá, thân, cành và quả. Đây là nhóm bệnh gây nguy hiểm và xuất hiện ở tất cả các vùng trồng hồ tiêu tại Việt Nam. Hàng năm, thiệt hại do hai loại bệnh đã làm giảm năng suất và sản lượng vườn hồ tiêu. Đây cũng là nhóm bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây hồ tiêu. 6 Sâu bệnh hại hồ tiêu và biện pháp phòng trừ.
3. Nguyên tắc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu
Cây hồ tiêu là cây công nghiệp khá mẫn cảm với sâu bệnh hại. Vì thế nên ưu tiên phòng hơn là trừ để hạn chế ảnh hưởng đến năng xuất và chất lượng của hồ tiêu. Để quản lý sâu bệnh hại trong vườn hồ tiêu có hiệu quả, cần tuân theo các nguyên tắc phòng trừ tổng hợp (IPM – Integrated pest management), trong đó áp dụng nguyên tắc phòng là chính, còn trừ là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn sâu bệnh hại không phát triển, lây lan thành dịch. Có 5 nguyên tắc phòng trừ sâu bệnh hại hồ tiêu:
– Trồng và chăm sóc cây khỏe: Chọn giống hồ tiêu khỏe mạnh, sạch bệnh, đồng đều, phù hợp với điều kiện địa phương. Tuân thủ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu (bón phân, tưới nước, tạo hình…) để tăng sức đề kháng cho cây trồng và cho năng suất cao.
– Bảo vệ thiên địch: Sự tồn tại và phát triển của các loài thiên địch có thể át chế và ngăn chặn sự phát sinh phát triển của sâu bệnh hại. Tuy nhiên việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc hóa học sẽ làm cho mật độ thiên địch bị giảm. Vì vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng trong chế độ bón phân và sử dụng thuốc Bvtv sinh học thay thế thuốc hóa học.
– Thường xuyên thăm đồng: Cần theo dõi qua trình phát sinh phát triển của cây hồ tiêu để phát hiện kịp thời sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại, điều kiện thời tiết để có biện pháp chăm sóc (tưới nước, bón phân,…) và biện pháp phòng trừ sâu bệnh hai phù hợp, hiệu quả; hạn chế ít nhất ảnh hưởng đến cây trồng, giúp cây hồ tiêu phát triển tốt.
– Nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng: Nông dân và người sản xuất hồ tiêu cần được tập huấn kỹ lưỡng về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu; nắm vững được các phương pháp quản lý tổng hợp dịch hại trên cây hồ tiêu và ứng dụng thành công trên vườn hồ tiêu, đồng thời có thể truyền đạt lại cho nhiều người khác cùng làm theo.
– Phòng trừ dịch hại để bảo vệ cây trồng: Tùy theo mức độ sâu bệnh hại, thiên địch ở từng giai đoạn trên vườn hồ tiêu để lựa chọn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp với điều kiện thực tế cụ thể. Sử dụng thuốc hóa học hợp lý và phải đúng kỹ thuật.