Nội dung bài viết
Kỹ thuật ủ lên men cỏ làm thức ăn dự trữ cho gia súc
Với các hộ gia đình lấy chăn nuôi trâu bò làm nguồn thu nhập chính, đặc biệt là các trang trại lớn thì việc xoay xở đủ nguồn thức ăn cho gia súc trong các tháng mùa đông là cực kỳ nan giải. Xin giới thiệu kỹ thuật ủ chua cỏ xanh làm thức ăn cho gia súc của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (Viện chăn nuôi) để bà con các nơi tham khảo, áp dụng.
Phương pháp này đơn giản, dễ làm, giúp tạo đượcc nguồn thức ăn có đủ chất dinh dưỡng để cho trâu bò sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng, chống chịu bệnh tật mà chi phí thấp, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tập trung và hộ gia đình.
Nguyên liệu dùng để ủ chua cỏ lên men làm thức ăn cho gia súc
Nguyên liệu để ủ chua cỏ lên men gồm: 100kg cỏ xanh, 0,5kg muối ăn, 6-7kg cám gạo hoặc bột ngô, bột sắn, bột khoai,… Có thể sử dụng các loại cỏ xanh như: cỏ voi, cỏ sả, cỏ Ghinê, cỏ Decumbens, lá sắn….
Xem thêm: Phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa nóng
Cỏ đang ở độ tuổi bánh tẻ, còn xanh và tươi, không bị ướt, không bị dính đất, sạch sỏi đá, độ ẩm từ 70-80%. Sau khi thu hoạch về, cỏ được cắt bỏ phần gốc già, chặt từng đoạn ngắn 3-5cm rồi đem ủ chua ngay là tốt nhất. Nếu thu hoạch cỏ vào mùa mưa, lượng nước trong cây khá cao, nên trải ta phơi dưới nắng nhẹ cho ráo bớt nước trước khi đưa vào lên men để tránh thức ăn dễ bị hư thối sau này.
Chuẩn bị hố ủ
Hố ủ chua có thể được làm bằng đất (đào hố có đường kính 1-1,2m, sâu 1-1,2m ở nơi cao ráo, không bị ảnh hưởng bởi nước ngầm) hoặc sử dụng các ống cống xi măng hay xây bằng gạch có kích thước như trên tuỳ theo khả năng đầu tư của mỗi hộ gia đình. Nên đào hoặc xây nhiều bể ủ để có lượng thức ăn dự trữ lâu dài và tiện cho việc sử dụng gối nhau liên tục, tránh hư thối do phải làm một bể to. Hố ủ cần được lót bằng túi nilon ở bên trong vừa để giữ nhiệt cho thức ăn dễ lên men vừa tránh nước bên ngoài thấm vào.
Xem thêm: Kỹ thuật chăn nuôi trâu bò thịt – Phần 1
Cách ủ
Dùng túi nilon trắng trong, dày, có đường kính từ 80-100mm buộc chặt một đầu bằng dây cao su rồi cho vào trong hố ủ. Lần lượt cứ một lớp cỏ dày 10-15cm lại rắc một lượt hỗn hợp bột ngô, bột sắn hoặc cám gạo cùng với muối theo tỷ lệ đã quy định và dùng chân nén chặt cho đến khi nguyên liệu đầy hố ủ. Mỗi hố ủ có dung tích khoảng 1m3 có thể ủ được 500-600kg cỏ tươi. Túm chặt đầu bao nilon bằng dây cao su sau khi đã dồn hết không khí trong túi ra ngoài.
Lấp lên trên hố ủ một lớp đất dày 30-40cm và nện chặt hình mu rùa, khơi rãnh xung quanh để giữ cho hố ủ được ổn định và tránh đọng nước. Với các bể ủ được xây bằng gạch hoặc bằng xi măng thì cũng làm như trên, dùng các nắp đậy kín và chắc chắn.
Tiêu chuẩn thành phẩm
Sau khi ủ khoảng 60 ngày thì thức ăn được lên men hoàn toàn và bắt đầu có thể sử dụng cho trâu bò ăn được. Thức ăn ủ chua tốt phải có màu vàng nhạt, mùi thơm như mùi dưa muối chua. Ngược lại nếu ủ không đảm bảo kỹ thuật, để nước bên ngoài ngấm vào gây thối hỏng thì thức ăn sẽ có màu đen xám, mùi khó chịu thì không được sử dụng cho trâu bò ăn.
Cách cho gia súc ăn
Tuỳ theo số lượng trâu bò mà lấy đủ thức ăn trong ngày, cho ăn đến đâu lấy đến đó; lấy hết hố này rồi mới lấy tiếp hố khác. Lấy xong, buộc túi nilon hoặc đậy kỹ để tránh bị nhiễm khuẩn gây hư thối. Với các con trâu bò cày kéo cho ăn từ 10-15kg/ ngày thức ăn ủ chua, ngoài ra cần cho ăn thêm cỏ xanh, rơm. Với trâu bò bình thường, mùa đông bà con cho ăn với lượng từ 5-6kg/con/ngày thức ăn ủ và cho ăn thêm rơm kết hợp với chăn thả.
Xem thêm: Trồng điên điển để cải tạo đất
Với các con trâu bò mới ăn lần đầu nên cho ăn từ ít đến tăng dần tránh gây hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Với các ủ chua này bà con có thể có đủ thức ăn dự trữ cho trâu bò, gia súc trong mùa đông từ 3 đến 4 tháng mà chất lượng thức ăn vẫn đảm bảo.