Nội dung bài viết
Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê
Cây cà phê là cây trồng nhiều năm, nhiều loại sâu bệnh hại, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cà phê. Vì vậy cần phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại trên cây cà phê bằng tổng hợp các biện pháp: canh tác, cơ giới, sinh học, hóa học,…
Đặc điểm nhận biết và phòng trừ một số sâu bệnh hại phổ biến trên cây cà phê:
– Bệnh gỉ sắt trên cây cà phê:
Bệnh gỉ sắt trên cây cà phê có tác nhân gây hại là nấm Hemileia vastatrix B, phát triển gây hại mạnh trong mùa mưa. Bệnh gây hại phía mặt dưới của lá cà phê, vết bệnh màu vàng cam, bào tử của nấm bệnh có màu cam đỏ như gỉ sắt. Bệnh phá hủy một phần hoặc toàn bộ diện tích lá, làm lá vàng úa rồi khô héo, ảnh hưởng tới khả năng quang hợp tổng hợp chất dinh dưỡng của cây, làm cây phát triển chậm và có thể bị chết. Để phòng trừ bệnh gỉ sắt: đảm bảo mật độ cành lá phù hợp, tán lá thoáng đãng để ánh sáng có thể chiếu vào bên trong tán, hạn chế các vết thương cơ giới đặc biệt trong mùa mưa độ ẩm cao, bón phân đầy đủ cân đối, thường xuyên dọn vệ sinh, thu dọn cây cỏ, cây dại có thể chứa đựng mầm mống nấm bệnh, thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm bệnh hại. Có thể sử dụng một số thuốc gốc đồng phun trực tiếp vào mặt dưới lá để phòng trừ sớm từ đầu mua mưa bệnh gỉ sắt như: Oxycloruađồng, Bordeaux, Dithan M-45, Propiconazole, Tilt superphun…
– Bệnh khô cành, khô quả trên cây cà phê:
Bệnh gây khô héo trên cành, quả non thời kì vườn ươm hoặc kiến thiết cơ bản chủ yếu có hai nguyên nhân: do sinh lý hoặc do nấm Colletotrichum coffeanum gây hại. Để phòng bệnh trừ bệnh cầm đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, cân đối; tưới tiêu nước phù hợp, che túp sớm và kịp thời tránh để cây bị ảnh hướng bởi nắng nóng, nhiệt độ cao, gió, mưa,.. Khi xuất hiện bệnh do nấm cần phun hoặc Deosal 0,2%, Ridomil 0,2%, Tilt nồng độ 0,1% phun 2 lần cách nhau 14 ngày vào lúc đậu quả.
– Bệnh lỡ cổ rễ trên cây cà phê:
Nguyên nhân do nấm Rhizoctoniasp gây hại thường gặp ở các giai đoạn vườn ươm hoặc thời kỳ kiến thiết cơ bản trong diều kiện ẩm thấp, ngập nước. Bệnh có biểu hiện cổ rễ héo thắt và thối khiến cây bị ngắt dinh dưỡng, đổ rạp, cây lớn thì sẽ bị vàng lá và héo chết. Để phòng trừ bệnh lở cổ rễ trên cây cà phê: làm đất tơi xốp, khử trùng đất, xử lý kĩ phân hữu cơ trước khi bón, đảm bảo thoát nước kịp thời tránh ngập úng, khi canh tác hạn chế vết thương cơ giới cho cây. Khi cây bị nhiễm bệnh nhẹ có thể dùng thuốc Vicarben 0,5%, Validacin 0,3% hoặc Bordeaux 1% tưới dung dịch lên gốc 2-3 lần các lần phun cách nhau 15 ngày. Khi bệnh nặng nên nhổ tiêu hủy kịp thời và khử trùng đất bằng Focmôn 2-3%.
– Bệnh rễ do tuyến trùng trên cây cà phê:
Tuyến trùng chủ yếu gây hại cho cây cà phê trên đồng ruộng, cũng có thể gặp trong vườn ươm khi đất không được xử lí kĩ. Cây cà phê bị tuyến trùng bộ rễ sẽ bị tổn thương dẫn tới chậm sinh trưởng, vàng héo lá thậm chí chết khô. Biện pháp phòng trừ tuyến trùng gây hại: Xử lí kĩ đất trước khi ươm trồng đối với đất đã từng bị nhiễm tuyến trùng sau khi xử lí cần luân canh với cây trồng khác nhau, sau 2-3 năm mới trồng lại cây cà phê. Có thể trồng cúc vạn thọ xung quanh gốc cây cà phê để phòng tuyến trùng vì cúc vạn thọ có thể tiết ra chất có tác dụng tiêu diệt tuyến trùng. Đối với cây bị tuyến trùng nặng cần nhổ đem tiêu hủy, thu gom hết tàn dư bệnh, xử lí khử trùng đất kịp thời. Đối với cây mới nhiễm bệnh nhẹ cần tăng cường bón phân hữu cơ. Đối với cây mới bị tuyến trùng nhẹ dùng thuốc Mocap 10G,Vimoca 20ND để xử lý đất.
– Sâu đục thân trên cây cà phê:
Sâu đục thân trên cây cà phê có tên khoa học là Xylotrechussquadripes Chev. Đây là đối tượng sâu hại nguy hiểm nhất đối với cây cà phê, có thể xuất hiện vào mọi thời điểm trong năm. Để phòng trừ loại sâu này ngay khi chọn giống nên chọn các giống thấp cây, lóng đốt ngắn, tán nhỏ, trồng với mật độ dày; Bón phân cân đối, tỉa cành lá ở mật độ phù hợp. Nuôi dưỡng và bảo vệ các loài thiên địch có lợi. Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện sớm, tiêu diệt kịp thời sâu ở thời điểm sâu non mới nở, loại bỏ các cành, nhánh, lóng bị sâu xâm nhập gây hại và tiêu hủy. Sử dụng thuốc Padan, Regent để phun trừ sâu đục thân trên cây cà phê rất hiệu quả.
– Các loại rệp gây hại trên cây cà phê:
Các loại rệp gây hại trên cây cà phê như: rệp sáp (Pseudoccoccussp) , rệp vảy nâu (saissetia hemiphaerica), rệp vảy xanh (Coccus viridis), gây hại chủ yếu trên các phần non của cây cà phê như chồi, cành lá non, quả, hoặc rễ (rệp sáp). Để phòng trừ các loại rệp gây hại trên cây cà phê: Không trồng với mật độ quá dày; thường xuyên tỉa cành lá đảm bảo tán cây thông thoáng có ánh sáng chiếu vào, làm sạch cây dại, cỏ dại; theo dõi phát hiện kịp thười mầm mống rệp hại thu gom và tiêu hủy kịp thời; bảo vệ nuôi dưỡng các loài thiên địch có lợi; tiêu diệt các ổ kiến trong vườn để ngăn chặn việc lây lan rệp nhanh chóng; bón phân cân đối hợp lí; có thể dùng 1 trong các loại thuốc sau để tiêu diệt rệp hại: Mocap, Bi58 hoặc Supracid nồng độ 0,2-0,3% phun trực tiếp vào nơi có rệp. Nên phun làm 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Với rệp sáp hại rễ cây cà phê cũng có thể dùng các loại thuốc trên với nồng độ 0,2-0,3% + 1% dầu lửa liều lượng 2-4 lít/cây để tưới trực tiếp vào gốc và vùng rễ bị rệp gây hại.
Xem thêm: Phòng trừ sâu đục trái gây hại trên cây ăn quả có múi
– Mọt đục quả cây cà phê:
Mọt đục quả cây cà phê có tên khoa học là Stephanodereshampei. Gây hại mạnh ở các giai đoạn quả già chín, mọt sẽ đục 1 lỗ ở nuốm quả, chui vào bên trong hạt cà phê đẻ trứng, sau đó phá hoại hạt. Để phòng trừ mọt hại quả có thể sử dụng các thuốc: Basudin hoặc Regent với nồng độ 0,2-0,25 % phun làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 22-28 ngày vào giai đoạn quả già và chuẩn bị chín. Theo dõi và thu hoạch kịp thời cà phê chín. Phơi kĩ cà phê trước khi cất giữ (đảm bảo đạt độ ẩm dưới 13%).
– Phòng trừ mối hại cây cà phê:
Mối có thể xuất hiện và gây hại ở bất cứ giai đoạn nào của cây cà phê : từ giai đoạn vườn ươm, giai đoạn kiến thiết cơ bản, giai đoạn kinh doanh và phục hồi. Mối là loại côn trùng miệng nhai, thức ăn chủ yếu là xác thực vật, phá hủy rễ, thân lá, quả cây cà phê. Mối sống thành bầy đàn, có khả năng sinh sản và gây hại rất mạnh. Biện pháp phòng trừ: xử lí đất kĩ cày xới sâu, phơi ải, phun trừ bằng thuốc hóa học như confidor.