Phòng trừ Rầy Nâu hại lúa

Phòng trừ Rầy Nâu hại lúa

Tên khoa học: Nilaparvata lugens Stal

Họ Rầy Thân (Delphacidae), Bộ cánh đều (Homoptera)

1. Phân bố

Rầy Nâu xuất hiện ở tất cả các nước trồng lúa, nhất là các nước đồng bằng nhiệt đới Á châu như Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan, đảo Solomon, Indonesia, fiji, Malaysia, Nhật Philippines, Thái Lan, Sri- Lanka, Tân Guinea, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam,…

2. Khả năng gây hại

Tại Việt Nam, Rầy Nâu được ghi nhận xuất hiện trên lúa từ rất lâu nhưng không gây hại thành những trận dịch lớn do chỉ trồng lúa mùa, một vụ trong năm. Các giống lúa ngắn ngày của Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế tại Philippines được đưa vào Việt Nam từ năm 1965; đầu tiên được trồng ở miền Trung, và ngày càng được trồng nhiều vụ trong một năm là điều kiện để Rầy Nâu nhanh chóng nhân mật số và đến năm 1969 Rầy Nâu bắt đầu gây hại cây lúa mạnh ở Phan Rang và một số tỉnh Miền Trung.

Phòng trừ rầy nâu hại lúa
Phòng trừ rầy nâu hại lúa

– Từ năm 1971 đến năm 1974, Rầy Nâu đã gây hại cây lúa tại nhiều vùng thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, diện tích lúa bị hại năm 1974 lên đến 94.800 ha.

– Từ năm 1977 đến năm 1979, Rầy Nâu đã hình thành dịch tại một số tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long với diện tích lúa bị hại khoảng 1 triệu hecta; nhiều nơi bị mất trắng, thiệt hại đến hàng triệu tấn lúa.

– Từ vụ Hè- Thu năm 1988 đến Đông- Xuân năm 1989-1990, Rầy Nâu đã phát sinh thành dịch gây hại nặng ở một số nơi như thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Minh Hải.

– Riêng năm 1990, ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tính cả ba vụ sản xuất có khoảng 237.820 hecta lúa bị nhiễm Rầy Nâu, chiếm 8,3% diện tích lúa cả năm.

Ngoài ra, Rầy Nâu còn truyền bệnh cho cây lúa như bệnh lùn xoắn lá, lúa cỏ. Diện tích lúa Đông- Xuân năm 1992-1993 bị nhiễm bệnh lùn xoắn lá được ghi nhận tại các tỉnh Cửu Long, Sóc Trăng, Cần Thơ và Vĩnh Long lên đến khoảng 40%.

Xem thêm: Phòng trừ bọ xít đen hại lúa

3. Ký chủ

Ngoài lúa, Rầy Nâu còn có thể sống trên lúa hoang. Cỏ Leersia japonica, cỏ gấu, cỏ lồng vực, đôi khi cũng bị Rầy Nâu tấn công nhưng các quần thể rầy này không phát triển được trên cây lúa.

4. Đặc điểm hình thái và sinh học

Rầy Nâu có cơ thể màu nâu vàng, đỉnh đầu nhô ra phía trước. Phần gốc râu có hai đốt nở to, đốt roi râu dài và nhỏ. Cánh trong suốt, giữa cạnh sau của mỗi cánh trước có một đốm đen, khi 2 cánh xếp lại 2 đốm này chồng lên nhau tạo thành một đốm to trên lưng. Rầy đực có cơ thể dài từ 3.6-40mm. Rầu cái màu nâu nhạt và kích thước cơ thể to hơn rầy đực, chiều dài cơ thể từ 4 đến 5mm, bụng to tròn, ở giữa mặt dưới có bộ phân đẻ trứng bén nhọn màu đen.

Thành trùng Rầy Nâu có 2 dạng cánh:

– Cánh dài che phủ cả thân và chủ yếu dùng cánh để bay đi tìm thức ăn.

– Cánh ngắn phủ đến đốt thứ 6 của thân mình, dạng cánh này chỉ phát sinh khi thức ăn đầy đủ, thời tiết thích hợp, và có khả năng đẻ trứng rất cao.

Đời sống trung bình của thành trùng Rầy Nâu khoảng từ 10-20 ngày, trong khoảng thời gian đó một rầy cái cánh dài đẻ khoảng 100 trứng, và rầy cái cánh ngắn đẻ từ 300 đến 400 trứng. Nếu điều kiện thích hợp một rầy cái có thể đẻ đến cả ngàn trứng.

Trứng Rầy Nâu được đẻ thành từng hàng vào trong bẹ cây lúa, mỗi hàng có từ 8-30 cái. Trứng rầy giống hình hạt gạo, dài từ 0,3- 0,4mm, mới đẻ màu trắng trong, sắp nở màu vàng. Phía trên đầu trứng có bộ phận che lại gọi là nắp trứng. Thời gian ủ trứng từ 5- 14 ngày.

Ấu trùng Rầy Nâu hay còn gọi là rầy cám, khi mới nở rất nhỏ, màu trắng sữa, càng lớn rầy càng chuyển thành màu nâu nhạt. Ấu trùng Rầy Nâu tuổi lớn rất giống thành trùng  cánh ngắn nhưng cánh ngắn hơn và đục. Ấu trùng Rầy Nâu có 5 tuổi phát triển trong thời gian từ 14-20 ngày.

5. Tập quán sinh sống và cách gây hại

Sau khi vũ hoá từ 3-5 ngày, thành trùng cái bắt đầu đẻ trứng bằng cách rạch bẹ lá hoặc gân chính của phiến lá, gần cổ lá, khi có mật số cao, đẻ vào bên trong thành từng hàng. Khoảng ba ngày sau các vết đẻ trên bẹ lá lúa có màu nâu do nấm bệnh xâm nhập vào, các vết này dài từ 10-15cm. rầy trưởng thành cánh dài bị thu hút nhiều bởi ánh sáng đèn và vào đèn nhiều lúc trăng tròn, bay vào đèn nhiều khoảng từ 8-11 giờ đêm.

Tình hình sản xuất lúa gạo ở Việt Nam
Tập quán sinh sống và gây hại của rầy nâu

Cả thành trùng và ấu trùng Rầy Nâu đều thích sống dưới gốc cây lúa và có tập quán bò quanh thân cây lúa hoặc nhảy xuống nước hoặc hoặc bay lên tán lá khi bị khuấy động. Rầy Nâu thích tấn công cây lúa còn nhỏ, nhưng nếu mật số cao có thể gây hại trên mọi giai đoạn tăng trưởng của cây lúa.

– Lúa đẻ nhánh Rầy chích hút nơi bẹ lá tạo thành những sọc màu nâu đậm dọc theo thân do nấm, vi khuẩn tấn công tiếp theo.

– Lúa từ làm đòng đến trổ, rầy thường tập trung chích hút ở cuống đòng non.

– Lúa chín rầy tập trung lên thân ở phần non mềm.

Cả thành trùng và ấu trùng Rầy Nâu đều chích hút cây lúa bằng cách cho vòi vào chích hút vào bó libe của mô hút nhựa. Trong khi chích hút rầy tiết nước bọt phân huỷ mô cây, tạo thành một bao chung quanh vòi chích hút, cản trở sự di chuyển của nhựa nguyên và nước lên phần trên của cây lúa làm cho cây lúa bị khô héo và gây ra hiện tượng “ cháy rầy”

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp như trên, Rầy Nâu còn gây hại gián tiếp cho cây lúa như:

– Mô cây tại vết chích hút và đẻ trứng của rầy trên thân cây lúa bị hư do sự xâm nhập của một số loài nấm, vi khuẩn.

– Phân rầy tiết ra có chất đường thu hút nấm đen tới đóng quanh gốc lúa, cản trở sự quang hợp và phát triển của cây lúa.

– Rầy Nâu thường truyền các bệnh lúa cỏ (grassy stunt). Lùn xoắn lá (ragged stunt) cho cây lúa, trầm trọng nhất là bệnh lùn xoắn lá. Triệu chứng để nhận diện bệnh này là bụi lúa vẫn xanh dù đã đến lúc thu hoặc, chóp lá xoăn lại, lá rách dọc theo bìa, cây đâm thêm chồi ở các đốt phía trên. Nhìn chung, cả bụi lúa lùn hẳn và có màu xanh đậm. Mức độ lùn của cây lúa còn phụ thuộc vào thời gian bị nhiễm bệnh:

+ Nếu cây lúa bị nhiễm bệnh sớm, trong tháng đầu sau khi sạ, bụi lúa lùn và thất thu hoàn toàn.

+ Nếu cây lúa bị nhiễm bệnh muộn hơn, bụi lúa bị lùn ít và có thể trổ bông nhưng rất ít hoặc đòng lúa không thoát ra được, hạt bị lép nhiều, năng xuất thu khoảng 70%.

+ Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh muộn hơn nữa, từ khi lúa tròn mình trở về sau, bụi lúa sẽ không lùn và có thể trổ bông nhưng lúa bị lép nhiều và có thể thất thu đến 30%.

Xem thêm: Phòng trị sâu sừng hại lúa

6. Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số

6.1. Thức ăn

Đây là yếu tố quan trọng, đóng vai trò quyết định tới việc tăng hoặc giảm mật số Rầy Nâu trên đồng ruộng.

– Giống lúa: Các giống lúa ngắn ngày, đáp ứng với phân đạm nhiều, lá xanh, thân mềm, năng xuất cao nhưng không kháng được rầy cao được trồng nhiều là nguồn thức ăn ưa thích của rầy. Hơn nữa lúa mùa vẫn còn được trồng tại một số địa phương nên đây là nơi để Rầy Nâu lây lan sang vụ Đông- Xuân hằng năm vì lúa mùa cao cây, rậm rạp thích hợp để rầy sinh sống.

– Mùa vụ: Lúa cao sản được trồng liên tục 2-3 vụ trong một năm nên trên đồng ruộng luôn có thức ăn thích hợp cho Rầy Nâu.

– Các điều kiện khác:

+ Phân bón: Việc bón nhiều phân, nhất là đạm, làm cho cây lúa xanh tốt, nhiều dưỡng chất, thân mềm, dễ thu hút rầy đến sinh sống và phát triển mật số.

+ Thuỷ lợi: Hệ thống thuỷ lợi ngày càng phát triển và hoàn chỉnh giúp cây lúa phát triển tốt, đây cũng là điều kiện thuận lợi để cho rầy tới sinh sống và phát triển mật số.

6.2. Thời tiết:

– Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp để Rầy Nâu phát triển là từ 25- 30oC. Theo thí nghiệm của Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế, Rầy Nâu cái nuôi ở nhiệt độ 20oC có thời gian đẻ trứng kéo dài 24 ngày, trong khi ở 30oC thì thời kỳ này chỉ còn 3 ngày.

– Ẩm độ và lượng mưa: Mưa lớn và liên tục trong nhiều ngày sẽ làm rầy trưởng thành suy yếu, rầy cám bị rửa trôi, đồng thời rầy cũng dễ bị nấm bệnh tấn công. Trong khi mưa nhỏ hoặc mưa nắng xen kẽ, trời âm u thích hợp cho rầy phát triển mật số. Ẩm độ thích hợp đối với Rầy Nâu là từ 80-86%.

– Gió: Rầy Nâu có khả năng di chuyển xa và nếu có gió rầy bốc lên theo gió và có thể bị cuốn đến những nơi rất xa. Các nhà báo ở Nhật và Phillipines cho thấy Rầy Nâu có thể di chuyển đi rất xa, có thể đến hàng ngàn cây số.

– Yếu tố thức ăn và thời tiết có ảnh hưởng đến sự hình thành số lượng rầy cái hoặc đực cũng như dạng cánh ngắn hay dài:

* Tỷ lệ rầy cái/ đực:

+ Ở thười kỳ đẻ nhánh đến trổ nếu giống lúa thích hợp, thức ăn ngon mềm, số lượng rầy cái có thể gần bằng 4 số lượng rầy đực.

Kỹ thuật canh tác lúa
Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số

+ Ở thời kỳ lúa chín, số lượng rầy cái và đực tương đương nhau.

+ Nhiệt độ, ẩm độ thích hợp, thức ăn phong phú, loại hình cánh ngắn xuất hiện nhiều, trong số này rầy cái bao giừo cũng chiếm tỷ lệ cao hơn.

+ Nếu nhiệt độ cao, khô hạn, thức ăn không đầy đủ hay không thích hợp thì loại hình cánh dài xuất hiện nhiều.

+ Rầy Nâu sống trên lúa từ cuối giai đoạn đâm chồi đến ngậm sữa nếu có thức ăn đầy đủ đúng vào thời kỳ có điều kiện thời tiết thích hợp, loại hình cánh ngắn xuất hiện nhiều có thể lên tới 100%.

6.3. Thiên địch

Có nhiều loài côn trùng ký sinh, ăn thịt và nấm bệnh gây hại mọi giai đoạn tăng trưởng của Rầy Nâu. Các loài thiên địch quan trọng của Rầy Nâu là:

– Bọ Rùa: Có nhiều loại Bọ Rùa tấn công Rầy Nâu. Mỗi ngày một con Bọ Rùa (Cả thành trùng lẫn ấu trùng) có thể ăn từ 5-10 con Rầy Nâu ( cả thành trùng và ấu trùng).

– Kiến Ba Khoang: Có hai loại kiến ba khoang thường gặp trên ruộng lúa là: Paederus fuscipes (Curtis) thuộc họ Staphylinidae và Ophionea indica (Schmidt Goebel) Thuộc họ Carabidae. Cả thành trùng và ấu trùng các loài kiến ba khoang đều ăn thành trùng và ấu trùng Rầy Nâu. Một con Kiến Ba Khoang có thể ăn từ 3-5 con Rầy Nâu mỗi ngày.

– Bọ Xít Nước: Có hai loạiBọ Xít nước thường xuất hiện ruộng hiện trên ruộng lúa là: Microvelia atrolineata Bergroth (họ Veliidae) và Mesovelia sp (họ Mesoveliidae). Cả hai loài trên thuộc bộ cánh nửa cứng (Hemiptera). Ấu trùng và thành trùng các loại Bọ Xít Nước đều chích hút chất dịch bên trong cơ thể ấu trùng và thành trùng Rầy Nâu. Một bọ xít nước có thể gây hại từ 4-7 thành trùng và ấu trùng Rầy Nâu mỗi ngày.

– Bọ Xít Mù Xanh: Tên khoa học: Cyrtorhinus lividipennis Reuter. Họ Miridae. Bộ Cánh Nửa Cứng (Hemiptera). Ấu trùng và thành trùng Bọ Xít Mù Xánh đều tấn công trứng của Rầy Nâu. Thành trùng của Bọ Xít Mù Xanh chủ yếu tấn công trứng của Rầy Nâu. Thành trùng Bọ Xít Mù Xanh còn săn bắt cả thành trùng và ấu trùng Rầy Nâu để ăn. Mỗi ngày một con Bọ Xít Mù Xanh có thể ký sinh từ 7-10 trứng Rầy Nâu hoặc từ 1-5 con rầy.

– Các loài nhện: Phổ biến là loài Pardosa (Lycosa) pseudoannulata (Boesenberg Stand), một con nhện có thể ăn từ 5-15 Rầy Nâu mỗi ngày.

– Các loài ký sinh: Có nhiều loài ong ky sinh đẻ trứng vào ấu trùng hoặc thành trùng Rầy Nâu. Khả năng ký sinh của từng loài đều khác nhau, có loài chỉ ký sinh từ 2-8 trứng rầy trong một ngày, có loài có thể đến 15-30 trứng/ ngày.

– Các loài sinh vật: Trong thiên nhiên có nhiều loài nấm, vi khuẩn hoặc virut gây chết cho Rầy Nâu với tỷ lệ rất đáng kể; tuỳ mùa vụ, tỷ lệ này có thể lên đến 30%. Ba loài nấm gây bệnh cho Rầy Nâu trên đồng ruộng là: Metarrhizium sp, Hirsutella sp và Beauveria basiana.

Xem thêm: Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa

7. Biện pháp phòng trị rầy nâu

a) Vệ sinh đồng ruộng:

– Phát sạch gốc rạ, chôn vùi lúa còn sót lại và đốt đồng ngay sau khi thu hoạch, không để lúa chét phát triển.

– Để ngừa bệnh lù xoắn lá, cần nhổ bỏ các bụi lúa bị bệnh lùn xoắn để không còn nguồn bệnh trên đồng ruộng.

b) Giống kháng:

Nên trồng nhiều giống lúa có tính kháng trung bình trên đồng ruộng cùng lúc để tránh tình trạng rầy quen thức ăn và để tránh áp lực của rầy khi rầy bộc phát.

c) Thời vụ:

– Sạ lúa, gieo mạ, cấy lúa đúng thười vụ, gọn, tránh mùa vụ gối nhau làm lúa hiện diện liên tục trên đồng ruộng.

– Nên có thời gian để đất trống để cắt đứt nguồn thức ăn của Rầy Nâu.

d) Mật độ sạ:

Không nên sạ, cấy dày, mật độ sạ thích hợp là 150kg/ha đất nếu có điều kiện sử dụng thuốc diệt cỏ hoặc tối đa là 180kg/ha.

e) Phân bón:

– Nên bón phân với liều lượng đủ cho nhu cầu của cây lúa.

– Bón đúng lúc và cân đối giữa phân Đạm, Lân, Kali. Tránh bón nhiều và dư đạm, nhất là ở giai đoạn cuối của cây lúa.

Kỹ thuật bón phân canh tác lúa
Bón phân cho lúa

f) Biện pháp sinh học:

– Cho vịt con từ 4-5 tuần tuổi vào ruộng lúa, khoảng 100-150 con/ ha.

– Thả cá như cá rô phi, mè vinh vào ruộng lúa.

g) Các biện pháp khác:

– Dùng dầu gasoil: cho dầu lên mặt nước ruộng xong dùng cây quơ lên lá lúa, rầy rớt xuống nước sẽ dính dầu bị chết. Lượng dầu sử dụng là 5-7 lít/ ha.

– Bẫy đèn: Khi có Rầy Nâu cánh dài xuất hiện nên làm bẫy đèn để thu hút rầy tới. Hàng đêm có thể đốt đèn từ 7-10 giờ tối. Bẫy đèn nên làm đông loạt.

h) Biện pháp hoá học:

Thăm đồng ruộng thường xuyên để ghi nhận mật số của rầy cũng như thành phần và số lượng thiên địch hiện diện trên đồng ruộng để quyết định việc sử dụng thuốc trừ rầy, Khi cần phải áp dụng thuốc thì nên theo nguyên tắc “Bốn đúng” như sau:

– Đúng loại thuốc: Dùng các loại thuốc đặc trị rầy. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc trên để tránh tình trạng rầy quen thuốc.

– Đúng liều lượng: Pha thuốc đúng liều lượng và nồng độ khuyến cáo. Nên sử dụng ít nhất là 4 bình/ công ruộng.

– Đúng lúc: Phun thuốc khi rầy nở rộ ở tuổi 2-3 (15-20 ngày sau khi Rầy Nâu có cánh vào đèn).

– Đúng cách: Phun thuốc vào gốc lúa là nơi rầy sinh sống.

 

)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *