Nhân giống bưởi Năm Roi bằng giâm cành

Nhân giống bưởi Năm Roi bằng giâm cành

Một trong những trở ngại lớn làm ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích trồng bưởi Năm Roi thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn tập trung nhằm đáp ứng sản lượng và chất lượng cho xuất khẩu hiện nay của các tỉnh Nam Bộ nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung là thiếu giống cây tốt, khoẻ mạnh, sạch sâu bệnh để cung cấp cho nông dân. Từ trước đến nay nông dân chủ yếu nhân giống bằng phương pháp chiết cành truyền thống nên khó tạo được các cây giống sạch bệnh, đồng thời hệ số nhân giống không cao.

Bưởi năm roi
Bưởi năm roi

Mới đây TS. Lê Văn Bé và các đồng nghiệp ở Khoa Nông nghiệp và Khoa học ứng dụng, trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu và thực hiện thành công phương pháp nhân giống bưởi Năm roi bằng cách giâm cành đạt hiệu quả cao. Theo TS Bé, phương pháp nhân giống được thực hiện trên 3 loại hom: hom có mang chồi ngọn, hom non không mang chồi ngọn và hom già hơn vừa gỗ hoá không mang chồi ngọn. Thời gian giâm hom từ 40-45 ngày đã ra rễ, trong đó loại hom mang chồi ngọn cho tỷ lệ ra rễ cao nhất (90%). Với phương pháp giâm cành hệ số nhân giống đạt rất cao. Trước đây từ một cành chiết chỉ trồng được một cây thì nay với phương pháp giâm hom có thể nâng hệ số nhân giống lên gấp nhiều lần để trông với diện tích lớn. Thực tế nhiều nơi đã áp dụng thành công, chúng tôi giới thiệu tóm tắt cách làm để các nơi tham khảo và vận dụng.

Xem thêm: Kỹ thuật ươm hom mía một mầm

– Chọn giống: cây khoẻ mạnh, đúng giống, đang trong thời kỳ cho quả ổn định, năng suất cao, chất lượng tốt làm đầu dòng để chuyên khai  thác lấy mắt ghép hoặc hom cành nhân giống.

– Chuẩn bị hom giâm: các hom được cắt trên các cành bánh tẻ, lá đã ổn định vào lúc sáng sớm trong tình trạng còn đang trương nước, dài 15-20cm, đường kính 1-2cm. Vết cắt sắc, gọn nghiêng 45o, không xây xước dễ tạo mô sẹo, kích thích ra rễ. Cắt bớt ½ chiều dài lá để hạn chế mất nước.

– Chuẩn bị giá thể: có thể giâm trên nền cát sạch, trên nền hỗn hợp gồm có cát sạch trộn với mụn xơ dừa, trấu hun hoặc rơm rạ phơi khô, băm nhỏ được tưới đủ ẩm.

– Cách giâm: nhúng gốc cành giâm sâu 1cm vào dung dịch vào dung dịch chất kích thích ra rễ NAA pha nồng độ 1.500ppm trong thời gian 2-3 giây rồi cắm vào giá thể sâu 2-3cm với khoảng cách 15x15cm rồi nén chặt gốc cho khỏi đổ.

– Chăm sóc sau giâm: Dùng màng nilon quay che kín luống giâm tạo thành nhà màng  duy trì độ ẩm 85-90%, nhiệt độ 28-30oC; phía trên nên sử dụng phên nứa, cành lá cây làm mái che che bớt ánh sáng để luôn duy trì khoảng 1000 – 2000 lux trong thời gian cành giâm ra rễ, nảy chồi mới.

– Chăm sóc cây con: tuỳ theo chất lượng và từng loại hom sẽ ra rễ sau khoảng 40-60 ngày thì chuyên sang trồng trong bầu nylon với giá thể là mùn xơ dừa, đất mặt và phân chuồng hoai. Xếp các bầu giống thành luống trong vườn ươm tiếp tục chăm sóc. Thời kỳ đầu mỗi ngày tưới nước 4 lần, sáng 2 lần, chiều 2 lần. Sau 1 tuần bắt đầu pha thêm phân DAP (2g/lít) tưới trực tiếp vào bầy mỗi tuần cho tưới khi cành giâm ra lá mới. Bón thúc, phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh hại, tưới nước theo định kỳ cho đến khi cây giống đủ tiêu chuẩn đem trồng ra ruộng ( khoảng 6 tháng sau).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *