Kinh nghiệm canh tác chè vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao
Chúng tôi giới thiệu kinh nghiệm làm chè vụ đông rất hiệu quả của nông dân xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để các nơi tham khảo áp dụng.
Khác với cách làm thông thường là đốn chè vào cuối năm để chuẩn bị cho vụ thu hoạch chè xuân là chủ yếu thì mấy năm gần đây hầu hết các gia đình trồng chè ở xã Tân Linh đã có cách làm ăn mới là đốn chè sớm vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tập trung khâu chăm sóc, đặc biệt là tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm cho các nương chè để thu thêm vụ chè đông mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với giá chè vụ xuân.
Theo số liệu thống kê, cả xã hiện có 700ha chè kinh doanh, mỗi năm cho thu hoạch trên 160 tấn chè búp khô, đưa về nguồn thu xấp xỉ 6,4 triệu đồng là nguồn sống chủ yếu của gần 1300/1400 hộ gia đình trong xã. Đặc biệt trong những năm gần đây đã có lên tới trên 60% số hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư thêm cơ sở vật chất như: mua thêm vật tư, phân bón, máy bơm, hệ thống tưới tiêu, khoan thêm giếng, xây thêm bể chứa nước trên đồi… để làm được gần 200ha chè vụ đông.
Xem thêm: Kỹ thuật chăm sóc và xử lý cho cây cà phê chín đồng loạt
Mỗi năm cho thu hoạch thêm 6 tấn chè búp khô bán với giá từ 100.000-150.000VNĐ/ kg cao gấp 2-3 lần so với giá chè thường. Kinh nghiệm ở đây là từ cuối tháng 9, sau khi thu hái tận thu lứa chè cuối vụ thay vì phải chờ đến cuối tháng 12, đầu tháng 1 đốn chè cho vụ chè xuân năm sau thì bà con lựa chọn những nương chè gần nguồn nước hoặc có điều kiện tưới tiêu thuận lợi để cắtp phớt tán, bón phân, dùng máy bơm nước tuần 1-2 lần để kích thích cho chè ra lộc, ra búp làm chè vụ đông.
Nơi nào không gần khe suối thì có thể khoan giếng ngầm, xây bể trên đồi để bơm nước trữ cho tưới chè 1-2 lần/ tuần, nhất là những tháng mùa khô. Nhờ có đủ nước tưới, bón phân kịp thời nên chè vụ đông nảy búp đều, xanh mỡ màng không kém gì chè vụ xuân. Theo tính toán so với chè chính vụ, chè đông chậm búp hơn, mất từ 40-45 ngày/ lứa hái, mỗi vụ hái được ba lứa có giá bán cao hơn trong khi lượng phân bón giảm hơn 20%, 50% lượng thuốc trừ sâu.
Xem thêm: Khắc phục hiện tượng nho nứt quả
Về kinh nghiệm sao sấy chè vụ đông: tuy công tưới vất vả nhưng do búp chè vụ đông rất ít tích nước nên thời gian sao sấy chè nhanh hơn, lượng củi giảm gần 30% so với chè vụ xuân, tổng cộng mỗi sào chè vụ đông tiết kiệm được trên 100.000 đồng/ lứa.
Song song với việc khuyến khích chè vụ Đông, UBND xã chủ trương tích cực đầu tư thêm về khoa học kỹ thuật như sản xuất chè sạch, an toàn bằng các chế phẩm sinh học, phòng trừ sâu bệnh theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp IPM; đưa thêm các giống chè mới chất lượng cao như LPD1, Phúc Vân Tiên, Kim Tiên,… vào cơ cấu giống thay thế các giống chè cũ nhằm đa dạng hoá sản phẩm, tiến tới sản xuất chè chất lượng cao theo hướng hàng hoá và xây dựng thương hiệu cho chè Tân Linh trong thời gian tới.