Phòng trừ các loại sâu đục thân hại lúa

Phòng trừ các loại sâu đục thân hại lúa

Sâu đục thân lúa còn gọi là sâu ống hoặc sâu nách. Có 6 loài sâu đục thân lúa chính ở Á Châu, Nhưng ở Việt Nam chủ yếu có 4 loài sau:

– Sâu đục thân Màu Vàng, còn gọi là sâu bướm hai chấm, có tên khoa học là Scirpophaga incertulas = Tryporyza incertulas, Schoenobius incertulas, Scirpophaga incertullus, Schoenobius incertullus, Scirpophaga  bipunctifer (Walker), Tryporyza bipunctifer, Schoenobius bipunctifer.

Sâu đục thân Sọc Nâu Đầu Đen có tên khoa học là Chilo polychrysus Meyrick = Chilotraea polychrysus, Chilo polychrysa, Chilotraea polychrysa.

– Sâu đục thân Sọc nâu Đầu Nâu có tên khoa học là  Chilo suppressalis Walker = Chilo simplex Walker

Ba loài sâu trên thuộc họ Ngài Sáng (Pyralidae), bộ cánh Vảy Lepidoptera).

– Sâu đục thân Màu Hồng có tên khoa học là Sesamia inferens Walker, Họ Ngài Đêm (Noctuidae), bộ Cánh Vảy (Lepidoptera).

1. Phân bố

Các loài sâu đục thân được ghi nhận xuất hiện ở các quốc gia như Afghanistan, Ấn Độ, Bangladesh, Burtan, Burma, Indonesia, Campuchia, Lào, Malaysia, Nepal, Tân Guinea, Philippines, Pakistan,Sri- Lanka, Việt Nam, miền Nam nước Nhật, Trung Quốc, Triều Tiên.

2. Ký chủ

Ngoài cây lúa, các loài sâu đục thân có thể sinh sống trên các loại cây như mía, bắp, lúa hoang, các loại cỏ như cỏ lồng vực, Sacclolepsis, Scirpus, Etaria, Phragmites, Typha, Panicum paspalum, Zizania, Echinochloa. Đặc biệt sâu đục thân màu chỉ sống trên lúa và lúa hoang.

Sâu đục thân hại lúa
Sâu đục thân hại lúa

3. Đặc điểm hình thái và sinh học

3.1. Sâu đục thân Màu Vàng, Scirrpophaga incertulas (Walker)

Bướm cái có chiều dài thân từ 10-13mm, sải cánh rộng từ 23-30mm, thân và cánh có màu vàng nhạt, giữa cánh có chấm đen to. Cuối bụng có chùm lông màu vàng nhạt dùng để phủ lên ổ trứng. Bướm đẻ đêm thứ ba sau khi vũ hoá và liên tiếp từ 2-6 đêm, cao nhất là đêm thứ 2 và thứ 3, một bướm cái có thể đẻ từ 200-300 trứng. Trứng được đẻ thành từng ổ từ 50-80 cái và mỗi đêm một bướm cái đẻ từ 3-6 ổ trứng.

Bướm đực có thân dài từ 8-10mm, sải cánh rộng từ 18-20mm. Đầu, ngực và cánh trước màu nâu nhạt. Cánh trước có dạng hình tam giác, giữa có một chấm đen nhỏ. Từ góc trên của cánh trước có một vệt xiên vào giữa cánh màu nâu đen lợt, cạnh ngoài cánh có 8-9 chấm đen nhỏ. Thời gian sống của bướm đực độ 4-5 ngày và của bướm cái từ 5-7 ngày.

Bướm sâu đục thân màu vàng
Bướm sâu đục thân màu vàng

Trứng nhỏ, màu trắng, thời gian ủ trứng từ 5-8 ngày.

Sâu non màu trắng sữa, đầu màu nâu nhạt, lớn đủ sức dài 20-25mm. Sâu có 5 tuổi, phát triển trong thời gian từ 25-35 ngày.

Nhộng dài từ 10-15mm, màu nâu nhạt, kéo dài từ 7-10 ngày.

Vòng đời sâu đục thân vàng từ 45-70 ngày.

3.2. Sâu đục thân Sọc Nâu Đầu Đen, Chilo polychrysus Meyrick

Bướm đực có chiều dài thân từ 7-9mm, sải cánh rộng 20-23mm. Đầu ngực màu nâu nhạt, bụng màu nâu xám. Cánh trước màu vàng nâu, cạnh ngoài có 1 hàng chấm đen, giữa cánh có 6-7 chấm đen nhỏ. Cánh sau màu nâu nhạt, lông viền cánh màu trắng bạc. Bướm cái có kích thước cơ thể từ 9-12mm, sải cánh rộng 23-28mm. Râu đầu dạng sợi chỉ màu xám tro và màu nâu xám xen kẽ nhau. Cánh trước màu nâu vàng. Thời gian sống của bướm từ 5-7 ngày.

Chilo polychrysus Meyrick
Chilo polychrysus Meyrick

Trứng hình bầu dục dẹp, mới đẻ màu trắng, dần dần chuyển thành màu vàng nhạt đến vàng tro, dài từ 0,70 -0,85mm, ngang từ 0,45-0,60mm. Ổ trứng xếp theo dạng vảy cá, thường từ 1-3 hàng, nhiều nhất là từ 5-7 hàng. Một ổ trứng có khoảng từ 20-150 quả. Thời gian ủ trứng từ 5-7 ngày.

Sâu non lớn đủ sức dài từ 16-25mm. Đầu màu nâu đậm hoặc đen, lưng có 5 sọc nâu chạy dọc từ đầu đến cuối bụng. Sâu có 5 tuổi, phát triển trong khoảng thời gian từ 20-25 ngày.

Nhộng có chiều dài từ 9-16mm, ngang 2mm. Khi mới hình thành nhộng màu vàng, mặt lưng có 5 sọc màu đỏ nâu, càng ngày nhộng càng đậm dần. Giai đoạn nhộng kéo dài từ 6-10 ngày.

Vòng đời sâu đục thân sọc nâu đầu đen khoảng 36-45 ngày.

Đặc điểm sinh học của cây dưa hấu

3.3. Sâu đục thân Sọc Nâu Đầu Nâu, Chilo suppressalis Walker.

Bướm đực dài 10-13mm, sải cánh rộng 20-25mm. Đầu, ngực màu nâu tro nhạt, mắt kép đen, râu đầu hình sợi chỉ, nhưng những đốt cuối cùng có răng cưa nhỏ. Cánh trước màu rơm đến nâu nhạt, có một hàng chấm tím đen ở gần sát cạnh ngoài và 5 đốm đen mờ ở giữa cánh. Cánh sau màu trắng vàng. Bụng thon nhỏ.

Bướm cái có thân dài từ 12-15mm, sải cánh rộng từ 25-31mm. Râu đầu hình sợi chỉ. Trên cánh không có những chấm đen giữa cánh như bướm đực, cạnh ngoài cánh có 7 chấm đen. Một bướm cái đẻ từ 150-250 trứng. Thời gian sống của bướm là từ 5-7 ngày.

Sâu đục thân sọc nâu đen
Sâu đục thân sọc nâu đầu nâu

Trứng đẻ thành từng ổ, xếp hình vảy cá. Trứng hình bầu dục dẹp. Trứng mới đẻ màu trắng, sau chuyển dần thành màu nâu, sắp nở có màu đen. Trứng đẻ gần chân của lá lúa, không phủ lông. Thời gian ủ trứng từ 4-7 ngày.

Sâu non lớn đủ sức dài từ 18-20mm, màu nâu nhạt, trên lưng có 5 sọc màu nâu chạy suốt chiều dài thân, Sâu có 5 tuổi, phát triển trong vòng từ 26-35 ngày.

Nhộng màu nâu vàng, dài từ 10-12mm. Giai đoạn nhộng từ 5-7 ngày.

Vòng đời sâu đực thân sọc nâu đầu nâu từ 40-70 ngày.

3.4. Sâu đục thân Màu Hồng, Sesamia inferens Walker

Bướm có chiều dài từ 12-15mm, sải cánh rộng từ 27-30mm. Đầu, ngực màu vàng tro, bụng màu nâu nhạt. Râu đầu của bướm đực ngắn, hình răng lược, râu bướm cái hình sợi chỉ. Cánh trước có dạng hình chữ nhật màu nâu lợt, gân cạnh ngoài cánh có màu xám đen. Ngay chính giữa cánh có một vân dọc màu nâu tối kéo dài từ góc cánh đến canh ngoài của cánh. Cánh màu trắng bạc, cạnh ngoài màu nâu nhạt và có rìa lông. Bướm sống từ 4-10 ngày.

Bướm cái bắt đầu đẻ trứng vào 2 hoặc 3 ngày sau khi giao phối. Thời gian đẻ trứng từ 5-6 ngày, nhiều nhất là 10 ngày. Số lượng trứng đẻ phấn lớn tập trung trong 3 ngày đầu. Mỗi bướm có thể đẻ từ 1-15 ổ trứng, trung bình 4-5 ổ. Số lượng trứng trong ổ thay đổi tuỳ theo lứa sâu trong năm, trung bình từ 200-250 trứng. Trứng có tỷ lệ nở rất cao, có thể trên 80%.

Trứng hình bán cầu hơi dẹp, đỉnh hơi lõm. Trên bề mặt trứng có các khía dạng mạng nhện. Trứng mới đẻ màu trắng, khi gần nở màu tím. Thời gian ủ trứng từ 4-8 ngày.

Sâu lớn đủ sưc dài từ 20 – 30mm, đầu nâu đậm, mặt dưới ngực và bụng màu vàng nhạt, mặt lưng màu hồng tím. Sâu có 5 tuổi và phát triển từ khi nở đến khi lớn đủ sức từ 20-40 ngày.

Nhộng to, màu nâu sậm, dài 12-15mm. Nhộng phát triển từ 7-10 ngày.

Vòng đời sâu đục thân màu hồng từ 45-60 ngày.

4. Tập quán sinh sống và cách gây hại

4.1. Sâu đục thân Màu Vàng

Bướm vũ hoá vào ban đêm và có thể giao phối ngay sau khi vũ hoá và 2 ngày sau bắt đầu đẻ trứng. Bướm thích đẻ trứng trên những đám ruộng xanh tốt, rậm rạp. Ban ngày bướm ẩn trong tán lá lúa rậm rạp gần mặt nước. Bướm bắt đầu hoạt động mạnh khi trời vừa tối và hoạt động mạnh nhất từ 19-20 giờ đối với bướm cái và từ 23 giờ khuya đến 1 giờ sáng đối với bướm đực. Bướm rất thích ánh đèn và vào đèn nhiều lúc trăng tròn. Bướm có thể bay xa đến 2km để tìm thức ăn.

Sâu non mới nở gặm ăn chất keo và lông phủ lên ổ trứng hay ở đáy ổ trứng chui ra. Sâu tấn công cây lúa bằng hai cách tuỳ giai đoạn sinh trưởng của cây lúa:

– Lúa ở giai  đoạn mạ hoặc đẻ nhánh. Sâu mới nở nhả tơ nhờ gió đưa sang các bụi lúa lân cận hoặc số ít rớt xuống nước và nhờ gió đưa theo dòng nước phân tán đến các cây khác, nhưng chỉ 40% trong số trên là có thể sống và đục được vào thân cây lúa. Sau khi phân tán đến các lá, sâu chui vào bên trong bẹ lá, ăn mặt trong của bẹ lá từ 3-5 ngày.

Sang tuổi 2 miệng đủ cứng, sâu đục thân cây lúa và chui vào trong thân, ngay phía trên mắt và thường dùng tơ bịt kín lỗ đục để nước không chui vào. Sâu ăn phá đọt non của cây lúa làm cho dưỡng chất và nước không di chuyển lên nuôi đọt được nên đọt bị héo khô, gọi là “chết đọt”.

Đặc điểm sinh trưởng của lai
Tập quán sinh sống

– Lúa sắp trổ hoặc mới trổ. Sâu đục qua lá bao đồng chui vào giữa thân xong bò dần xuống phía dưới ăn điểm sinh trưởng, cắn đứt các mạch chất dinh dưỡng nuôi bông, làm cho bông bị lép gọi là “bông bạc”.

Ở tuổi nhỏ sâu có thể sống trong thân cây mạ, khi cơ thể lớn (tuổi 3), sâu chui lại ra ngoài vì thân cây nhỏ so với cơ thể sâu; sâu cắn đứt thân mạ một đoạn ngắn hoặc cắn đứt một đoạn lá xong cuốn lại thành hình ông và sống trong đó, khi di chuyển sâu mang theo minh đoạn thân mạ hoặc cuốn lá đó, do đó sâu đục thân còn có tên gọi là “sâu ống”.

Thời gian sinh trưởng của sâu non, tỉ lệ bướm cái và đực và số lượng trứng của bướm của mỗi bướm cái sinh sống trên mạ thường kém hơn so với sâu sống trên lúa đã cấy.

Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây dưa hấu

Tỷ lệ sâu đục vào thân cây lúa cao hay thấp tuỳ thuộc vào tuổi của cây:

– Cây lúa ở giai đoạn mạ hay còn nhỏ, bẹ ôm sát thân, không thuận lợi cho sâu non vì khó đục được vào bên trong thân cây lúa, do đó sâu phải kéo dài thời gian phát triển. Sâu sống trong ruộng mạ càng lâu tỷ lệ chết càng nhiều. Việc nhổ mạ cấy cũng làm tăng tỷ lệ chết của sâu non.

– Khi cấy lúa đẻ nhánh bẹ rất mềm, sâu đục vào dễ dàng. Trên lúa đứng cái, các tầng bao lá dày cứng và nhiều, sâu đục vào khó khăn nên thường bị chết nhiều. Giai đoạn làm đòng, lúa chỉ có một bao đòng nên sâu đục vào bên trong thân lúa dễ dàng. Lúc lúa trổ, thân lúa cứng nên khó xâm nhập.

Đặc điểm của sâu này chỉ là một con sống trong một thân cây lúa; khi hết thức ăn sâu chui ra ngoài và tấn công cây lúa khác, do đó sâu có khả năng gây hại rất cao.

Sâu cần ẩm độ cao để hoá nhộng( trên 90%), do đó, sâu thường làm nhộng bên trong thân cây lúa hoặc dưới mặt đất độ 1-2cm, đôi khi nếu đồng ruộng khô hạn sâu có thể chui xuống cách mặt đất độ 10cm để hoá nhộng. Trước khi hoá nhộng sâu đục sẵn một lỗ ở thân cây lúa, chừa lại lớp biểu bì để khi nở bướm chui ra ngoài.

4.2. Sâu đục thân Sọc Nâu Đầu Đen

Bướm thường nở về đêm và bướm cái đẻ trứng 2-3 ngày sau khi vũ hoá. Bướm thích ánh sáng đèn nhưng yếu hơn so với bướm hai chấm. Bướm cái bị thu hút bởi ánh sáng đèn nhiều hơn bướm đực.

Trứng được đẻ chủ yếu trên mặt lá, thường nở vào buổi sáng và có tỷ lệ nở rất cao. Cách tấn công của sâu vào bên trong cây lúa tương tự như sâu đục thân hai chấm, nhưng sâu có tập quán sống quần tụ, trong một thân cây lúa có từ vài con, đôi khi có vài chục con, kể cả sâu tuổi lớn. Khi hết thức ăn sâu đục lỗ chui ra ngoài tấn công các cây lúa khác.

Vì nhiều sâu sống trong một thân cây lúa nên mau hết thức ăn, do đó một đời sâu non có thể di chuyển sang các cây lúa khác từ 3-4 lần. Sâu hoá nhộng bên trong thân cây lúa hoặc ở nách lá, cách mặt nước khoảng 10cm. Sâu và nhộng cần ẩm độ cao, thời tiết khô hạn nhộng dễ chết và bướm vũ hoá ra có hình dạng không bình thường, do đó ruộng đất ẩm ướt, sâu phát sinh nhiều hơn so với ruộng cạn.

4.3. Sâu đục thân Sọc Nâu Đầu Nâu

Bướm thường được vũ hoá vào buổi chiều, rộ nhất từ 8-9 giờ tối. Bướm hoạt động vào ban đêm, ban ngày trốn dưới lá lúa hay cỏ dại. Bướm rất thích ánh sáng đèn, thường bướm cái vào đèn nhiều hơn bướm đực (trên 70%) và số lượng bướm cái chưa đẻ vào đèn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 60% (Hồ Khắc Tín, 1982). Bướm cái thích đẻ trứng trên lúa xanh đậm hơn trên mạ.

Vị trí đẻ trứng tuỳ theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, trên mạ bướm đẻ ở mặt trên phiến lá, cách chóp lá khoảng 3cm; trên cây lúa bướm đẻ nhiều trên bẹ, chỉ số ít trứng được đẻ trên phiến lá. Bướm đẻ rộ nhất từ sau 11 giờ đêm. Vị trí ổ trứng trên bẹ lá cao hay thấp tuỳ mực nước trong ruộng, thường cách mặt nước từ 3-13cm.

Hoạt dộng của sâu tuỳ thuộc vào giai đoạn tăng trưởng của cây lúa:

– Nếu cây lúa còn nhỏ, thân hẹp, thức ăn không đầy đủ, sau khi nở sâu phân tán ngay đến các cây lúa mới, mỗi thân cây có ít nhất 3 sâu.

– Khi cây lúa bắt đầu có ống, thức ăn đầy đủ hơn, sâu nở ra không phân tán ngay mà tập trung ở bẹ la, sâu lớn dần mới bắt đầu cạp ăn mặt trong của bẹ, sau đó đục vào thân cây; khi hết thức sâu đục lỗ chui ra ngoài và tìm đến cây lúa mới. Lúc lớn, sâu đủ sức, ngừng ăn, cơ thể thu ngắn lại và lột xác hoá nhộng. Trước khi hoá nhộng sâu đục một lỗ xuyên qua thân cây lúa, chừa lại lớp biểu bì để khi nở bướm dễ dàng chui ra ngoài.

– Khi cây lúa đang sinh trưởng sâu làm nhộng bên trong thân nơi đang sống hoặc nếu mật số cao, sâu thường đục ra ngoài làm nhộng ở nách lá. Nếu sâu non ở trong rạ hoặc gốc rạ muốn hoá nhộng thì phải di chuyển đến gần lỗ đục vào để làm nhộng vì nhộng cũng rất cần oxi. Loài sâu này thường thích những ruộng lúa khô hạn.

– Trước khi hoá nhộng sâu đục một lỗ trên thân cây, chừa lại lớp biểu bì mỏng để khi bướm vũ hoá dễ chui ra. Cây lúa đang tăng trưởng sâu làm nhộng giữa bẹ hay ở nách lá. Vì có nhiều sâu trong một thân cây nên sâu thường chui ra ngoài khi hết thức ăn và đục vào chính thân cây lúa đó ở vị trí khác, do đó trên cây lúa héo có rất nhiều vết đục.

4.4. Sâu đục thân màu Hồng

Bướm thường vũ hoá từ 6-8 giờ tối, ban ngày ẩn nấp trong khóm lúa hoặc cỏ dại, ban đêm bay ra hoạt động, Bướm thích ánh sáng đèn nhưng không hoạt động mạnh như sâu đục thân hai chấm.

Sâu non sau khi nở thường tập trung ăn phá mặt trong bẹ lá, khi lớn bắt đầu đục vào thân cây lúa hoặc phân tán đến các cây kế cận, vị trí xâm nhập vào cây lúc này thường ở khoảng giữa đốt thứ 3 và 4 (tính từ gốc lên) của thân cây lúa.

Sâu 4-5 tuổi có sức ăn mạnh, có thể chui ra và đục vào cùng một lóng khác của thân cây lúa đó hoặc sang cây khác để gây hại, một số ít có thể đục xuyên qua đốt thân lúa để sang lóng khác. Mỗi sâu non từ khi nở đến lúc lớn hoàn toàn có thể phá hoại từ 2 đến 3 thân cây lúa. Sâu làm nhộng phía trong thân cây lúa hoặc ngoài bẹ lá.

5. Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số

a) Thời tiết: Ẩm độ cao (trên 90%)thích hợp đối đối với hầu hết các loài sâu đục thân lúa. Nhiệt độ từ 19-30oC thích hợp cho bướm hoạt động và sâu phát triển.

b) Thức ăn: Ở giai đoạn vươn lóng sâu đục vào dễ đang vì cây lúa mềm. Ở giai đoạn phân hoá đòng sâu dễ dàng đục vào bên trong thân cây làm cho cây bị hiện tượng chết đọt nhiều.

c) Thiên địch: Trứng sâu đục thân thường bị kí sinh bởi ong thuộc các họ Eulophidae,Scelionidae, Trichogrammatidae, thành trùng kí sinh đẻ trứng sâu trước khi trứng được phủ lông. Trứng sâu đục thân còn bị vạc sành, dế ăn và ăn cả lông phủ vỏ trứng. Sâu và nhộng các loài sâu đục thân cũng bị kí sinh nhưng với tỷ lệ thấp, riêng ấu trùng tuổi 1 thường dễ bị côn trùng có ích ăn vì chưa chui vào được bên trong cây.

6. Biện pháp phòng trị

6.1. Biện pháp canh tác:

  • Trồng giống lúa kháng sâu đục thân
  • Trồng giống lúa chín sớm và nhảy chồi nhiều
  • Cắt bỏ ổ trứng trên nương mạ trước khi cấy
  • Khi gặt chừa gốc rạ thấp
  • Đốt đồng, cày chôn gốc rạ, phơi đất ngay sau khi gặt
  • Cho ruộng ngập nước trước khi gieo cấy
  • Không bón nhiều phân đạm

6.2. Biện pháp hoá học:

Theo Cục Trồng trọt và Bảo Vệ Thực Vật (1991). Nên áp dụng thuốc trừ sâu khi đạt các mật số sau:

– Lúa giai đoạn đẻ nhánh. Lúa sạ khoảng 2 ổ trứng/m2, lúa cấy, 1 ổ trứng/20 bụi lúa. Trong cả 2 trường hợp trên nếu ruộng ngập 5cm, có thể áp dụng thuốc nước hay thuốc hột, nếu ruộng ngập sâu ít hơn 5cm, có thể áp dụng thuốc nước.

– Lúa ở giai đoạn từ làm đòng đến trổ, 1 ổ trứng/ m2 đối với lúa sạ hay 1 ổ trứng / bụi đối với lúa cấy.

Xem thêm: Kỹ thuật trồng dưa hấu

Theo Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc tế (IRRI):

– Ở giai đoạn nhảy chồi, sử dụng thuốc hột hay thuốc nước đều có hiệu quả, nhưng nếu ruộng có mực nước thường xuyên thấp hơn 5cm, nên phun thuốc nước.

– Ở giai đoạn phân hoá đòng đến trổ, sử dụng thuốc hột không có hiệu quả, chỉ có thuốc nước để diệt ổ trứng, bướm và sâu tuổi nhỏ chưa chui vào thân cây.

– Có thể sửu dụng thuốc nước lúc sâu vừa mới nở ra, chưa chui vào bên trong thân cây lúa.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *